Vụ việc Công an Tp.HCM mới bắt tạm giam ông Hán Hữu Hải, Giám đốc điều hành của YourTV (mạng xã hội video chia sẻ doanh thu dành cho giới văn nghệ sĩ ở Việt Nam), với dấu hiệu chiếm đoạt nhiều tỷ đồng thông qua hai sàn giao dịch tiền ảo “Winrich.club” và “Wintop1.com”, càng cho thấy những hệ lụy mà nhiều người phải gánh chịu khi đầu tư vào “tiền ảo”.
Nỗi lo giảm tính chính thống của tài sản số
Điều đáng ngại là trước những xu hướng thay đổi chóng mặt từng ngày của công nghệ số, cùng khoản lợi nhuận béo bở khiến các công ty về Crypto (một loại tiền mã hóa do các dự án trên công nghệ chuỗi khối - blockchain ban hành) mọc lên như nấm ở Việt Nam.
Để bảo vệ “mỏ vàng” tài sản số của các DN Việt đang rất cần có thêm hành lang pháp lý chuẩn. |
Ẩn sau những công ty công nghệ số có tầm nhìn lớn, phát triển sản phẩm số nghiêm túc thì rất nhiều công ty về Crypto với bánh vẽ “lợi nhuận cao, rủi ro thấp” được lập lên với thực tế là tiềm ẩn rủi ro cực cao.
Điều đáng nói, hiện tại vẫn chưa có những hành lang pháp lý cụ thể để quản lý toàn diện các công ty về Crypto. Và chính điều này phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến việc định giá các tài sản được mã hoá theo công nghệ blockchain nói riêng và tài sản số nói chung trong thời điểm này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), các hành lang pháp lý liên quan đến blockchain vẫn đang được cân nhắc khi mà thời gian qua những cụm từ như “tài sản ảo, tiền ảo” đã làm giảm đi tính chính thống cho các tài sản số.
Ông Dũng lưu ý những sản phẩm trí tuệ, những sản phẩm số trên thế giới đang được công nhận. Và ở Việt Nam cũng cần phải triển khai các hoạt động để phát triển và bảo vệ những loại tài sản số.
Điểm lại thời gian qua với những gì liên quan đến tài sản số, vị chủ tịch Vecom cho rằng Việt Nam đã đánh dấu một “vết son” trên bản đồ thế giới và khẳng định một điều rằng, blockchain ở trong nước không thua kém so với các nước trên thế giới. Nhiều công ty công nghệ trong nước cũng đã nghiên cứu và phát triển sản phẩm số với khả năng tương tác toàn cầu.
Ông Dũng dẫn số liệu cho thấy trong năm 2021 Việt Nam có 600 dự án liên quan đến blockchain. Có rất nhiều sản phẩm số được làm tại Việt Nam nhưng thị trường “sân nhà” lại không biết, trong khi những sản phẩm đó lại được cung cấp ra thị trường nước ngoài.
Thực tế là nhiều sản phẩm công nghệ số của Việt Nam có rất nhiều khả năng để phát triển ra thế giới. Các DN trong nước ở lĩnh vực này cũng có rất nhiều câu chuyện để làm sao thu hút vốn đầu tư và hiện tại họ đang khơi thông được vấn đề “kẹt vốn”.
Còn thiếu hành lang pháp lý chuẩn
Giữa những rủi ro từ các công ty về Crypto, giới chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng là cần tránh nhầm lẫn với các tài sản mã hoá của DN, nhất là giá trị của những tài sản số mà DN có quyền sở hữu độc quyền, được đảm bảo và chứng nhận bởi chuỗi mã blockchain.
Và khi DN tạo ra các tài sản số từ các sản phẩm kỹ thuật số và bán nó thì người mua hoàn toàn có thể xác minh, truy xuất nguồn gốc và quyền sở hữu của tài sản, nhờ đó tránh được việc làm giả, hay việc bỗng dưng tác giả bị “đánh gậy bản quyền” một bên nào đó.
Không thể phủ nhận rằng, khi nền kinh tế số dần phát triển và trở thành xu hướng tất yếu, giới chuyên gia nhận định trong năm 2022 và các năm tới, tài sản số ở Việt Nam sẽ ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ giới DN. Chắc chắn sẽ còn cần những lưu tâm sâu hơn về những loại tài sản số được ví như “mỏ vàng” cho các DN.
Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS, cho biết ở thị trường Việt Nam, khái niệm về tài sản số thực ra không mới mẻ mà xuất hiện ngay thời kỳ đầu có Internet (đơn cử như vấn đề tranh chấp tài sản tên miền). Nếu đứng ở góc độ DN thì tài sản số được hiểu là tài sản trên môi trường số của DN.
Như chia sẻ của ông Bảo, khi DN chuyển đổi số tức là đẩy các hoạt động cũng như các tài sản của mình lên môi trường số. Khi đó, dữ liệu (data) và các tương tác, thông tin của DN trên môi trường số trở thành tài sản. Hiện nay có nhiều công ty sở hữu dữ liệu lớn (chẳng hạn như các DN trong ngành dịch vụ ăn uống hay vận tải công nghệ) và nó chính là tài sản số của DN.
Điều bất cập là vẫn còn thiếu hành lang pháp lý chuẩn để công nhận tài sản số của các DN tại Việt Nam. Tuy nhiên, xét về luật, ông Lương Hoàng Hưng, Phó chủ tịch Liên hiệp Khoa học doanh nhân Việt Nam, cho rằng các DN vẫn được bảo vệ tài sản số của mình thông qua luật Sở hữu trí tuệ.
Theo ông Hưng, tài sản số của DN được cấu thành từ 3 yếu tố: Công nghệ (như công nghệ blockchain và một số công nghệ khác), dữ liệu và thương hiệu gắn vào tài sản số đó.
Ba yếu tố cấu thành tài sản số này được bảo vệ bởi luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và trên thế giới, được xem là tài sản vô hình và có giá trị. Do đó, theo ông Hưng, trong thời gian tới hành lang pháp lý đối với tài sản số sẽ cần được điều chỉnh và mở rộng cho chính xác hơn.
Thế Vinh