Mới đây, Casuco đã làm nhiều người phải “choáng váng” khi Chủ tịch HĐQT đã ký tờ trình đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022 vào cuối tháng 3 này với mục tiêu tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là... lỗ 34,147 tỷ đồng trong niên độ 2022-2023.
Teo tóp nguyên liệu, khó tránh thua lỗ
Mục tiêu về kết quả lợi nhuận khá bi quan như trên liệu có được thông qua tại ĐHĐCĐ hay không cũng còn không ít những bàn cãi. Đặc biệt khi các nhóm cổ đông lớn ở Casuco vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa lúc hoạt động sản xuất kinh doanh không thuận lợi.
Hiện nay, ĐBSCL chỉ còn duy nhất nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) duy trì hoạt động với công suất khoảng 3.000 tấn/ngày giữa mối lo thiếu hụt nguyên liệu. |
Có ý kiến cho rằng, con số lỗ của Casuco sẽ còn cao hơn so với mục tiêu đề ra khi mà sản lượng mía nguyên liệu dự kiến đưa vào ép cũng như sản lượng đường thành phẩm sản xuất ra trong niên độ 2022-2023 là rất thấp.
Trong vụ mía 2022-2023, doanh nghiệp (DN) này ký hợp đồng đầu tư trực tiếp cao nhất từ trước đến nay với diện tích trên 832ha, sản lượng khoảng 89.870 tấn, thế nhưng chỉ thu mua được khoảng 16% tổng số mía đã đầu tư.
Trên thực tế, tình hình khó khăn về mặt nguyên liệu của Casuco nói riêng và ngành mía đường ở ĐBSCL nói chung là điều đã được cảnh báo từ 4 – 5 năm trước khi mà diện tích mía ngày càng bị thu hẹp. Nông dân nhiều nơi ồ ạt bỏ ruộng mía, vì cho rằng giá mía bấp bênh, không ổn định, tuy có lời nhưng không đủ trang trải cuộc sống nên đã chuyển sang loại cây trồng khác.
Theo một số người trồng mía ở Hậu Giang (nơi đặt nhà máy đường Phùng Hiệp của Casuco), tại địa phương có rất nhiều hộ dân chỉ trồng và cung cấp mía nguyên liệu cho làm nước mía giải khát, chứ không bán cho nhà máy sản xuất đường như trước đây.
Trong niên vụ 2022-2023 này, nông dân tỉnh Hậu Giang sản xuất hơn 3.200 ha mía (giảm hơn 642 ha so với niên vụ 2021 – 2022). Còn ở các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Bến Tre…, nông dân cũng ùn ùn phá bỏ đồng mía. Tại huyện Cù Lao Dung, một thời được xem là “thủ phủ” mía của tỉnh Sóc Trăng với diện tích khoảng 8.000ha thì đến năm 2022 chỉ còn 2.700ha mía.
Các tỉnh ÐBSCL từng là vùng mía trọng điểm của cả nước với khoảng 100.000ha, nhưng mấy năm nay, diện tích giảm mạnh xuống còn khoảng 20.000ha và nguy cơ tiếp tục giảm.
Đây không chỉ là khó khăn riêng của ĐBSCL khi diện tích trồng mía của cả nước cũng giảm mạnh gần 200.000ha trong niên vụ trước xuống chỉ còn hơn 120.000ha trong niên vụ này.
Nên có chính sách "tiếp sức" riêng?
Không những thế, trong trong niên vụ mía 2021 – 2022, cả nước chỉ có 24 nhà máy đường hoạt động, 17 nhà máy còn lại ngừng sản xuất hoặc phá sản. Còn tại ĐBSCL, từ chỗ có gần chục nhà máy đường thì nay chỉ còn duy nhất nhà máy đường Phụng Hiệp duy trì hoạt động với công suất khoảng 3.000 tấn/ngày.
Vậy nhưng, hồi cuối năm ngoái, từng có ý kiến từ một cổ đông lớn của Casuco là có thể cho nhà máy đường Phụng Hiệp ngưng hoạt động nhằm tránh lỗ mất vốn chủ sở hữu cũng như giúp nông dân sản xuất mía ở vùng trồng lớn nhất ĐBSCL là huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) chủ động hơn trong sản xuất.
Theo quy hoạch từ nay đến năm 2025, huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục giảm thêm 1.000ha mía, chỉ ổn định diện tích từ 2.500-3.000ha. Cây mía không mang lại hiệu quả kinh tế đối với người dân, do đó chính quyền địa phương cũng đã vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn để bà con có điều kiện cải thiện đời sống.
Cho nên, cứ mỗi năm, vùng mía huyện Phụng Hiệp lại thu hẹp từ 800-1.000ha để chuyển sang các loại cây trồng khác. Từ 9.000ha vào năm 2010 đến niên vụ 2021-2022 chỉ còn 3.700ha.
Trở lại nỗi lo thua lỗ của Casuco, ngoài nguyên nhân do teo tóp vùng nguyên liệu khi liên kết sản xuất giữa DN và nông dân trồng mía thiếu bền vững, còn phải kể đến tình trạng nhập lậu đường và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trong khó khăn của ngành mía đường ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, có thể thấy khá nhiều nguyên nhân. Đơn cử như đường ngoại nhập có giá thấp, buộc các nhà máy đường trong nước phải hạ giá đường để cạnh tranh, từ đó phải giảm giá thu mua mía của nông dân để đảm bảo hoạt động cho nhà máy.
Người nông dân không có lãi, cũng không thấy gì đảm bảo cho tương lai nên đành bỏ mía chuyển sang cây trồng khác. Nhà máy thiếu nguyên liệu nên sản lượng sụt giảm nghiêm trọng.
Nhận định về ngành mía đường, theo Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, diện tích trồng mía của cả nước giảm liên tục từ niên vụ 2017- 2018 do giá mía xuống thấp khiến nông dân chuyển đổi đất sang trồng các giống cây khác.
Do tình trạng thiếu mía nguyên liệu trong nước những năm gần đây, một số DN sản xuất đường ngoài việc ép đường trực tiếp từ mía cũng phải nhập khẩu đường thô để tinh luyện. Phía VnDirect cũng lưu ý là nguồn cung đường nội địa mới đáp ứng được 35-40% nhu cầu trong nước.
Nhìn vào “ngõ cụt” thiếu hụt nguyên liệu và tình cảnh rơi rụng dần của các nhà máy đường ở ĐBSCL để thấy việc tiếp tục triển khai những giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn, giải quyết được tận gốc của vấn đề để phát triển ổn định vùng mía là rất cần thiết trong lúc này.
Dẫu biết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN mía đường nội địa phải tuân thủ theo quy luật thị trường chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp. Thế nhưng, với nhiều khó khăn cộng dồn mà các DN đang gặp phải thì vẫn nên có chính sách “tiếp sức” riêng cho ngành mía đường để có thể phát triển bền vững, không phải bấp bênh trong thời gian tới.
Thế Vinh