Gần 30 năm đã qua, ít ai có thể biết rằng trên nền khu công nghiệp hiện đại này là đất ruộng nguyên sơ trồng lúa và chen dày mồ mả của cư dân địa phương qua nhiều đời. Và cũng không nhiều người biết rằng để làm nên khu công nghiệp này, có một người đã dành tâm huyết, trí tuệ và công sức của mình để cùng với tập thể lãnh đạo Tp. Hải Phòng hồi đó đưa bằng được Normura đầu tư vào Việt Nam. Người đó là Gs. Nguyễn Mại, lúc đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI), và nay ông là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
“Vạn sự khởi đầu nan”…
Cơ duyên cho chúng tôi được gặp Gs.Nguyễn Mại là nhờ Ts.Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài. Với mong muốn kết nối bạn bè, anh Thắng đã tổ chức buổi gặp mặt các thế hệ cán bộ có nhiều đóng góp cho công cuộc thu hút đầu tư nước ngoài sau 30 năm Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, vào ngày cận kề Tết Mậu Tuất 2018. Ký ức của Gs.Nguyễn Mại cho chúng ta ngược dòng thời gian.
Đúng 30 năm trước, Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Đây là một “luồng gió mới” trong bối cảnh kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp mấy chục năm ròng, cho nên không phải mọi việc đều suôn sẻ. Bởi vậy mà Gs. Nguyễn Mại cho hay trong 3 năm từ 1988 – 1990, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 tỷ USD, nghĩa là mỗi năm Việt Nam chỉ thu hút được đôi ba trăm triệu USD vốn FDI!
Năm 1992, Chủ tịch Tập đoàn Nomura (tập đoàn chứng khoán lớn nhất Nhật Bản), ông Tabuchi, đã mời Gs. Nguyễn Mại sang tham quan Nhật Bản, vừa để giới thiệu về tiềm lực kinh tế của Nomura, vừa là thông qua Gs Nguyễn Mại tìm hiểu chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Gs. Nguyễn Mại nhớ lại, chỉ sau chuyến thăm khoảng 1 tuần, ông Tabuchi đã cùng nhiều cộng sự chủ chốt của Tập đoàn Normura sang Việt Nam để tìm hiểu chính sách đầu tư vào khu công nghiệp.
Phải nói thời kỳ đó, Hải Phòng là địa phương rất năng động, đích thân Chủ tịch thành phố, ông Đào An, đã gặp Gs. Nguyễn Mại và thuyết phục về lợi thế của Hải Phòng, mời ông Tabuchi đến Hải Phòng tìm hiểu môi trường đầu tư.
Hải Phòng đã chủ động mời gọi Nomura đầu tư vào các khu công nghiệp, và qua tìm hiểu, khảo sát thực địa, Normura đã đồng ý chọn đầu tư khu công nghiệp trên dải đất ven Quốc lộ 5, thuộc địa phận xã An Hưng, huyện An Hải. Nơi đây cách trung tâm Hải Phòng 10km và cách Hà Nội 90km, thuận cả giao thông bộ và thủy.
Theo Gs. Nguyễn Mại, Nomura có con mắt “tinh đời” khi chọn vùng đất này để đầu tư vào Hải Phòng. Trong mối lương duyên Hải Phòng – Nomura, Gs. Nguyễn Mại là người giữ nhịp cầu. Bởi không có sự dẫn dắt của ông thì hai bên sẽ không bao giờ gặp nhau. Đó là điều mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu.
Gs. Nguyễn Mại
Tuy nhiên, theo Gs. Nguyễn Mại, đây mới là “vạn sự khởi đầu nan”. Với môi trường đầu tư mới hé mở như năm 1992, thực tế chưa có, kinh nghiệm cũng không, làm cái gì cũng vướng (ta thì hàng “núi” thủ tục, chính sách, đối tác thì áp đặt tư duy của họ…), cho nên việc triển khai khu công nghiệp không hề thuận lợi.
