CTCP Tập đoàn PAN cho biết trong các tháng tới sẽ tiếp tục tập trung vào việc tiết giảm chi phí. Do chi phí logistic và nguyên liệu đầu vào tăng cao hồi quý I/2021 khiến cho mảng tôm xuất khẩu (XK) của họ mặc dù doanh thu tăng trưởng 36%, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm đến 23%, đạt 31 tỷ đồng.
Tác động “liên hoàn”
Tập đoàn này bày tỏ mối lo ngại về tình trạng tăng chi phí vận chuyển (là chi phí đầu vào chính của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu) do thiếu container rỗng diễn ra phổ biến. Nhất là thời gian qua, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong vận tải và logistics.
![]() |
Để không “chịu trận” trước áp lực chi phí gia tăng thì đòi hỏi các DN cần tối ưu hiệu quả hoạt động và đưa ra những cải tiến mới. |
Còn ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh hạt điều, bà Nguyễn Hương, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hạt Điều Vàng (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) cho rằng, tác động của dịch Covid-19 cộng với áp lực chi phí vận chuyển tăng cao đã gây khó cho hoạt động XK của công ty.
Cụ thể, gần đây khi XK hàng sang thị trường Na Uy bằng tàu biển, bà Hương cho biết chuyến tàu đã phải kéo dài hàng tháng trời, so với trước đây chỉ tốn khoảng 40 - 45 ngày. Nguyên do là vì bị trì hoãn (delay) các chuyến tàu, rồi việc quá cảnh (transit) tại các cảng cũng mất một thời gian khá dài.
Hoặc một đối tác ở Mỹ vừa qua muốn nhập khẩu một container 40 feet cho mặt hàng hạt điều chế biến từ công ty này. Tuy nhiên, nếu thời gian trước công ty báo giá với cước phí tàu rẻ hơn thì họ đồng ý, còn thời điểm hiện nay, khi giá cước tàu tăng gấp đôi và công ty chào giá cho phía đối tác tại Mỹ thì họ “kêu” là quá cao nên từ chối mua và ra điều kiện nếu công ty giảm giá xuống thì họ mới có thể nhập được.
“Một khi chúng tôi giảm giá xuống nhiều quá như trong lúc này thì thực sự lại là vấn đề khó khăn đối với DN. Chưa kể việc đặt chỗ (booking) chuyến tàu không thể có được ngay và khi đặt chỗ được rồi thì lại bị “delay” liên tiếp”, bà Hương chia sẻ.
Như băn khoăn của vị giám đốc kinh doanh này thì những vấn đề về mặt vận chuyển dẫn đến gia tăng chi phí thì hầu như DN XK nào cũng gặp phải trong lúc này, và đó là tình hình khó khăn chung.
Trên thực tế, không chỉ có chi phí vận chuyển mà nhiều chi phí khác với áp lực tăng cao hiện không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, XK, mà còn tác động đến doanh thu, lợi nhuận, đơn hàng mới, hoạt động sản xuất... của DN.
Một số báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính trong quý I/2021 của vài DN lớn mới vừa công bố cũng cho thấy điều này. Như CTCP Nhựa Bình Minh lợi nhuận quý I/2021 đã giảm đến 18% so cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí tài chính tăng 22,8%.
“Bóc trần” những điểm yếu
Hoặc như CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons), trong báo cáo tài chính quý I/2021 lợi nhuận sau thuế giảm giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Điều này được lý giải do tốc độ tăng của chi phí cao hơn tốc độ tăng của doanh thu và chi phí quản lý DN tăng mạnh.
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê thì chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất trong tháng 4 vừa qua tăng 0,37% so với tháng trước và tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,89% so với tháng trước và tăng 7,82% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,77%; dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 4,95%; dùng cho xây dựng tăng 1,95%.
Ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, theo phản ánh của một số DN trong ngành sản xuất xi măng, hiện nay chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất xi măng như: Than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao… liên tục tăng giá, dẫn đến việc họ phải tăng giá sản phẩm.
Rõ ràng, việc “chịu trận” trước áp lực gia tăng chi phí logistic, chi phí đầu vào là khó tránh khỏi đối với nhiều DN sản xuất kinh doanh trong tình hình này.
Tuy vậy, điều này cũng phần nào “bóc trần” những điểm yếu của nhiều DN sản xuất và buộc họ phải xem xét lại cách làm của mình, các chiến lược hiện tại và đưa ra những cải tiến mới.
Điều quan trọng là các DN nên nhận ra rằng họ nên sớm có những giải pháp hiệu quả để cắt giảm chi phí và tối ưu hiệu quả hoạt động, nhằm trụ vững trong tình thế khó khăn. Nhất là các DN cần giảm chi phí vốn trong các lĩnh vực sản xuất.
Chẳng hạn như Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s) ở TP.HCM được đánh giá là đang cải thiện hiệu quả chi phí và thời gian xuất ra thị trường nhờ thành công trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Nhờ đó, DN này có thể theo dõi những điểm trì trệ trong chuỗi, quản lý những rủi ro tiềm tàng và theo dõi lịch sử phát triển sản phẩm, tìm kiếm thông tin và tối ưu quy trình một cách thuận tiện.
Giới chuyên gia cho rằng, các DN nội địa cần ưu tiên đầu tư ngay vào các giải pháp kỹ thuật số như một trong những giải pháp để cắt giảm chi phí nhằm mang đến những lợi ích lâu bền hơn trong tương lai.
Thế Vinh