Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều sản phẩm rớt giá thì một số mặt hàng nông sản vẫn đảm bảo giá cả ổn định bất chấp những ảnh hưởng từ dịch bệnh, một phần nhờ đẩy mạnh công nghệ chế biến sâu.
Đắt hàng nhờ chế biến
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến sản lượng tiêu thụ cá hồi giảm, giá bán giảm 25-30% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát. Để thích ứng với tác động của dịch COVID-19, đồng thời tiếp tục phát triển sản xuất, một số cơ sở sản xuất cá hồi đã chuyển dần từ bán cá tươi sang chế biến sâu thành các sản phẩm mới như xúc xích cá hồi, giò cá hồi, chả cá hồi..., bước đầu được người tiêu dùng ưa chuộng dù có giá bán cao hơn các sản phẩm chế biến truyền thống từ cá hồi.
Đầu tư vào chế biến là con đường tất yếu để nông sản tránh được tình trạng được mùa, mất giá. |
Đặc biệt, với sản phẩm chuối, đại diện Sở NN&PTNT Lào Cai cho hay, tỉnh có tổng diện tích 4.160 ha (trồng tập trung tại Mường Khương 2.003ha, Bát Xát 1.232ha, Bảo Thắng 491ha), sản lượng 71.438 tấn quả tươi. Diện tích chuối được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP là 215ha tại xã Trịnh Tường (Bát Xát) và Nậm Chảy (Mường Khương). Các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm như: Công ty TNHH Hoàng Bằng, Công ty TNHH TM Liên Giang Bát Xát, HTX Châu Thịnh Phong Mường Khương... Thị trường tiêu thụ chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngoài ra còn xuất khẩu sang Nga và tiêu thụ tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng...
Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng (Sơn La) chia sẻ, HTX đang hướng tới chế biến sâu các sản phẩm thanh long. Thanh long sấy sử dụng ngâm nước uống rất tốt cho sức khoẻ, được thị trường thế giới đón nhận. Năm 2019, HTX Ngọc Hoàng đã xuất khẩu thành công lô thanh long sấy sang thị trường Hàn Quốc, giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, do hạn chế nguồn lực nên HTX vẫn chủ yếu bán tươi, chưa nâng được sản lượng sản phẩm chế biến.
Đồng thời, không phải địa phương nào cũng có thể đẩy mạnh chế biến nông sản. Đơn cử, ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết, tỉnh có diện tích khoai lang tím là 14 nghìn ha với sản lượng 350 nghìn tấn mỗi năm. Tuy nhiên, cái khó là cả tỉnh chỉ có một nhà máy chế biến khoai lang với sản lượng khiêm tốn 2-3 nghìn tấn/năm, số lượng còn lại chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bà Vân Hoa, đại diện CTCP Nam Quốc Minh Global cho hay, sản phẩm khoai lang tím của Việt Nam có thể chiếm lĩnh được thị trường của nhiều nước do nhu cầu hiện nay trên thế giới vẫn rất lớn. Song đến nay, sản phẩm này lại rơi vào tình cảnh rớt giá thê thảm là vì khoai lang tím của Việt Nam nhanh nảy mầm nên bán tươi khó khăn, chỉ bán gần cho Trung Quốc hoặc Thái Lan.
Điều đáng chú ý là khi xuất khẩu sang Thái Lan, các doanh nghiệp nước này đã chế biến khoai lang tím của Việt Nam thành sản phẩm khô, nâng cao giá trị và bán dưới thương hiệu của họ. Như vậy là Việt Nam thiệt đơn, thiệt kép vì không thể chế biến nông sản.
Trong khi đó, bà Hà Anh, Chủ tịch CTCP Lương thực Bình Minh dẫn chứng ví dụ từ quả vải thiều, được thu hoạch rầm rộ 1-2 tháng nên chúng ta cứ nghĩ là sản lượng lớn, nhưng làm để xuất khẩu ra nước ngoài thì mới thấy là bé nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu vải thiều tươi hiện nay rất nhỏ, không đủ làm dài hơi. Mà dài hơi phải là vải đóng hộp, vải sấy khô.
Bà Hà Anh cho biết, Công ty Bình Minh thường mua vải đóng hộp của một công ty trong miền Nam, nguyên liệu được họ vận chuyển từ Bắc vào Nam để chế biến. Đây là nghịch lý: vì sao ở vùng sản xuất vải lớn của khu vực phía Bắc lại không có nhà máy chế biến có thể cung ứng sản phẩm cả năm?
Lựa sản phẩm để làm
Trước thực tế trên, bà Vân Hoa, đại diện Nam Quốc Minh Global cho rằng, Bộ NN&PTNT có thể thống kê trong 5 năm vừa qua, sản phẩm nông sản nào thường xuyên rơi vào tình trạng giải cứu để tìm phương án chế biến, bảo quản kéo dài tới 2 năm mà không phải "bán rẻ, bán thối". Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc hiện nay là đang sự thiếu kết nối thông tin giữa nhà máy chế biến và người sản xuất.
