Trước thông tin mới đây về việc Trung Quốc nới lỏng chính sách “Zero Covid”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, đã bày tỏ sự kỳ vọng sẽ giúp xuất khẩu (XK) rau quả khơi thông, khởi sắc hơn trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Xuất khẩu nông sản sẽ bớt lo
Theo ông Nguyên, có thể vẫn xảy ra hiện tượng ùn ứ hàng hoá nông sản tại biên giới nhưng sẽ không nhiều như cùng kỳ năm ngoái khi vào dịp giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến người sản xuất, kinh doanh nông sản ở Việt Nam.
Việc Trung Quốc tái mở cửa được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ nhiều loại nông sản thực phẩm của Việt Nam trong thời gian tới. |
Những đánh giá cho thấy vào dịp Tết 2023, nhu cầu hoa quả tươi của thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tới hơn 50% lượng hoa quả tươi XK của Việt Nam. Triển vọng XK hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc trong thời gian tới được cho là có nhiều tín hiệu tích cực.
Đơn cử như trái sầu riêng đã được XK theo đường chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 9/2022. Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết đây là loại trái mà mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu từ các nước đến 4,5 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam lại có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý, vận chuyển sang Trung Quốc sẽ nhanh hơn so với đối thủ cạnh tranh như Thái Lan.
Đến nay, Việt Nam đã có 12 loại rau quả được phép XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Việc chuyển mạnh từ XK tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường 1,4 tỷ dân này sẽ thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Trong báo cáo tháng 11/2022 của Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) có cho rằng một số chính sách về phòng chống dịch của Trung Quốc đã được nới lỏng.
“Có thể thấy đây cũng chính mà một trong những dấu hiệu cho thấy Chính quyền Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiến hành kiểm soát dịch Covid-19 một cách linh hoạt hơn và có xu hướng từng bước mở cửa trở lại. Mặc dù vậy, tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc trong thời điểm hiện tại vẫn có những diễn biến tương đối phức tạp”, Thương vụ cho biết một cách thận trọng.
Theo phía Thương vụ, để hoạt động XK vào Trung Quốc tiếp tục diễn ra thông suốt thì các hiệp hội cần không ngừng tuyên truyền và doanh nghiệp (DN) XK của Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm, kiểm dịch và quy định về vùng trồng do Bộ NN&PTNT quy định cũng như những tiêu chí, quy định đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong báo cáo chuyên đề mới đây về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BSC cho rằng nước này sẽ xem xét hạ cấp mức độ kiểm soát Covid. Ảnh hưởng từ việc Trung Quốc tái mở cửa tới các nhóm ngành có thể tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của nhóm ngành tiêu dùng, lương thực và chăn nuôi nhờ xu hướng giảm của chi phí vận chuyển khi vấn đề tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc được giải quyết.
Theo dõi sát sao, tránh lỡ cơ hội
Hơn thế nữa, theo BSC, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau thời gian phong tỏa phòng chống dịch sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thủy sản nội địa, từ đó thúc đẩy hoạt động XK thủy sản của Việt Nam.
Cho nên, giới phân tích duy trì quan điểm khả quan đối với ngành thủy sản của Việt Nam trong năm 2023.
Theo đó, việc mở cửa của Trung Quốc sau thời gian dài theo đuổi chính sách “Zero Covid” sẽ có tác động tích cực đối với ngành cá tra của Việt Nam. Trung Quốc luôn thuộc nhóm thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất, việc tiêu dùng bị thắt chặt trong gần 3 năm dịch khiến nhu cầu bị kìm nén trong khi tồn kho ở mức thấp. Do đó, giới phân tích kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao giúp cả ngành cá tra tăng trưởng.
Tuy vậy, với XK tôm vào Trung Quốc vẫn hết sức thận trọng. Các nhà nhập khẩu ở Trung Quốc trước đó đã cảnh báo rằng nhập khẩu có thể giảm hơn trong tháng 12 do nhu cầu giảm theo mùa sau khi tích trữ hàng cho Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhập khẩu tôm của Trung Quốc vẫn cao hơn nhiều so với năm 2021.
Ngoài ra, các DN trong ngành du lịch ở Việt Nam cũng đang khấp khởi từ khả năng tái mở cửa của Trung Quốc. Bởi lẽ, trong suốt giai đoạn năm 2015-2021, người Trung Quốc chiếm trung bình 29.5% trong cấu phần lượng khách du lịch sang Việt Nam hàng năm.
Kể cả trong giai đoạn 2 năm Covid-19, khách du lịch từ Trung Quốc chiếm cấu phần lớn, lần lượt là 34.1% và 43.5% trong hai năm 2020 - 2021. Các con số này cho thấy, Trung Quốc đóng góp một phần khá lớn vào hoạt động kinh doanh ngành nghề du lịch và ăn uống tại Việt Nam.
Chính vì vậy, các DN kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại Việt Nam sẽ giúp gia tăng tốc độ hồi phục của ngành dịch vụ lữ hành trong năm 2023. Mặc dù giá trị mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống đã hồi phục gần như trở lại giai đoạn trước Covid-19, nhưng dịch vụ lữ hành vẫn còn cách một khoảng khá xa khi vẫn đang trông chờ lượng khách lớn đến từ Trung Quốc trong thời gian tới.
Trong trường hợp Trung Quốc mở cửa trở lại, Bộ phận phân tích của BSC cũng nhận định ngành hàng không sẽ được hưởng lợi do các đường bay quốc tế phục hồi. Trung Quốc là thị trường hàng không lớn nhất đến Việt Nam. Cụ thể, sản lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc chiếm 32% tổng sản lượng khách quốc tế trước khi có Covid-19.
Theo số liệu thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 11 tháng năm 2022 đạt hơn 52,5 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ nhiều hàng nông sản của Việt Nam, trong đó đặc biệt là các mặt hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su, sản phẩm từ cao su. Còn theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng qua, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD.
Nhìn chung, việc Trung Quốc phát tín hiệu điều chỉnh chiến lược “Zero Covid” đang cần các DN của Việt theo dõi sát sao nhằm có sự linh hoạt trong chiến lược sản xuất kinh doanh của mình để không bỏ lỡ những cơ hội về giao thương trong thời gian tới.
Thế Vinh