Khó khăn, cản trở từ việc giải tỏa mặt bằng, nào là đất thu hồi, đền bù, áp giá cho nông dân, nào là hóa giải cho cả “tâm linh” di dời hàng trăm ngôi mộ đến nơi ở mới, cho đến việc có ý kiến không tán thành cho Normura vào khu đất này vì lo “an ninh, quốc phòng”… Còn phía Nomura, họ cũng đặt ra không ít điều kiện đầu tư khu công nghiệp theo tiêu chuẩn Nhật Bản mà lúc đó, Việt Nam còn rất bỡ ngỡ và chỉ cho phép các nhà đầu tư Nhật Bản vào đây đặt nhà xưởng!… Từng ấy khó khăn, cứng nhắc đã cản trở Nomura hình thành và phát triển.
Hệ quả là nhiều năm sau khi nhận giấy phép đầu tư, KCN dậm chân tại chỗ, thưa thớt vài nhà đầu tư Nhật vào thuê nhà xưởng, không ít người của cả hai bên đã nản lòng.
Chặng đường không có điểm dừng
Thế nhưng, mỗi lần gặp khó khăn là mỗi lần Gs. Nguyễn Mại, lúc đó với tư cách là “tư lệnh” đầu tư với nước ngoài của Việt Nam, lại cùng hai bên đối tác bàn cách gỡ khó, thương thảo để tìm tiếng nói chung. Sự cố gắng không mệt mỏi của ông cuối cùng cũng hóa giải được những thách thức để khu công nghiệp lớn và đầu tiên của Nhật Bản bén rễ thành công ở Tp. Hải Phòng.
Nay thì Nomura là một khu công nghiệp thành công của Việt Nam the hiện qua các tỷ lệ lấp đầy cao nhất của các nhà đầu tư, là kiểu mẫu của một nền sản xuất công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và thân thiện với môi trường, và cũng là một biểu tượng thành công của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nhật Bản, có đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế của Hải Phòng và cả nước.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Gs. Nguyễn Mại nhấn mạnh thành công của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung trong thu hút vốn FDI chính là nhờ tư duy đổi mới trong việc xây dựng và liên tục hoàn thiện Luật Đầu tư nước ngoài, để đến nay, Việt Nam có một bộ luật tiến bộ, cởi mở và thuộc loại hấp dẫn nhất các nhà đầu tư trong khu vực.
Cùng với đó là nhận thức và thích ứng với thực tiễn rất nhanh nhạy của những người làm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong Bộ KH&ĐT; có sự ủng hộ từ phía các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ trong việc thúc đẩy đổi mới và cải cách thủ tục hành chính; có sự nhiệt thành cống hiến của đội ngũ cán bộ ở các địa phương… Tất cả đã làm nên một Việt Nam “đất lành” cho các nhà đầu tư về “làm tổ”.
Hôm nay, sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã gặt hái mùa vàng với hàng nghìn dự án vốn FDI từ năm châu, bốn biển, hàng năm thu hút vài chục tỷ USD vốn đầu tư, hàng trăm khu công nghiệp và khu kinh tế đã mọc lên khắp các tỉnh, thành.
Nhớ lại những bước đi ban đầu của khu công nghiệp Nomura – Hải Phòng, những người làm công tác thu hút đầu tư, đặc biệt như Gs Nguyễn Mại, vẫn cảm thấy còn có nhiều việc cần phải làm tiếp. Cũng chính vì vậy mà nhịp tim và bước chân của Gs. Nguyễn Mại vẫn đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhà quản lý. Mặc dù đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài cũng như chính quyền các cấp ở Việt Nam thì vẫn… chưa cho ông nghỉ! Gs. Nguyễn Mại vẫn là người “anh cả” mà hàng ngày, các nhà đầu tư tìm đến.
Vũ Hồng – Minh Trang