"Khi nhà máy chế biến nông sản có máy móc, thiết bị mới thì có thể truyền thông ra bên ngoài rằng mình có thể chế biến được mặt hàng này, đang dư thừa công suất ra sao để tìm được nguồn hàng chế biến. Đây là vấn đề mà Trung Quốc, Thái Lan làm rất tốt, họ đẩy thông tin nhà máy để tận dụng gia công với giá tốt. Thời gian qua, nhà máy chế biến thiếu nông sản, "đắp chiếu máy móc", vì truyền thông chưa đại chúng", bà Hoa chia sẻ.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 3 năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã thu hút được nguồn vốn tư nhân đầu tư vào chế biến nông sản với 60 tổ hợp chế biến, tương đương 2,6 tỷ USD. Bên cạnh đó là 7.700 cơ sở chế biến nhỏ lẻ theo các dạng hình thức khác nhau, riêng trong lĩnh vực trồng trọt có khoảng 153 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp.
Gần đây, tỷ lệ xuất khẩu giữa sản phẩm chế biến và sản phẩm thô đã được rút ngắn lại. Nếu vào thời điểm năm 2017, sản phẩm thô chiếm 90%, chế biến 10%, thì đến nay sản phẩm chế biến xuất khẩu đạt 30%, thô chỉ còn 70%. Ngành nông nghiệp đặt lộ trình và mục tiêu phấn đấu cân bằng tỷ lệ này là 50 - 50 trên cơ sở chọn lựa các thị trường.
Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản nhìn nhận, đây sẽ là miếng bánh cực kỳ hấp dẫn đối với DN. Tuy nhiên, cũng cần phải có định hướng về việc sản phẩm nào cần đẩy mạnh chế biến và chế biến thế nào để phù hợp nhu cầu thị trường, thị hiếu người dùng. Đơn cử, có sản phẩm không cần sản phẩm chế biến, ví dụ như sản phẩm hàu có thể nuôi, khai thác và đưa thẳng đi xuất khẩu.
"Nói chung, chế biến cũng phải lựa chọn dạng hình sản phẩm theo tín hiệu thị trường. Thị trường đòi hỏi như nào, chúng ta phải làm đúng như vậy. Rất có thể 10 năm nữa, thực phẩm chức năng là nguồn đóng góp doanh thu kỷ lục trong kim ngạch, và đây có thể là một hướng đầu tư chế biến trong thời gian tới của chúng ta", ông Toản nhìn nhận.
Theo đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, sự vận động của ngành nông nghiệp phải bám theo hơi thở của cuộc sống hiện tại, đặc biệt là sự vận hành của thị trường thế giới, thương mại thế giới. "Một ví dụ cụ thể là ở Trung Quốc, những đối tượng 45 tuổi trở xuống rất thích những sản phẩm sấy dẻo, sấy khô của chúng ta, nhưng đối tượng từ 25 tuổi trở xuống rất thích sản phẩm snack. Đó là những dư địa mà chúng ta phải hướng đến. Hiện đã có những DN cá tra trong nước của Việt Nam đã biết cách chiên, sấy giòn da cá tra thành snack được người trẻ tuổi ưa thích", ông Toản chia sẻ.
Ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp không chỉ hiểu đơn thuần là phân bổ, điều chuyển quy mô, tăng giảm nội ngành, mà đó phải là hành trình chuyển đổi mô hình, thay đổi tư duy, đổi mới phương thức, nâng cao nhận thức. Chúng ta không thể nào ấn định trồng bao nhiêu, nuôi bao nhiêu, mà Nhà nước chỉ đóng vai trò kết nối thị trường, cung cấp đầy đủ thông tin, hỗ trợ công nghệ chế biến thông qua HTX, để HTX đủ sức làm cầu nối với DN tiêu thụ. Ông Hoàng Trọng Thủy Chuyên gia nông nghiệp Việc nâng cao chất lượng nông sản gắn với chế biến sẽ là giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng rớt giá đầu ra cho nông sản. Đi liền với thu hoạch, các HTX, chủ trang trại, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực bảo quản, chế biến và xây dựng kho lạnh tại các vùng nguyên liệu. Dịch COVID-19 sẽ là khoảng lặng để nhìn lại và thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản. Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng Chủ tịch HĐQT Công ty Nông trại hữu cơ Việt Nam Vùng nguyên liệu nhỏ lẻ đang là một rào cản cần tháo gỡ để phát triển chế biến sâu cho nông sản Việt Nam. Chúng ta vừa thiếu chính sách vừa thiếu vùng nguyên liệu. Nhà đầu tư luôn đặt câu hỏi nếu như bây giờ mở nhà máy chế biến thì có vùng nguyên liệu để chế biến quanh năm hay không, hay là mở nhà máy ở vùng nguyên liệu chỉ chế biến trong 3 tháng, còn 9 tháng đắp chiếu? Mặt khác, chính sách cũng chưa cho phép DN thuê đất với diện tích đủ lớn để đầu tư. |
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Lê Thúy