![]() |
Ảnh minh hoạ. |
Dự án sẽ thực hiện trong 5 năm với mục tiêu tổng thể là cải cách, chuẩn hóa, hài hóa hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO TFA) và chủ trương của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến nay, hệ thống một cửa quốc gia của Việt Nam xử lý được gần 2,2 triệu bộ hồ sơ của hơn 29,8 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Hệ thống một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối với 5 nước ASEAN. Hiện tại, hệ thống của Việt Nam đang chấp nhận kiểm nghiệm kết nối từ các nước thành viên ASEAN khác và sẵn sàng thử nghiệm trao đổi tờ khai hải quan ASEAN và giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử giữa các nước đã kết nối.
Phát biểu tại lễ khởi động Dự án tạo thuận lợi thương mại mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam đã có nhiều biện pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi.
Phó Thủ tướng cũng thông tin, tới tháng 3 vừa qua, danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành đã giảm hơn 12.600 mặt hàng. Các bộ, ngành cũng triển khai nhiều giải pháp như áp dụng quản lý rủi ro, tăng cường hậu kiểm, chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang sau thông quan, tăng đối tượng được miễn kiểm tra,...
Những vấn đề trên, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, là "những thành công bước đầu nhưng còn nhiều việc phải triển khai".
Bởi thế, dự án tạo thuận lợi thương mại được khởi động ngày 10/7 được Phó Thủ tướng đánh giá là cần thiết, đúng thời điểm và đáp ứng mong đợi của Việt Nam.
Thanh Hoa