Theo các doanh nghiệp gỗ (DN), khó khăn chỉ xuất hiện kể từ sau khi Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2124/TCT-TTKT ngày 22/5/2020 yêu cầu xác minh, đối chiếu nguồn gốc mặt hàng gỗ dăm, gỗ thành phẩm nhằm bảo đảm việc giải quyết hoàn thuế.
Trong hồ sơ để xác minh nguồn gốc hợp pháp khi hoàn thuế, cơ quan thuế yêu cầu ngoài hồ sơ theo quy định của Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, chủ rừng phải cung cấp sổ đỏ diện tích khai thác; chứng minh thư nhân dân của chủ sở hữu; đơn xin khai thác được chính quyền địa phương xác nhận.
Tuy nhiên, thực tế, một số diện tích rừng thiếu các bằng chứng pháp lý về nguồn gốc đất đai (không có sổ đỏ, tranh chấp…).
DN hoạt động cầm chừng vì thiếu tiền
Ông Thang Văn Thông, đại diện Chi hội dăm gỗ Việt Nam cho biết, ước tính số tiền thuế của DN ngành gỗ đọng lại hiện nay khoảng 6.000 tỷ đồng, khiến nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản, dừng hoạt động, nợ xấu với ngân hàng…
Các DN ngành gỗ đang có khoảng 6.000 tỷ đồng tiền thuế VAT chưa được hoàn. |
Liên quan tới khó khăn này, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nhìn nhận, khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số DN phải dừng xuất khẩu; một số DN hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài, nhiều DN sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng, bao gồm hàng trăm nghìn hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nguyên nhân chưa được hoàn thuế VAT là do không xác định được nguồn gốc gỗ nguyên liệu (với quy định hoàn thuế đối với các hàng hóa có căn cứ vào nguồn gốc). Do coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp với chuỗi cung có nhiều trung gian, nhà xuất khẩu Việt Nam mua gỗ thương phẩm từ một DN thương mại, DN thương mại này có thể mua trực tiếp từ nhiều nguồn, việc xác minh chi tiết tới từng đơn vị chủ rừng là điều không thể thực hiện.
Ông Thang Văn Thông phân tích, khi cơ quan thuế không xác minh được thì phải gửi qua công an. Tuy nhiên, quá trình xác minh là không hề dễ dàng, có thể kéo dài lên tới 15 năm nữa mới xong.
Không chỉ ngành gỗ, tại thời điểm hiện nay, nhiều DN ngành sắn cũng đang gặp khó khăn khi không được hoàn thuế VAT. Nguyên nhân là do không xác định được đối tác nhập khẩu hàng hóa của DN Việt Nam, dẫn tới có thể DN xuất khẩu giả mạo giấy tờ và cơ quan thuế cho rằng không đủ căn cứ để hoàn thuế…
Thế nhưng, một DN trong ngành sắn cho rằng họ đã hoàn thành hồ sơ xuất khẩu thì phải được hoàn thuế, không phụ thuộc việc có xác định được người mua hay không.
Tiếp nhận phản ánh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu thực tế, nhiều DN có đơn hàng xuất khẩu đã hoàn thành, thương vụ giao dịch đã thành công, hay nói nôm na là "hàng được xuất đi, tiền đã được lấy” về nhưng vẫn chưa được hoàn thuế VAT. Nguyên nhân là do công tác quản lý của cơ quan chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc như truy xuất nguồn gốc với DN xuất khẩu sản phẩm gỗ; xác minh đối tác với đơn hàng xuất khẩu khác…
Theo VCCI, đây là những yêu cầu ngoài tầm DN, vì DN muốn xuất khẩu được thì phải mua nguyên liệu để xuất khẩu, mà nguồn nguyên liệu tương đối đa dạng, qua nhiều đối tác nên công tác truy xuất rất khó khăn, nhất là DN xuất nhập khẩu sản phẩm từ gỗ.
Cần áp dụng cơ chế đặc biệt
Để gỡ khó cho DN về dòng tiền, cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính tìm cách đẩy nhanh việc hoàn thuế VAT. “Bộ Tài chính kiểm tra, đôn đốc Tổng cục Thuế đẩy nhanh việc hướng dẫn, thực hiện hoàn thuế VAT cho DN, người dân”, Thủ tướng yêu cầu.
