Theo Bộ Công Thương, kể từ quý IV/2022, thị trường quốc tế có những diễn biến không thuận lợi như nhu cầu ở các thị trường lớn của Việt Nam sụt giảm, đơn đặt hàng giảm, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng đã dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng… đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Đối tác lớn hoãn đơn hàng
Hơn ai hết, doanh nghiệp (DN) cảm nhận rõ nhất những khó khăn này. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta – một trong những đơn vị hàng đầu về xuất khẩu tôm, cá tra, cho hay, một số đơn hàng bị đối tác hoãn thời gian giao hàng, hay nghiêm trọng hơn là hủy do chưa rõ thị trường trong thời gian tới ra sao.
Xuất khẩu tôm gặp khó do lạm phát toàn cầu tăng mạnh, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. |
Lý do đơn hàng bị hủy là do lạm phát thế giới tăng cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, những mặt hàng giá trị cao không được ưu tiên lựa chọn. Mặt khác, tình hình cạnh tranh với các đối thủ ngày càng gay gắt khiến việc tiêu thụ ở thị trường lớn khó khăn, dẫn tới tồn kho xảy ra, từ đó nhà mua hàng chia sẻ rủi ro với nhà cung ứng.
Hiện nay, nói về con tôm, ông Lực cho biết có 2 đối thủ lớn là Ecuador và Ấn Độ với lợi thế về sản lượng lớn và giá thấp. Nếu so với Ecuador, tôm Việt Nam đang cao hơn 1 USD, chưa kể giá thành sản xuất của chúng ta cũng cao hơn. Do vậy, tôm Việt chỉ thâm nhập được dòng sản phẩm cao cấp vào thị trường Mỹ, do Ecuador chưa đảm bảo được trình độ chế biến. Tuy nhiên, không xa thôi nếu không có giải pháp khắc phục điểm yếu của mình thì tôm Việt ở thị trường Mỹ sẽ thất thế.
Tương tự, ông Lê Bảo Toàn, Giám đốc tài chính của Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú (Hậu Giang), cũng cho hay một vài vài tháng gần đây, lượng hàng xuất khẩu của DN đi châu Âu, Mỹ giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Lượng đơn hàng đang rất thấp, nếu không muốn nói là quá ít so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, ông Toàn phàn nàn lãi suất cho vay tăng cao khiến chi phí lãi vay của DN tăng theo, kéo giảm sức cạnh tranh. Trước tình hình trên, lãnh đạo Minh Phú đang đang chỉ đạo sát sao về sản xuất bám chặt vào đơn hàng, tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng để nâng cao lợi nhuận cho DN.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp. Một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, Mỹ đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; thị trường châu Âu đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh..., khiến DN bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng cho biết hàng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc trên thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Đông Á… do Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng NDT giảm giá mạnh khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.
Chấp nhận lỗ để không cạn vốn
Trước đó, Bộ NN&PTNT đánh giá Trung Quốc chưa bỏ hoàn toàn chính sách "Zero Covid", đồng NDT của Trung Quốc cũng như đồng Baht của Thái Lan mất giá hơn so với VND và đồng USD, nên Trung Quốc đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các sản phẩm của Thái Lan hơn.
Khó khăn trên cũng đang diễn ra tương tự với dệt may, da giày… Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, chia sẻ: “Cuối năm 2021, chúng tôi dự báo rất tốt cho ngành may, trong đó có May 10. Chúng tôi cho rằng năm 2022 sẽ có thành quả tốt của ngành may. Điều đó không sai cho đến hết tháng 6 năm nay, tuy nhiên nửa cuối năm lại là một câu chuyện khác. DN ngành may nhận được nhiều thông tin thiếu tích cực từ các khách hàng với đề nghị giảm đơn hàng".
"Chúng tôi đã mua nguyên phụ liệu, nhưng ngay cả như vậy họ vẫn nói luôn là từ từ sản xuất, vì hàng tồn kho lớn, dự trù nếu bán được trong mùa Giáng sinh thì mới đặt tiếp. 10-15% khách hàng của chúng tôi yêu cầu đợi ra Tết rồi hãy sản xuất", Tổng Giám đốc May 10 thông tin và dự báo giai đoạn từ quý I đến quý II năm sau sẽ rất khó khăn với May 10 và ngành dệt may nói chung.
Trước tình hình trên, lãnh đạo May 10 cho hay DN chấp nhận làm cả những đơn hàng thời trang đòi hỏi yêu cầu chất lượng cao hơn, số lượng nhỏ lẻ hơn và thời gian giao hàng ngắn hơn. Đồng thời, May 10 cũng đầu tư mạnh vào công nghệ, với một xưởng may được đầu tư 10 triệu USD với khoảng 300 công nhân.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta cho rằng DN cần có chiến lược phát triển bài bản, tầm nhìn dài hạn. Trước mắt, thấy xu thế tiêu thụ giảm, DN cần giải phóng hàng tồn kho giá mềm, chấp nhận lỗ để không cạn vốn thì sẽ cầm cự được qua giai đoạn này.
Về lâu dài, DN cũng cần cắt giảm chi phí, nêu cao tinh thần tiết kiệm để giảm giá thành, nâng cao cạnh tranh. Mặt khác, trong xu thế hiện nay phải trang bị công nghệ mới, những công đoạn nào sản xuất chế biến có thể tự động, số hóa thì phải làm.
"DN phải đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng minh bạch, bền vững, không thể làm ăn theo "ăn xổi, ở thì", đáp ứng tiêu chí bền vững không phải trào lưu mà là tất yếu, nếu DN xem nhẹ thì bị bỏ lại trên đường đua", ông Lực nhấn mạnh...
Ông Nguyễn Hồng Diên Bộ trưởng Bộ Công Thương Thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; lạm phát gia tăng khiến Chính phủ nhiều nước thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn. Do vậy, trong thời gian tới, DN cần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ cơ hội của từng thị trường, mặt hàng để đẩy mạnh xuất khẩu. Ông Trương Đình Hòe Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Ngành thuỷ sản không hẳn là bi quan, song tình hình thực tế khá khó khăn. Đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang năm 2023. Thị trường không thể xuống mãi được, vẫn sẽ có lúc lên nhưng quan trọng thị trường lên trở lại khi nào? Nhiều người hy vọng là cuối quý I/2023, thị trường sẽ hồi phục. Nếu thực tế tình hình kinh tế thế giới cải thiện mà nhu cầu sớm quay trở lại thì chúng ta có thể hy vọng sớm vượt qua khó khăn trong năm 2023. Bà Phan Thị Thanh Xuân Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu diễn ra ở tất cả DN trong ngành. Bình quân lượng hàng đã giảm khoảng 30% so với đầu năm. Tình hình sụt giảm đơn hàng quý IV/2022 gia tăng nhiều hơn và có thể tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2023. Nguyên nhân là do lạm phát cao, khiến sức mua ở những thị trường lớn như Mỹ, EU lao dốc, trong khi đây là hai thị trường chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam. Vì vậy, các DN chỉ có cách đa dạng hóa, tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu dù ít hay nhiều để bù đắp. |
Nhật Linh