Mới nhất, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã:VDS) đã bị UBCKNN xử phạt 125 triệu đồng do có hành vi vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn.
Theo đó, trong các hồ sơ tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ của một số CTCP chưa đại chúng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, nội dung Hợp đồng tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu giữa VDSC và khách hàng không có thoả thuận về đối tượng được bán trái phiếu. Như vậy, VDSC đã chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi cung cấp dịch vụ tư vấn trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định.
“Ông lớn” đầu ngành cũng bị phạt
Đáng chú ý, 2 “ông lớn” trong ngành chứng khoán là CTCP Chứng khoán SSI (SSI) và CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC, mã: HCM) cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt số tiền lần lượt là 200 triệu đồng và 60 triệu đồng.
Cụ thể, SSI đã vi phạm quy định về hạn chế cho vay, cho khách hàng vay tiền thông qua hợp đồng ký gửi và mua bán trái phiếu, hợp đồng đặt mua chứng khoán. Còn HSC công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định, bao gồm các nghị quyết hội đồng quản trị thông qua nhiều nội dung quan trọng như vay vốn ngân hàng, phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đầu tư trái phiếu...
"Ông lớn" ngành chứng khoán SSI cũng bị xử phạt hành chính 200 triệu đồng. (Ảnh: Int) |
Trước đó, UBCKNN đã phạt hành chính tổng cộng 985 triệu đồng đối với CTCP Chứng khoán APG (APG) vì mắc hàng loạt vi phạm. Cty này đã lập và xác nhận hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến có thông tin không chính xác; không báo cáo nhiều tài liệu trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Công ty chứng khoán (CTCK) này cũng không lưu giữ tài liệu về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán. Các trái chủ mua trái phiếu APGH2124001 phát hành trong năm 2021 của công ty là 29 nhà đầu tư cá nhân trong nước, song công ty không lưu giữ tài liệu về việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với các cá nhân này.
Bên cạnh đó, Chứng khoán APG còn báo cáo không chính xác về tỉ lệ an toàn tài chính tại nhiều thời điểm trong năm nay, vi phạm quy định về hạn chế cho vay (cho một số khách hàng vay tiền thông qua các hợp đồng đặt mua cổ phiếu, hợp đồng đặt mua trái phiếu), sử dụng tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng không đúng với phương án đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.
CTCP Chứng khoán An Bình cũng bị ủy ban phạt tổng cộng 310 triệu đồng. Cụ thể, đã bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề. Thêm vào đó, trong năm 2021 và 2022, công ty này đã phối hợp với tổ chức tín dụng để cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán khi chưa được UBCKNN chấp thuận.
Ngoài ra, do vi phạm các lỗi liên quan đến hệ thống công nghệ thông tin, gần đây Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cũng ra quyết định khiển trách hàng loạt CTCK như Chứng khoán Tân Việt, Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam, Chứng khoán ASAM, Chứng khoán Navibank, Chứng khoán Shinhan Việt Nam, Chứng khoán Alpha và Chứng khoán Quốc gia.
Mức xử phạt vẫn nhẹ?
Nhìn chung, hầu hết các CTCK bị xử phạt đều có lỗi liên quan đến hoạt động phát hành, mua bán trái phiếu. Có thể thấy, sau khi vụ việc trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị “vỡ lở”, các hoạt động mua bán trái phiếu đã có dấu hiệu “lặng sóng”. Theo đó, nhiều doanh nghiệp cũng như các CTCK liên tục có động thái mua lại trái phiếu trước hạn.
Chẳng hạn, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã:VCI) mới thông qua việc mua lại tối đa 3.000 trái phiếu trước hạn, mệnh giá 100.000.000 đồng, tổng giá trị dự kiến là 300 tỷ đồng. Trước đó, CTCK Tân Việt (TVSI) đã công bố kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn của 5 doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng…
Trước hàng loạt sự việc trên, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt đối với CTCK vẫn còn quá nhẹ, không tương xứng với giá trị lợi nhuận đem về từ các hành vi này, tạo ra sự nhờn quy định. Bởi dù sao, khác với các doanh nghiệp niêm yết, các CTCK lại là nơi nhà đầu tư cá nhân gửi trọn niềm tin.
Thực tế, thị trường đang xôn xao trở lại với vụ việc một lãnh đạo tiếp theo của Chứng khoán Trí Việt bị khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK). Với cương vị là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Trí Việt, đồng thời là thành viên sáng lập, Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC), người này đã tiếp tay cho việc thao túng cổ phiếu BII và TGG xảy ra ở CTCP Louis Holdings, CTCP Chứng khoán Trí Việt và các đơn vị liên quan.
“Biết luật mà vẫn phạm luật lẽ nào cũng chỉ xử phạt hành chính như các doanh nghiệp niêm yết khác. Lẽ nào khi sự việc vỡ lở như Chứng khoán Trí Việt mới xử nặng người đứng đầu và liên quan?”, một nhà đầu tư bức xúc.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, TTCK ở Việt Nam so với thế giới còn tương đối non trẻ. Do đó, cần hành lang pháp lý đúng đắn, hiệu quả để phát triển thị trường này cũng như hạn chế các tiêu cực, hành vi thao túng giá chứng khoán, trục lợi trái phép.
Đối với TTCK, thông tin là yếu tố cực kì quan trọng, ngay cả thông tin nhỏ nhất đều có ý nghĩa quan trọng trong việc phân tích và đưa ra quyết định của nhà đầu tư. Vì vậy, để phát triển TTCK lành mạnh, ổn định, chính sách của mọi quốc gia đều là đảm bảo cho việc thông tin đến với tất cả những nhà đầu tư được minh bạch và giảm thiểu hết mức có thể sự bất công trong việc tiếp nhận thông tin, nhất là khi Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện nâng hạng thị trường.
“Để có thể xử phạt đúng mức độ nghiêm trọng của hành vi, cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để nhận diện liệu hành vi có dấu hiệu vi phạm khác không; đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng này”, Luật sư Hà nêu quan điểm.
Mới đây, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đưa ra những định hướng cụ thể cho UBCKNN trong xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023. Theo đó, UBCKNN cần tăng cường thanh tra các CTCK có biến động lớn về chỉ tiêu trong báo cáo tài chính, tăng vốn nhanh, và công ty quản lý quỹ có nguồn vốn ủy thác lớn trong năm tới...
Hải Giang