Cuối tuần qua, một số DN dăm gỗ đã tham gia buổi đối thoại trực tiếp với Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh nhằm tháo gỡ những khó khăn trên. Ngay sau buổi đối thoại, chia sẻ với VnBusiness, ông Thang Văn Thông, đại diện Chi hội dăm gỗ Việt Nam cho biết, cơ quan thuế tỉnh Quảng Ninh nói sẽ ghi nhận những bất cập, khó khăn của DN, sau đó báo cáo lên Tổng cục Thuế. Điều đó có nghĩa, DN dăm gỗ sẽ tiếp tục phải chờ…
Báo cáo khảo sát tình hình DN của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) đã nêu ra thực trạng bức tranh kinh tế có nhiều màu xám khi trên 82% đơn vi dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh. Hơn 81% đánh giá tiêu cực về triển vọng kinh tế trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, khó khăn lớn nhất của DN là thiếu đơn hàng (59,2%); tắc nghẽn dòng vốn (51,2%); gặp vấn đề về thủ tục hành chính (45%). “Nhiều DN đang phải đi vay trong khi tiền hoàn thuế tồn đọng nhiều, thậm chí 3 năm chưa được giải quyết hoàn”, Ban IV chỉ ra.
Trước thực tế trên, ông Thang Văn Thông kiến nghị: Tổng cục Thuế cần có động thái gỡ khó cho DN, thay thế Công văn yêu cầu xác minh, đối chiếu nguồn gốc mặt hàng gỗ dăm, gỗ thành phẩm nhằm bảo đảm việc giải quyết hoàn thuế đã được ban hành trước đó. Cụ thể, Tổng cục Thuế có thể cho phép Cục thuế địa phương truy xuất từ người phát sinh thuế - DN chế biến gỗ. Đồng thời, Tổng cục cho phép hoàn thuế VAT đối với DN xuất khẩu có hợp đồng thương mại vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng được điều kiện hoàn thuế.
“Nhiều DN làm ăn đàng hoàng từ trước tới nay, nên được tiếp tục áp dụng hoàn thuế như trước, kiểm tra sau. DN có công ty, có báo cáo doanh thu, doanh số hàng năm, biết địa chỉ rõ ràng thì cần được hoàn thuế nhanh, bởi nếu vẫn áp dụng theo văn bản cũ thì Cục thuế địa phương không dám làm, vì làm thì phải chịu phải trách nhiệm nếu sai phạm”, ông Thông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ban IV đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan liên quan xem xét hoàn thuế sớm, tránh kéo dài như hiện nay để DN có thể bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh. Theo đó, có thể xem xét một số cơ chế đặc biệt như cho phép DN được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm tra rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các DN tuân thủ tốt pháp luật.
Ông Hoàng Quang Phòng Phó Chủ tịch VCCI Việc cơ quan chức năng kiểm tra cho rằng chưa đủ cơ sở hoàn thuế, mặc dù DN chứng minh hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng thương mại, đối tác đã trả tiền, dẫn tới khoản hoàn thuế tương đối lớn, nếu tồn 2-3 năm thì rõ ràng DN rất khó khăn trong việc cân đối dòng tiền, thậm chí có đơn hàng đã bị huỷ, có DN phải tính dừng sản xuất. VCCI đề xuất đối với thương vụ đã được xác minh, được cơ quan công quyền kiểm tra và có kết luận không đủ yếu tố vi phạm thì cần được hoàn thuế. Đồng thời, những vướng mắc, điểm nghẽn thì cơ quan quản lý cần ngồi cùng DN để tìm ra giải pháp tháo gỡ phù hợp, tránh ảnh hưởng tới hoạt động của DN và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. PGS.TS. Trần Đình Thiên Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Rõ ràng DN Việt đang bị suy kiệt, trong khi thế giới đang có sự dịch chuyển, mà chúng ta yếu đi thì sẽ đối mặt khó khăn hơn nhiều. Về hoàn thuế VAT, cần phải trao cho DN quyền, tránh tình trạng hoàn thuế xuất khẩu kéo dài quá từ 6 tháng tới cả năm thì DN khó khăn. Trong bối cảnh khó khăn thế này, tại sao không đơn giản thủ tục hoàn thuế theo quy định, như sau 2 tuần nếu DN hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu thì được hoàn thuế, nếu sai thì sẽ bị phạt. Ông Trương Thanh Đức Giám đốc Công ty Luật ANVI Việc DN đáp ứng các điều kiện theo quy định của luật về hoàn thuế nhưng mất 1-2 năm vẫn chưa được hoàn thuế là thực tế đang xảy ra. Biện pháp nhanh nhất giải quyết các hồ sơ hoàn thuế hiện nay là hoàn trước cho DN, còn nghi ngờ ai thì đi kiểm tra người đó. Đồng thời, áp dụng biện pháp hồ sơ hoàn thuế chậm đến đâu thì phải trả lãi cho DN đến đó. Không những vậy mà có quy định chịu phí phạt nếu để quá lâu. |
Lê Thúy