Ông Tô Huỳnh, thành viên lãnh đạo Công ty TNHH Rau hữu cơ Surifarm (chuyên sản xuất các loại thực phẩm khô từ rau củ quả hữu cơ), cho biết hồi năm ngoái phía công ty đã có sự chuẩn bị cho vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến với diện tích 10ha ở tỉnh Lâm Đồng.
Không tự chủ sẽ khó xuất khẩu số lượng lớn
Theo ông Huỳnh, với diện tích đất như vậy và đang khẩn trương canh tác nhằm đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho cuối năm 2022 này và cho cả trong năm 2023, có như vậy thì công ty mới xuất khẩu (XK) với số lượng lớn.
Còn trước khi tự chủ được vùng nguyên liệu như vậy, vị doanh nhân này thú thực là công ty làm được lượng cung ứng bao nhiêu thì XK bấy nhiêu, thị trường XK cũng tương đối nhỏ, khó đáp ứng được yêu cầu của các nhà thu mua lớn trên thế giới.
Có nhiều DN chế biến nông sản đang rơi vào cảnh “khó chồng khó” khi nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu chế biến vẫn thiếu hụt (chỉ đáp ứng 60% công suất). |
“Cũng vì chưa tự chủ được vùng nguyên liệu trong khoảng thời gian trước kia khiến cho công ty chưa thể đưa hàng vào siêu thị. Đây là mặt hạn chế mà công ty đã nhìn ra và quyết có được vùng nguyên liệu đạt chuẩn để sản phẩm của công ty tiến xa hơn”, ông Huỳnh bộc bạch.
Có thể nói, để hướng đến mục tiêu XK với số lượng lớn và đưa nông sản chế biến vào các siêu thị toàn cầu thì việc tự chủ vùng nguyên liệu như trường hợp doanh nghiệp (DN) nêu trên là rất cần thiết.
Còn trên thực tế, điểm hạn chế chung của nhiều DN trong mảng chế biến nông sản là vùng nguyên liệu cho chế biến chưa tập trung, dẫn đến khó khăn trong quá trình thu mua, giảm chất lượng của nguyên liệu đầu vào và thành phẩm.
Bên cạnh đó, như chia sẻ của ông Ngô Quang Tú, Trưởng Phòng Chế biến Bảo quản Nông sản thuộc Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), do đặc tính mùa vụ của sản phẩm, thêm vào đó diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất, dẫn tới việc thiếu nguyên liệu cho sản xuất.
Chính vì vậy, ông Tú cho rằng tình trạng giải cứu nông sản diễn ra khá nhiều mỗi khi vào mùa vụ, nhưng thực tế nhiều DN ngành này đang rơi vào cảnh “khó chồng khó” khi nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu chế biến vẫn thiếu hụt (chỉ đáp ứng 60% công suất).
Bởi một khi không tự chủ được vùng nguyên liệu thì phía DN rơi vào tình trạng “ăn đong” nguyên liệu, mua được nguyên liệu đến đâu sẽ chế biến đến đó. Còn nếu không mua được nguyên liệu thì khả năng hoạt động sản xuất sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các đơn hàng.
Điều này có thể ở hoạt động XK tôm. Nếu mọi năm, đầu quý 3/2022 là cao điểm mùa tôm chính của năm, các DN chế biến tôm luôn ở trạng thái đủ nguyên liệu cho chế biến, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Còn hiện nay, mức phổ biến đáp ứng nguyên liệu ở các DN tôm là 2/3 thậm chí có ngày còn ít hơn, chỉ 1/2. Mặt khác, tôm cỡ lớn cũng giảm so năm trước, điều này ít nhiều gây khó khăn cho các DN tôm trả nợ đơn hàng.
Nên giữ quỹ đất đai tích tụ cho nông nghiệp
Những dự đoán cho thấy từ tháng 8/2022 trở đi, khi các nhà máy chế biến tôm bước vào giai đoạn tăng tốc phục vụ cho các hợp đồng cuối năm thì khả năng thiếu hụt tôm nguyên liệu có thể xảy ra, nếu ngay từ bây giờ tiến độ thả nuôi không được cải thiện.
Trong khi đó, một trong những thách thức lớn cho ngành XK tôm là diện tích nuôi không thể mở rộng, hạ tầng vùng nuôi tại một số địa phương còn nhiều yếu kém. Nhất là ở một số địa phương mà vùng nuôi tôm chiếm phần lớn thì còn nhiều nông hộ diện tích nuôi manh mún, nhỏ lẻ.
Còn xét chung về vùng nguyên liệu cho ngành thuỷ sản, trong báo cáo mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) gửi đến Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhằm nhận diện các thách thức lớn của ngành thủy sản trong 6 tháng cuối năm 2022, có lưu ý hiện nay nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến XK. Do đó, các DN đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng nguyên liệu cho chế biến XK.
Theo phản ánh của Vasep, hiện nay các địa phương đang đô thị hoá nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất và những quy hoạch về sử dụng đất đang là thách thức lớn cho DN thuỷ sản và người nuôi thuỷ sản.
Vì vậy, Vasep cho rằng cần thúc đẩy nhanh việc sửa Luật đất đai, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành thủy sản phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp. Chính phủ và các địa phương cũng cần có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung.
Bàn thêm về vấn đề phát triển vùng nguyên liệu nông sản đang chịu ảnh hưởng bởi việc đô thị hoá ở các địa phương, trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit, lưu ý bất động sản như “cơn lốc” sẽ làm phá huỷ khả năng dự trữ đất để phát triển nông nghiệp.
Cho nên, theo ông Viên, Nhà nước nên giữ quỹ đất đai tích tụ đó cho nền nông nghiệp. Nhà nước phải kiểm soát được tình trạng thổi “bong bóng” bất động sản. Và với vấn đề thúc đẩy, khuyến khích phát triển sản xuất ra hàng hoá, tạo ra giá trị thật cho đất nước thì Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ và đầu tư.
Có thể nói, điều quan trọng trong lúc này là cần hoàn thiện chính sách cho thuê đất, mặt nước để phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Hơn nữa, nên ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Có như vậy, hoạt động chế biến và XK nông lâm thuỷ sản sẽ càng thêm khơi thông, vững chãi.
Thế Vinh