Chiều ngày 16/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU ngày 14/12/2022 theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel. Đồng thời, thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ từ ngày 09 đến ngày 15/12/2022 theo lời mời của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và làm việc với Trung tâm IMEC tại TP. Leuven, Vùng Flanders, một trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao hàng đầu của Bỉ, cũng như của EU (Ảnh: VGP). |
Có thể khẳng định, đây là chuyến công tác của Thủ tướng tới nhiều quốc gia, hướng tới nhiều mục tiêu trên nhiều lĩnh vực, nhiều bình diện cả song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, với chương trình làm việc dày đặc, nội dung làm việc phong phú, đạt nhiều kết quả ấn tượng và quan trọng, giúp nâng cao hơn nữa hình ảnh và vị thế của Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với 3 nước ngày càng phát triển; Việt Nam và 3 nước sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Đây là chuyến thăm Luxembourg đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau 20 năm và là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa Việt Nam với Hà Lan trong 3 năm qua.
Các nước đều là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu về thương mại, đầu tư; có nhiều thế mạnh phù hợp mục tiêu an ninh - phát triển của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, công nghệ cao… Các nước coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam ở khu vực, đã có các khuôn khổ Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững, quyết tâm cùng Việt Nam đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác nhân dịp chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ.
Ba nước tổ chức đón tiếp Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với nghi lễ trang trọng. Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, trao đổi với hầu hết lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Quốc hội và Hoàng gia 3 nước, cho thấy các nước đánh giá cao chuyến thăm và coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Lãnh đạo cấp cao các nước đều bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các nước khẳng định mong muốn cùng ta đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch, xử lý hiệu quả các vấn đề quốc tế và cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Các nước đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất, nhiều tiềm năng nhất trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp của cả 3 nước rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Lãnh đạo các nước ủng hộ việc triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và bày tỏ mong muốn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVPIA) sớm được phê chuẩn để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới, công nghệ cao, chiến lược.
Chuyến thăm của Thủ tướng đã thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ba nước có thế mạnh nhằm phục vụ các mục tiêu an ninh - phát triển của đất nước. Với Luxembourg, đó là việc kết nối tiếp cận nguồn vốn đầu tư và tài chính với điều kiện ưu đãi, nhất là tài chính xanh, thông qua việc sớm thiết lập Đối tác chiến lược về tài chính xanh. Với Hà Lan và Bỉ là đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, thành lập các trung tâm công nghệ cao theo mô hình ba bên (Chính phủ, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp) như Trung tâm đổi mới sáng tạo Brainport của Hà Lan.
Ngoài ra, chuyến thăm đã đẩy mạnh kết nối về logistics, thu hút đầu tư chất lượng cao của ba nước vào hạ tầng chiến lược, tăng cường hợp tác chuyên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam với ba nước về quản lý nước, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Việt Nam và các nước nhất trí phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế như khuôn khổ hợp tác ASEAN – EU, ASEM, Liên hợp quốc, nhất là khi Việt Nam và cả 3 nước Luxembourg, Bỉ, Hà Lan đều là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc để đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Các nước cam kết ủng hộ ta về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với ba nước, giúp gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và ba nước trong giai đoạn phát triển mới ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phục vụ các lợi ích an ninh – phát triển của Việt Nam và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, một trong những mục tiêu và điểm nhấn đặc biệt trong chuyến công tác của Thủ tướng là thúc đẩy hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, hạ tầng chiến lược…
Thủ tướng đã có nhiều cuộc thăm, làm việc với các cơ sở kinh tế, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hàng đầu của mỗi nước cũng như của châu Âu và thế giới, như trung tâm công nghệ cao IMEC (Interuniversity Microelectronics Center) của Bỉ, Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC), Trung tâm Nhà vườn Thế giới, mô hình cảng Rotterdam của Hà Lan, Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg – hiện đang niêm yết một nửa trái phiếu xanh trên thế giới…
Trong khuôn khổ chuyến thăm, tại mỗi nước, Thủ tướng Chính phủ đã dự các diễn đàn doanh nghiệp, gặp và làm việc với lãnh đạo đạo các vùng cùng 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn; đã có 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu và giữa các doanh nghiệp đã được ký kết.
Thủ tướng bày tỏ Việt Nam mong muốn được tham khảo kinh nghiệm của các nước trong quá trình phát triển qua các giai đoạn: Từ nền kinh tế nông nghiệp chuyển sang công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa và hiện nay là đổi mới sáng tạo gắn với đô thị thông minh.
Nhiều ý tưởng, chương trình hợp tác đã được Thủ tướng thúc đẩy mạnh mẽ và sẽ được nghiên cứu, triển khai cụ thể sau chuyến thăm, như: khả năng thành lập trung tâm phân phối hàng hóa, nông sản Việt Nam tại Bỉ để xâm nhập vào thị trường châu Âu; khả năng xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydrogen tại Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam đánh giá tiềm năng, xây dựng trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi…
N.Linh