Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, một số loại chi phí đã giảm.
Cụ thể, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy trên cơ sở rà soát sơ bộ chi phí đầu tư và phương án tài chính của các dự án BOT, Bộ GTVT đã chấp thuận phương án giảm giá đối với xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) từ mức 140.000 đồng xuống 120.000 đồng và nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet) từ mức 200.000 đồng xuống 180.000 đồng.
Giảm nhỏ giọt
Đồng thời, đàm phán thống nhất với các nhà đầu tư để giảm mức phí tại các trạm thu phí của các dự án BOT. Tính đến thời điểm báo cáo, Bộ đã triển khai thực hiện giảm giá 35 trạm.
Về cắt giảm chi phí cho DN, Bộ Tài chính đã tiến hành dự thảo 17 thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí, trong đó dự kiến bỏ quy định thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí); điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí (được chi tiết thành 47 dòng phí, lệ phí) với mức giảm khoảng từ 5 – 25% so với mức hiện hành; cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn hơn.
Cùng với đó, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm từ 1% xuống còn 0,5%.
Ngoài ra, Bộ GTVT đã lập tổ công tác liên ngành xem xét, đề xuất tăng cường quản lý, giám sát giá; cắt giảm các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, với những kết quả trên, đại diện cho cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cảm thấy chưa hài lòng.
VCCI cho biết một số loại phí, lệ phí lẽ ra được bãi bỏ nhưng chưa được Bộ đề xuất bỏ. Ví dụ như phí cung cấp “Thông tin Giấy chứng nhận đăng ký DN; Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh”…
Theo quy định, DN sau khi thành lập phải công bố công khai nội dung Giấy chứng nhận đăng ký DN trên Cổng thông tin quốc gia. Do đó yêu cầu DN, các đối tượng khác phải trả phí để có thông tin đã được công khai này là chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, VCCI cho rằng mức đề xuất giảm một số loại phí, lệ phí còn rất khiêm tốn. Tất cả các dự thảo đều đề xuất giảm phí, lệ phí thấp hơn mức hiện tại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mức giảm rất hạn chế, chưa thể hiện đúng tinh thần cải cách, thay đổi thực sự mà DN kỳ vọng.
Ví dụ “Phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm” quy định là 1.800.000 đồng/hồ sơ (được đề xuất giảm xuống còn 1.600.000 đồng/hồ sơ trong Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 227 đang được soạn thảo).
VCCI đánh giá: Sau khi giảm (còn 1.600.000 đồng) vẫn cao hơn nhiều so với mức phí thẩm định cho các trường hợp khác (ví dụ mức phí xác nhận nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là 1.000.000 đồng, đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế là 1.200.000 đồng).
Một ví dụ khác là “Phí thẩm định cấp, cấp gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động” do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện: 20.500.000 đồng/lần; do Sở LĐ-TB&XH thực hiện là 1.200.000 đồng. Mức phí do Bộ cấp dự kiến gấp 17 lần so với mức phí do Sở cấp.
“Tất nhiên, các trường hợp giấy chứng nhận do Bộ cấp phức tạp hơn trường hợp Sở cấp chứng nhận, nhưng chắc chắn không thể phức tạp hơn tới 20 lần được”, VCCI nhìn nhận.
Hơn nữa, một bất cập hiện nay mà nhiều DN phản ánh là các dự án BOT giao thông có chi phí quá cao, việc xác định thời gian thu phí, mức phí giao thông khi đưa dự án BOT vào hoạt động lại không được giám sát chặt chẽ, dẫn tới tình trạng phí cầu đường quá cao ở một số tuyến giao thông trọng điểm, làm tăng chi phí vận tải của DN.
Chi phí logistics đang chiếm tỷ lệ rất cao trong chi phí kinh doanh của DN (chiếm 20% GDP theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới) mà nguyên nhân chủ yếu là: thủ tục thông quan (hải quan và kiểm tra chuyên ngành) phức tạp; các khu, cụm công nghiệp chưa gắn kết tốt với quy hoạch hạ tầng giao thông; hạ tầng các dịch vụ kho bãi thiếu và yếu…
![]() |
Điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính có giảm một nữa, chi phí kinh doanh mới giảm
Nỗi sợ “phong bì”
Cùng với đó, nhiều khoản chi phí không chính thức vẫn đang đè nặng DN. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng hiện tượng này đang diễn ra phổ biến.
