Những ngày gần đây, thông tin về các loại thịt bò nhập khẩu từ Mỹ, Úc nhập khẩu có mức giá cực kỳ rẻ, chỉ bằng khoảng một nửa hoặc 1/4 giá thịt nội địa làm cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các DN sản xuất kinh doanh sản phẩm thịt bò nội “đứng ngồi không yên”.
Qua thăm dò ở thị trường Tp.HCM về giá thịt bò nhập cho thấy một mức chênh lệch giá cực sốc, đơn cử như bắp bò Mỹ được cung cấp từ một đơn vị phân phối chỉ có 60.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 4 lần so với bắp bò trong nước (240.000 đồng/kg).
Bắt buộc giảm giá thành
Tuy nhiên, nên biết rằng đó là loại thịt bò được gắn mác Mỹ nhưng chưa có gì để đảm bảo về mặt chất lượng, hạn sử dụng hay nguồn gốc (điều mà cơ quan quản lý nên chủ động làm rõ). Còn thực chất, nếu tìm đến những cửa hàng thịt bò nhập có uy tín thì không phải loại thịt bò nào cũng có mức giá rẻ.
Trong khi đó, buổi họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có cho rằng vẫn chưa phát hiện các loại thịt bò Úc, Mỹ vào Việt Nam hết hạn hoặc nguồn gốc không rõ ràng.
Trước sức ép của thịt bò ngoại giá siêu rẻ cũng như một số loại thịt ngoại nhập giá rẻ khác, việc giảm giá sâu các loại thịt nội để tăng sức cạnh tranh lại được nhắc đến. Ở đó, bộ phận chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người sản xuất, là nông dân, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các DN khi khả năng tiêu thụ thịt nội giảm, đối mặt với thua lỗ, nợ nần…
Vấn đề này cũng được đưa ra mổ xẻ ngay tại buổi họp báo ngày 5/3 ở Tp.HCM giới thiệu triển lãm ILDEX Vietnam 2018 (diễn ra vào giữa tháng 3/2018 tại Tp.HCM) về ngành Chăn nuôi, Thú y, Ngành sữa, Chế biến thịt và Nuôi trồng thủy sản.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết việc giảm giá thành sản phẩm là yêu cầu bắt buộc của ngành chăn nuôi nội địa trong tình hình mới. Hiện nay, việc giảm giá được thực hiện hầu hết ở các công ty chăn nuôi gia công và những trang trại lớn.
Các giải pháp cụ thể của họ là chủ yếu giảm khâu trung gian (chiếm tỷ lệ nâng độ giá cỡ khoảng 12%). Do vậy, giảm được khâu này thì giá thành chắc chắn sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó là cải tiến chất lượng thức ăn cũng như cơ cấu nguyên liệu để giá thành thức ăn chăn nuôi được thấp hơn.
Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh Doanh là liệu những cải thiện của ngành chăn nuôi nội địa có thực sự mang lại hiệu quả khi mà tình trạng thịt ngoại nhập giá rẻ vẫn còn tăng, Cục trưởng Hoàng Thanh Vân thừa nhận một trong những lo ngại nhất là việc tạm nhập tái xuất thịt ngoại.
Các sản phẩm thịt ngoại giá rẻ đang là thách thức lớn cho ngành chăn nuôi Việt
“Hàng rào” tốt chưa?
Ông Vân cho biết hoạt động này phần nào ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Do đó, Quốc hội đã chính thức giám sát vấn đề này trong năm 2018.
Nên nhắc lại, hồi năm ngoái, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Chính phủ dừng cho phép tạm nhập tái xuất thịt và phủ tạng vào Việt Nam đi các nước, nhằm bảo vệ thị phần cho sản phẩm chăn nuôi. Cách đây hai năm, lượng thịt tạm nhập tái xuất vào Việt đã đạt khoảng 4,6 triệu tấn/năm so với 5,2 triệu tấn thịt các loại của ngành chăn nuôi.
Theo ông Vân, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ chuyện này. Đó là phải vừa đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động tạm nhập tái xuất, nhất là tránh ảnh hưởng đến những sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Một vấn đề quan trọng cũng cần làm rõ là việc nhập khẩu những sản phẩm thịt vào Việt Nam hiện nay như thế nào. Cục Chăn nuôi cho biết đáng kể nhất là nhóm sản phẩm thịt gà – có số lượng nhập khẩu nhiều nhất với bình quân 100.000 tấn/năm, năm cao điểm khoảng 130.000 – 140.000 tấn. Nếu so với tổng số sản lượng gia cầm sản xuất trong nước thì vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 5 – 6%), chưa thể có tác động điều chỉnh giá sản xuất trong nước.
Riêng với nhóm sản phẩm thịt trâu bò, dê cừu đã qua giết mổ, số lượng nhập cũng không nhiều, chiếm tỷ lệ mỗi năm khoảng 12% so với sản xuất trong nước. Còn việc nhập các loại gia súc chưa qua giết mổ (chủ yếu là trâu bò sống), Việt Nam có đàm phán với phía Úc là chấp nhận cho thịt bò sống của Úc nhập vào Việt Nam để chúng ta xuất các sản phẩm của Việt Nam sang Úc.
Lượng bò Úc nhập vào Việt Nam biến động nhiều, trung bình khoảng 145.000 – 146.000 con/năm, năm cao điểm nhất là 360.000 – 380.000 con. Còn năm 2017 thì khoảng 200.000 con.
Việc nhập bò sống vào Việt Nam biến động theo thị trường, bổ sung cho sản phẩm thịt bò trong nước vì cả nước hiện chỉ có 5,6 triệu con bò (trong đó bò thịt là 5,2 triệu con). Phải thừa nhận rằng dù lượng bò ngoại nhập chiếm tỷ lệ không lớn, mức giá rẻ đã ảnh hưởng đến giá thành trong nước.
Nói về khía cạnh ảnh hưởng sản xuất trong nước từ thịt ngoại phải kể đến “cơn bão” nặng nhất vào năm 2015 khi Việt Nam nhập gà Mỹ với giá cực kỳ rẻ, khoảng hơn 10.000 – 15.000 đồng/kg, trong khi giá gà nuôi của Việt Nam khi ấy đã là 26.000 – 27.000 đồng/kg nên không thể cạnh tranh được.
Sau đó, chúng ta mới tăng cường quản lý, thiết lập hàng rào kỹ thuật (yêu cầu về hạn dùng, chỉ tiêu vi sinh vật, các chỉ tiêu về kim loại nặng và các độc tố…), không còn hiện tượng nhập ồ ạt gà Mỹ giá rẻ nữa.
Thế Vinh