Trong năm 2018 có hai sự kiện làm nức lòng người Hải Phòng, đó là tháng 5 hoàn thành cầu Tân Vũ- Lạch Huyện và tháng 9 thông xe cầu Bạch Đằng. Cầu Tân Vũ-Lạch Huyện là cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á, đưa Hải Phòng vươn ra biển đảo Cát Hải; còn cầu Bạch Đằng thì kết nối Hải Phòng với Hạ Long một cách tối ưu.
Nhìn ánh mắt, nụ cười và niềm vui trên gương mặt của những người đồng hương trên hai công trình ấy, tôi - một người con của Hải Phòng không khỏi bồi hồi, nghẹn lời cảm xúc! Tôi biết tâm trạng những người bà con của mình, khi hôm nay, họ đã “chạm” tới một niềm khát vọng từ bao nhiêu năm trước mong chờ.
Bắc cầu vượt biển...
Đứng trên cầu Bạch Đằng, hay ở đầu cầu Lạch Huyện, ký ức đưa tôi về với mảnh đất này hơn 30 năm về trước… Hải Phòng, quê hương tôi, nơi hạ lưu sông Thái Bình chảy về chia thành 5 nhánh bao bọc thành phố. Nhờ thế, Hải Phòng có cảng biển quốc tế quan trọng nhất ở miền Bắc, nhưng cũng không ít khó khăn khi giao thương với các địa phương khác vì cách trở sông nước.
Hồi ấy, ngoại trừ Quốc lộ 5 nối Hải Phòng với Hà Nội là có cầu, còn lại đi về phía Nam, đến vựa lúa Thái Bình phải xuống xe qua bao nhiêu đò giang.
Đặc biệt, đi về phía Đông Bắc tới Hạ Long thì phải qua phà Bính trên sông Cấm, đò Giá qua sông Đá Bạc, rồi Phà Rừng rộng mênh mông như biển, muốn đi sang đất Quảng Ninh phải chờ phà ít nhất 2 – 3 giờ đồng hồ, đã vậy đường sá lại nhỏ hẹp, quanh co. Đúng là cảnh “gần nhà, xa ngõ”, đò giang quá cách trở… Địa thế, giao thương như thế làm sao làm ăn lớn, kinh tế cứ manh mún, nhỏ bé.
Tôi còn nhớ rõ lắm, mỗi lần chỉ là đi chơi sang Hạ Long, kẹt xe, chờ phà ở Bến Rừng mấy giờ đồng hồ là chuyện thường ngày, nhìn con phà ì ạch chở vài cái ô tô, mấy trăm con người lầm lũi vượt sóng bạc đầu qua hai cây số mới cập bờ, trong lòng ngao ngán vô tận!
Lúc đó, tôi đã thầm ao ước có cây cầu để phóng xe vù qua sông. Nhưng biết đó chỉ là ao ước, bởi nhìn những con sóng ào ạt ở cửa Bạch Đằng giang, biết là sức người có hạn, làm sao, bao giờ có được cây cầu?…
Phải chăng đó chính là khát vọng, khát vọng của người Hải Phòng và cả người Quảng Ninh về một tương lai chế ngự được sông nước để làm ăn, phát triển.
Nhà máy sạch sẽ, không vết bụi bẩn, công nhân làm việc chuẩn mực trên từng vị trí, một tác phong công nghiệp hiện đại đã bén rễ nơi này |
Tương tự như vậy, việc ra với đảo Cát Hải, Cát Bà lại càng khó khăn, mù mịt hơn bởi hàng ngày chỉ có một chuyến tàu ra đảo xuất phát từ Bến Bính, và chiều chiều tàu lại từ đảo khứ hồi về Hải Phòng. Đi trên con tàu chợ ấy, người và hàng hóa chật chội, chen lẫn với trăm thứ vật dụng thiết yếu từ đất liền tiếp tế ra đảo; những hôm biển động, tàu phải nằm bờ, thế là ách tắc hoàn toàn giao thương.
Nhưng nay thì tình cảnh bi đát ấy không còn nữa, vĩnh viễn qua rồi một thời cơ hàn chất ngất!
