Hiện nay, ngành chăn nuôi nói chung còn nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô hộ gia đình vẫn chiếm tỷ lệ cao (60-70%) nên việc đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại, phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, kiểm soát dịch bệnh và phát huy lợi thế của từng vùng còn gặp nhiều khó khăn; phần lớn chưa sản xuất theo chuỗi khép kín nên khó khăn trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm…
Sản xuất theo chuỗi giá trị
Trong khi đó, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu (XK) có chất lượng cao với giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh.
Tại Báo cáo thẩm tra Luật Chăn nuôi, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, cho rằng các quy định về hoạt động chăn nuôi trong Dự thảo Luật cần tạo cơ sở pháp lý nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng để phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tiên tiến và hạn chế dần việc chăn nuôi nhỏ lẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Ủy ban KHCN&MT nhận thấy yêu cầu về "đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm XK chủ lực, có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và các đặc sản vùng, miền" chưa được thể chế hóa đầy đủ trong Dự thảo Luật. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về nội dung này.
Đối với các quy định về đầu tư, kinh doanh trong hoạt động chăn nuôi, Ủy ban KHCN&MT cho rằng các điều kiện này vừa phải bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước nhưng cũng vì mục tiêu chung là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cho người dân và doanh nghiệp (DN); đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển, có tính cạnh tranh ở thị trường trong nước và ngoài nước.
"Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của Dự thảo Luật liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh, đánh giá sự cần thiết, đánh giá tác động cho phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính hiện nay", Ủy ban KHCN&MT đề nghị.
Đặc biệt, góp ý cho dự thảo Luật Chăn nuôi mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục đích của Luật Chăn nuôi là để ngành chăn nuôi sản xuất lớn. Điều đó có nghĩa quy hoạch chăn nuôi phải làm sao phát huy thế mạnh so sánh từng khu vực thay vì thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cần phải đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, tạo đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm chăn nuôi vẫn chủ yếu tiêu thụ trong nước. Muốn làm được điều này, Nhà nước phải "ra tay", phải có "cuộc cách mạng" trong chăn nuôi, nếu không đổi mới sẽ rất khó khăn trong phát triển ngành này.
Mục đích của Luật Chăn nuôi là để ngành chăn nuôi sản xuất lớn |
Phát triển thị trường
Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định Luật Chăn nuôi có thể khắc phục những điểm yếu xưa nay của ngành chăn nuôi như thị trường manh mún, thiếu quy hoạch… Đây sẽ là cơ hội để DN lớn có điều kiện đầu tư, liên kết phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị công nghệ cao, qua đó ngành chăn nuôi sẽ phát triển bền vững. Luật Chăn nuôi kỳ vọng sẽ tạo ra nền chăn nuôi hiện đại với quy mô lớn.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng Luật Chăn nuôi không quy định cụ thể làm thị trường thế nào mà chỉ tạo môi trường pháp lý hoàn chỉnh cho nền sản xuất chăn nuôi. Để phát triển thị trường, các bộ ngành có liên quan cần phối hợp với nhau, bản thân DN cũng cần chủ động xây dựng thị trường, Nhà nước cũng phải hỗ trợ, đặc biệt là đàm phán khơi thông các thị trường lân cận như Trung Quốc, Đông Nam Á…
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh, để có thể XK sang các thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản…, sản phẩm chăn nuôi phải được sản xuất quy mô trang trại. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý nhà nước để đảm bảo chăn nuôi đúng chuẩn, đáp ứng các điều kiện có thể XK.
Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách về tín dụng để khuyến khích người dân tham gia phát triển ngành chăn nuôi như ưu đãi về lãi suất cho vay, chính sách đất đai giải quyết chăn nuôi tập trung cho người dân cùng với quy hoạch, tiêu chuẩn như thức ăn, giống vật nuôi.
Khẳng định Luật Chăn nuôi được thông qua sẽ là một bước tiến trong ngành chăn nuôi, nhưng Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho rằng không thể trông chờ vào việc hình thành một Luật này để giải quyết những vấn đề căn bản của ngành chăn nuôi, ví dụ như an toàn thực phẩm, niềm tin của người tiêu dùng, cũng như tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất.
"Muốn thực sự giúp thay đổi mạnh mẽ ngành chăn nuôi, thúc đẩy sự cạnh tranh của ngành, cần có những đột phá trong chính sách, thể chế kèm theo những thay đổi quan trọng trong các Luật khác. Những điểm yếu trong khâu giống cần đổi mới về Luật Ngân sách, KHCN; điểm yếu về sản xuất nhỏ lẻ thay đổi về Luật Đất đai, về hợp tác xã, thu hút DN đầu tư; điểm yếu về chuỗi giá trị cần cải thiện các Luật hiệp hội, về phát triển thị trường…", ông Sơn khuyến nghị.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thủy (đoàn Hải Dương), nhấn mạnh Luật Chăn nuôi cần phải làm rõ hơn trách nhiệm của các cấp quản lý nếu để xảy ra việc dư thừa sản phẩm. Ngoài ra, khi để xảy ra dịch bệnh cũng cần phải quy trách nhiệm rõ ràng.
"Hiện nay, Luật mới quy định chủ yếu phần kỹ thuật, còn trách nhiệm vẫn khá chung chung", bà Thủy nhận xét.
Lê Thúy
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Dự thảo Luật gồm 8 chương, 65 điều được bố cục tương đối hợp lý, bao quát tương đối toàn diện hoạt động chăn nuôi từ khâu quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, XK, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đến quản lý cơ sở chăn nuôi… Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hoạt động mua bán, bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi là một khâu quan trọng để nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhưng chưa được quy định trong Dự thảo Luật. Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia - Đoàn Hà Tĩnh Việc Quốc hội bàn để ban hành Luật Chăn nuôi là hết sức cần thiết. Tôi cho rằng để hoàn chỉnh Luật này cần quan tâm tới 3 vấn đề là quy hoạch ngành chăn nuôi với quy mô phù hợp, xây dựng dự báo nhu cầu sản phẩm và mở rộng thị trường. Để có đầu ra ổn định cho các sản phẩm chăn nuôi, ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng cần phải xác định hướng mở rộng thị trường XK. Ông Nguyễn Tất Thắng - Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam DN phải vươn ra đầu tư, tự tìm hiểu và tham gia với Nhà nước để làm thị trường. Cả Nhà nước và DN cùng làm thị trường thì mới thành công. Đặc biệt, Luật Chăn nuôi chắc chắn sẽ "đào thải" những cơ sở chăn nuôi thiếu đầu tư bài bản, làm ăn manh mún, chụp giật. |