Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc CTCP Cánh Đồng Việt (VietFarm - chuyên sản xuất và cung cấp nguyên liệu, sản phẩm chế biến từ cây nha đam cho nhiều công ty lớn trên cả nước và xuất khẩu đi 20 quốc gia trên thế giới), cho biết trong hoạt động xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của công ty hiện đã đầy ắp đơn hàng cho cả năm 2023 này. Tuy vậy, công ty đang gặp khó về vấn đề nguyên liệu và đang tính đến việc đẩy mạnh liên kết với nông dân và hợp tác xã (HTX) nhằm mở rộng vùng nguyên liệu mới để phục vụ chế biến tươi.
Gắn chặt mối liên kết
Theo ông Thuận, hồi trước Tết Nguyên đán 2023, do ảnh hưởng bởi bão lũ đã gây thiệt hại đến 60ha tại vùng nguyên liệu trồng cây nha đam ở tỉnh Ninh Thuận. Điều này khiến cho công ty chưa thể tiếp tục nhận thêm đơn hàng mới vì phải chờ vùng nguyên liệu phục hồi, còn trước mắt chỉ đáp ứng cho những đối tác và thị trường chính.
Việc tự chủ, phát triển vùng nguyên liệu lớn là bước đi căn cơ cho các DN trong ngành chế biến nông sản thực phẩm. |
“Dự kiến quý 1 và quý 2/2023, vùng nguyên liệu bị thiệt hại bởi bão lũ sẽ được khắc phục dần. Song song đó, chúng tôi đang mong muốn mở rộng vùng nguyên liệu tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) thêm 200ha để tạo thêm nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy”, vị giám đốc VietFarm (thành viên của GC Food Group) chia sẻ.
Trao đổi với VnBusiness, ông Thuận cho biết thời gian qua công ty có vùng nguyên liệu với diện tích 130ha và liên kết với 200 nông dân cùng HTX tại địa phương nhằm phát triển vùng nguyên liệu trồng cây nha đam để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy.
Ngoài ra, phía VietFarm cũng kết hợp với các doanh nghiệp (DN) có quỹ đất và tiềm lực về kinh tế để bao tiêu nguyên liệu, ký kết hợp đồng đầu ra cho cây nha đam.
Để gắn chặt được mối liên kết giữa DN với nông dân và HTX trong việc ổn định vùng nguyên liệu, ông Thuận nhấn mạnh đến việc đặt nhà máy chế biến (với công suất 35.000 tấn/năm) tại vùng nguyên liệu chính là yếu tố thuận lợi cho cả đôi bên.
Nhất là sự tin tưởng của nông dân, HTX đối với phía DN từ việc ổn định giá nguyên liệu đầu vào. Công ty cung cấp nguồn giống chất lượng cao, đảm bảo năng suất cho nông dân, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn xuất khẩu và bao tiêu đầu ra. Hơn nữa, phía công ty còn kết hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tại địa phương để xin chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn vùng trồng để bảo hộ thương hiệu cho cây nha đam.
Bản thân người nông dân khi liên kết với DN để phát triển vùng nguyên liệu, họ cũng chấp nhận thay đổi để phát triển. Nhờ vậy giúp cho thu nhập trung bình của mỗi hộ nông dân từ 8-20 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây ngắn ngày khác. Sống được và sống tốt nhờ cùng DN phát triển vùng nguyên liệu như vậy, thế nên người dân yên tâm tập trung sản xuất mà không phải lo ngại về vấn đề giá cả và đầu ra.
Bước đi căn cơ
Có thể thấy việc tự chủ, phát triển vùng nguyên liệu (dù đôi lúc gặp khó vì vấn đề khí hậu) như trường hợp của công ty nêu trên là bước đi căn cơ cho bất kỳ DN nào trong ngành chế biến nông sản thực phẩm. Đặc biệt, khi thị trường nguyên liệu nông sản thực phẩm ở Việt Nam đang phát triển liên tục, có nhu cầu cao, mang đến cơ hội kinh doanh rất lớn cho các DN.
Giới chuyên gia cho rằng, mảng cung cấp nguyên liệu thực phẩm được xem như ngành công nghiệp phụ trợ và Chính phủ rất ủng hộ. Trước những biến động, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, khủng hoảng năng lượng… các công ty nông sản thực phẩm Việt rất muốn có nguồn cung nguyên liệu ổn định ngay từ trong nước.
Điều này đòi hỏi các DN Việt phải tự lực sản xuất, tự chủ được vùng nguyên liệu lớn cho nhà máy chế biến của mình và có thể sử dụng, khai thác giá trị các loại nông sản Việt để tạo ra nguồn nguyên liệu, đảm bảo chất lượng cho nhu cầu trong nước và thị trường quốc tế.
Theo Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều quan trọng mà các DN đang rất cần là làm thế nào có được các vùng nguyên liệu để các nhà máy chế biến phát huy các vùng chuyên canh hoạt động, cung cấp được khối lượng hàng hóa đủ tiêu chuẩn, truy xuất được nguồn gốc và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
“Rõ ràng, chúng ta cần xây dựng các HTX thật mạnh, rồi phải gắn liên kết các DN lớn với DN nhỏ và giữa HTX với DN phải kết nối được với nhau thành các chuỗi giá trị, thực sự làm được những điều mà chiến lược đã vạch ra. Tức là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”, ông Sơn nhấn mạnh.
Như chia sẻ của Ts. Sơn, giải pháp quan trọng nhất để ngành nông nghiệp vượt khó, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra cho năm 2023 là giải bài toán nâng cao chất lượng nông sản.
Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của các bên liên quan là nông dân, HTX, DN, cơ quan quản lý Nhà nước. Nhất là cần tăng cường liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với HTX, và giữa nông dân, HTX với DN cùng nhà quản lý để phát triển sản xuất quy mô lớn, bảo đảm chất lượng nông sản ổn định.
Nói chung, khi mà nhu cầu của thị trường nguyên liệu nông sản thực phẩm đang rất lớn ở trong nước và trên toàn cầu, thì sự thay đổi của người nông dân Việt với quy mô sản xuất nhỏ, vùng nguyên liệu manh mún là không đủ, sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho phát triển các chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giảm tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chính vì vậy, không gì khác hơn là phải có vùng nguyên liệu lớn và rất cần đẩy nhanh quá trình nông dân liên kết hình thành các HTX cùng tham gia tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn để kết nối với DN trong chuỗi giá trị. Có như vậy, không chỉ DN mà ngay cả các nông dân và HTX sẽ cùng nhau hái “quả ngọt”.
Thế Vinh