Cầu Tân Vũ-Lạch Huyện nối dài cao tốc Hà Nội-Hải Phòng ra tận đảo Cát Hải; cầu Bạch Đằng băng qua cửa Bạch Đằng giang bỏ lại Phà Rừng năm xưa chỉ còn là kỷ niệm. Cao tốc Hạ Long- Hải Phòng cũng nối ngay vào cao tốc đi Hà Nội và giờ đây chạy xe từ Hà Nội về Hải Phòng chỉ đúng 1 giờ, chạy tiếp ra Hạ Long, bon bon thêm 25 cây số, chạy ra đảo Cát Hải chỉ 14 cây số, còn gì phải ngại ngùng!
Vận hành nhà máy thông minh
Ở các nước văn minh-công nghiệp, người ta không gọi khoảng cách giữa các địa phương bằng số ki lô mét mà nói rằng đi hết bao lâu giờ xe chạy. Giờ đây thì người Hải Phòng cũng có quyền phát ngôn như dân các quốc gia công nghiệp-văn minh đó rằng tôi đi Hà Nội mất 1 giờ chạy xe; ra Cát Hải 15 phút và ra Hạ Long chỉ dưới nửa giờ. Ôi, đúng là mơ ước mà 30 năm trước chưa bao giờ chúng ta lại nghĩ thành sự thật!
Hải Phòng quê tôi còn là một thành phố công nghiệp hàng đầu của cả nước. Hình ảnh những người thợ, những người cha, người chú của tôi là công nhân Máy tơ, cơ khí Duyên Hải, cơ khí Kiến thiết, bến Sáu kho… của những năm 60 thế kỷ trước còn in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi: Mồ hôi và lấm lem dầu mỡ…
Thế rồi cũng ngày cuối năm qua, chính trên mảnh đất nhọc nhằn ấy thuở trước, tôi được thăm một nhà máy và gặp gỡ những người thợ mà ngỡ mình “trong mơ”!
Trong khu công nghiệp Nomura, nơi đã có hàng chục nhà máy cơ khí công nghệ cao của các liên doanh Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có nhà máy GE-Brilliat Factory, một trong 5 nhà máy thông minh của Tập đoàn GE (Mỹ) vừa cán mốc 1 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu sản phẩm sau 8 năm sản xuất.
Thật không tin nổi là lớp thợ trẻ Hải Phòng hôm nay đang tự tin vận hành một nhà máy với hàng loạt trang thiết bị tiên tiến nhất, sử dụng robot và các công nghệ khoan, hàn, in 3D… để làm ra các tổ hợp rôto phát điện cho các tuabin gió và các linh kiện hệ thống điều khiển điện đạt tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu để xuất khẩu toàn cầu.
Họ, cả nghìn người là công nhân, nhân viên, giám đốc nhà máy và chỉ có một chuyên gia kỹ thuật là người Pháp hỗ trợ công việc. Hơn thế nữa, trong hai năm qua, GE Hải Phòng đang nỗ lực đổi mới thiết bị, tối ưu hóa sản xuất trên nền tảng kỹ thuật số để nhà máy thông minh hơn trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu suất sản xuất và gia tăng giá trị kinh tế…
Nhà máy sạch sẽ, không vết bụi bẩn, công nhân làm việc chuẩn mực trên từng vị trí, một tác phong công nghiệp hiện đại đã bén rễ nơi này!
Mừng quá đỗi trước những đổi thay. Tôi tự thấy mình không đủ khả năng ở tầm nhìn kinh tế để diễn tả khi cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cầu Tân Vũ-Lạch Huyện và cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, cầu Bạch Đằng đã kết nối; khi cùng với Nhà máy GE, còn có nhiều nhà máy hiện đại khác được đầu tư xây dựng từ thời kỳ Đổi mới đang cho “quả đầu mùa”…
Đó là một triển vọng cực kỳ tươi sáng mà ai cũng nhìn thấy khi Hành lang phát triển kinh tế Đông Bắc của Tổ quốc là Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long gắn kết chuỗi cảng biển quốc tế, các khu công nghiệp hùng hậu và tiềm lực du lịch dồi dào của cả ba địa phương có cùng động lực là giao thông hạ tầng làm xung lực phát triển…
Phân tích đó dành cho các nhà kinh tế. Tôi chỉ muốn nói đến một khát vọng dân sinh, một khát vọng đổi mới, sáng tạo mà đối với thế hệ U.65 như chúng tôi phải chờ đợi nửa đời người để hôm nay “chạm” tới niềm khát vọng!
Trọng Trí