Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số IIP tháng 1/2023 ước giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm 2022, ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%, làm giảm 7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Thiếu đơn hàng làm giảm chỉ số IIP
Chỉ số IPP được cho là đã sụt giảm ở 30 địa phương. Qua ghi nhận của VnBusiness, ở một số địa phương có thế mạnh về công nghiệp cũng chịu cảnh sụt giảm chỉ số này. Đơn cử như Đồng Nai, chỉ số IPP tháng 1/2023 ước giảm gần 16% so tháng trước đó và giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm hơn 14%.
![]() |
Các doanh nghiệp mong “mây tan” trong các tháng tới để hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc hơn. |
Ở tỉnh này, các ngành công nghiệp cấp II đều giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm, dệt may, giày dép, giấy, hóa chất, sản phẩm từ cao su và plastic, sản phẩm gỗ, điện tử, thiết bị điện…Chỉ số IIP giảm sâu là do hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều cho người lao động nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ 10-15 ngày, do đơn hàng của các DN cũng giảm mạnh. Nhiều DN chỉ nhận đơn đặt hàng bằng 40- 80% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là điều đã được dự báo từ trước về dấu hiệu chững lại của tiêu dùng nội địa và thị trường xuất khẩu (XK) trong những quý đầu năm nay khiến cho sản xuất công nghiệp chậm lại.
Nhất là số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm, cùng với việc Tết Nguyên đán diễn ra trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất.
Riêng hoạt động XK của các DN đang đối mặt thách thức lớn khi có nhiều dự báo cho rằng kim ngạch XK của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn chịu nhiều áp lực.
Ngay trong tháng 1, kim ngạch XK hàng hóa (với nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%) ước chỉ đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này đến từ các yếu tố như: XK của các DN cả nội địa và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều chậm lại khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong 2 tháng cuối năm 2022 do nhu cầu tại các thị trường chủ chốt giảm sút.
Do vậy, các nhà sản xuất đã mạnh tay cắt giảm sản lượng và giảm số lượng nhân viên liên tiếp trong những tháng gần đây. Số liệu thống kê cho thấy số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm 1/1/2023 giảm 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước.
Chưa kể, trong tháng 1/2023, có 34.994 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy là DN ngừng hoạt động đã cao hơn gấp 3 lần so với số DN thành lập mới trong tháng là 10,8 nghìn DN.
Trông đợi “mây tan”
Bên cạnh đó, từ cuối tháng 12/2022, chỉ số IIP của các ngành gỗ, dệt may và điện tử đã có dấu hiệu giảm mạnh về mức âm. Qua đó cho thấy các ngành hàng XK lớn của Việt Nam đang đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng mạnh.
Hơn nữa, các yếu tố tiêu cực trên thị trường quốc tế tiếp tục tác động rõ nét đến sản xuất trong nước. Các DN đang cố gắng giảm giá bán để kích cầu, kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn.
Không chỉ vậy, đà tăng giá của mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông lâm thủy sản, gạo, thép,…tiếp tục suy giảm và duy trì ở mức thấp so với đỉnh được thiết lập vào năm 2021. Mặt khác, việc VND tăng giá so với các đồng tiền của đối tác thương mại (do neo theo USD), khiến cho hàng hoá XK của Việt Nam cũng phần nào giảm tính cạnh tranh vào thời điểm này.
Mặc dù đứng trước những con số, dữ liệu không mấy khả quan, nhưng qua cuộc điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hồi quý IV/2022 với 6.500 DN từ Tổng cục Thống kê, có đến 68,8% DN vẫn cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2023 sẽ lạc quan hơn quý IV/2022.
Theo kết quả điều tra, dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2023 so với quý IV/2022 tiếp tục tăng với 69,4% DN dự báo tăng và giữ nguyên (30,0% tăng, 39,4% giữ nguyên), 30,6% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Về đơn đặt hàng XK mới, các DN dự báo số lượng đơn đặt hàng XK mới quý I/2023 khả quan hơn với 66,7% DN dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2022 (24,0% tăng, 42,7% giữ nguyên), 33,3% DN dự báo giảm.
Còn trong “Báo cáo chiến lược năm 2023: Mây đã tạnh nhưng mây chưa tan” được đưa ra vào ngày 30/1/2023, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ tích cực hơn từ quý II/2023 nhờ lạm phát tại các nước đang giảm từ đỉnh và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng nâng lãi suất từ quý II/2023 giúp nhu cầu hồi phục; cũng như kỳ vọng Trung Quốc mở cửa rõ nét từ giữa năm 2023 (các ngành kỳ vọng hưởng lợi như: Dệt may, sắt thép, hóa chất, cao su, nông sản).
Riêng với sản xuất công nghiệp, phía Yuanta cho rằng trong năm nay kỳ vọng các ngành sản xuất sẽ tích cực hơn từ quý II/2023 khi nhu cầu hồi phục, trong đó các ngành sản xuất cho thị trường trong nước tích cực hơn XK nhờ sức mua trong nước vẫn tích cực hơn.
Nhìn chung, trong những tháng tới, các DN vẫn đang mong những đám mây u ám sẽ dần được xua tan để hoạt động sản xuất công nghiệp được sáng sủa và có những tín hiệu khởi sắc hơn. Quan trọng là các nhà sản xuất cần nỗ lực vượt qua những thách thức mới trong hiện tại, tìm cơ hội trong khó khăn và có những giải pháp mang tính đột phá.
Thế Vinh