Ông Doanh ví dụ, một DN đăng ký thêm lĩnh vực kinh doanh mới là chế rác thải thành điện. Tuy nhiên, tất cả nơi mà DN này tới đều yêu cầu phải có chi phí “bôi trơn”. Nghịch lý ở chỗ, DN này vay vốn của Liên minh châu Âu – họ không chấp nhận bất kỳ một khoản chi phí không chính chức nào trong bản hạch toán tài chính của DN. Dẫn tới DN không biết xoay sở thế nào để có giấy phép kinh doanh.
Trước đó, ông Doanh chia sẻ DN sợ nhất là tầm 10 – 11 giờ đêm có quan chức gọi đến nhà hàng để gặp mặt: “Nửa đêm có cú điện thoại từ quan chức nhờ đến xử lý việc này việc kia, sau đó DN phải “cào cấu” 20 triệu mang đến nhà hàng, đến nơi việc nhờ vả này có khi lên đến cả 100 triệu nên DN đành phải ghi nợ”.
Theo ông Doanh, để chấm dứt tình trạng này, trước hết, môi trường kinh doanh phải công khai minh bạch. Mọi thông tin thủ tục hành chính được áp dụng thế nào, ra sao cần đưa lên mạng cho mọi người tiếp cận. Không kiểu chỉ đưa ra một vài thông tin, còn mọi quyết định sau đó nhanh hay chậm là quyền của cơ quan quản lý.
Ở một góc độ khác cũng cần nhìn nhận một thực tế là nhiều DN chấp nhận dùng phí “bôi trơn” cho công việc nhanh xong, cũng như bằng “phong bì” nhờ quan hệ để chạy mối làm ăn.
Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng một số DN có động lực tìm cách cắt giảm các khoản chi phí vì họ muốn đi tìm kiếm lợi nhuận, nhưng vẫn có những DN đi tìm kiếm mối quan hệ nên không có động lực này.
Bởi lẽ, ở Việt Nam để DN cắt giảm chi phí không hề đơn giản, thậm chí rất phức tạp, nhiều khi DN tìm cách cắt giảm chi phí chưa chắc đã thành công bằng DN sử dụng “phong bao, phong bì”, kinh doanh nhờ quan hệ.
“Đây chính là sự méo mó ở môi trường kinh doanh. Chúng ta cần phải cải cách làm sao để môi trường kinh doanh bình đẳng, ai làm tốt thì hưởng lợi, còn làm chưa tốt sẽ thất bại. Chỉ khi làm được điều này, chi phí kinh doanh của DN mới thực sự được cắt giảm”, ông Cung nói.
Trước thực tế nhiều thủ tục hành chính vẫn gây phiền hà, nặng nề, tăng gấp đôi so với mức cần thiết, ông Lộc đề xuất trong 1 – 2 năm tới, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính phải giảm một nửa, chi phí mới giảm.
Lê Thúy
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Nhiều thủ tục hành chính đang làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Do vậy, Chính phủ cần phải dùng biện pháp “cưỡng chế” các bộ ngành giảm các thủ tục này. Hơn nữa, giảm chi phí còn liên quan tới dịch vụ công. Nhà nước độc quyền trong cung ứng dịch vụ công thì rất khó giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao hiệu quả dịch vụ. Các giải pháp cắt giảm chi phí cho DN đã được thực hiện trong năm 2016 – 2017 mới bắt đầu có tác động. Việc này cần thúc đẩy mạnh hơn nữa trong năm 2018 để thúc đẩy các kế hoạch kinh doanh tư nhân. Cách duy nhất để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển là giảm chi phí kinh doanh. Hôm vừa rồi, tôi có tiếp xúc với cộng đồng DN, nỗ lực của Chính phủ ở cấp trung ương đã được ghi nhận, tuy nhiên ở bộ ngành, địa phương vẫn còn tình trạng trì néo giữ lại điều kiện kinh doanh hơn là cố gắng cắt giảm. Năm nay là năm giảm chi phí cho DN, nhưng thực tế chi phí đã giảm gần như chưa được bao nhiêu từ hạ tầng, thuế, vốn. |