Từ lâu, đa phần DN Việt luôn đối mặt với một thực tế là các mặt hàng xuất khẩu tuy có sản lượng lớn nhưng giá trị kim ngạch mang lại chưa cao và kém hơn nhiều nước trong khu vực.
Đơn cử mặt hàng chè, dù là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya và Sri Lanka, nhưng thị phần chè của Việt Nam tại các nước nhập khẩu chiếm tỷ lệ khá thấp so với các đối thủ cạnh tranh. Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm chè của Việt Nam chưa cạnh tranh được về mức độ đổi mới sáng tạo trong chủng loại, chất lượng, mẫu mã.
Thất thế thị trường
Hay như mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà sụt giảm mạnh về giá trị, suy giảm tại nhiều thị trường. Điều đáng nói là cả nước chỉ có 18 DN chế biến hồ tiêu lớn, 12 nhà máy xử lý bằng công nghệ hơi nước và 01 nhà máy xử lý bằng khí Ethylene oxide, cho nên chỉ có khả năng xử lý khoảng 30% sản lượng xuất khẩu.
Do thiếu đầu tư công nghệ mới và chậm đổi mới sáng tạo, phần đông DN trong ngành hồ tiêu nội địa còn lại chủ yếu gia công sơ chế tiêu thành phẩm bằng dây chuyền tách tạp chất và phân loại sản phẩm trước khi xuất khẩu. Điều này dẫn đến giá xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam không chỉ thấp mà còn dễ bị ép giá trên thị trường quốc tế.
Với kim ngạch xuất khẩu của DN FDI, vốn vượt trội về đổi mới sáng tạo công nghệ mới, hiện chiếm khoảng 71% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước đã cho thấy sự thất thế trên thị trường xuất khẩu của các DN nội như thế nào.
Thông tin Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) vừa qua công bố bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) 2017 đã gây nên sự chú ý cho Thủ tướng Chính phủ khi Việt Nam vượt 12 bậc so với năm 2016, vươn lên xếp thứ 47/127 quốc gia, nền kinh tế.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, làm rõ nguyên nhân nào đã góp phần đưa Việt Nam tăng 12 bậc.
Đồng thời bộ này nên đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo trong thời gian tới Thực ra, với hơn 95% DN của Việt Nam là DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nên việc tập trung cho đổi mới sáng tạo công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều DN Việt Nam làm ăn phi công nghệ, 45% DN có công nghệ trung bình thấp, chỉ 8% DN có trình độ công nghệ trung bình và khoảng 2% DN có trình độ cao.
Theo lưu ý từ nhóm nghiên cứu của USAID và Ban Kinh tế Trung ương, cũng nên xem lại một số chỉ số đổi từ Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2015 – 2016 để hiểu được thất bại thị trường có phải là rào cản đối với những hoạt động đổi mới sáng tạo của các DN Việt Nam hiện nay không.
![]() |
Đầu tư công nghệ mới và đổi mới sáng tạo là điều kiện sống còn cho DN Việt hướng đến xuất khẩu
Điều kiện sống còn
Báo cáo này cũng ghi nhận xếp hạng các hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thấp nhất trong 10 quốc gia Đông Á. Thực chất là thấp hơn rất nhiều so với nhóm dẫn đầu gồm: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Malaysia, và thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Philippines và Thái Lan.
Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) thuộc Viện Kinh tế và Quản lý Tp.HCM, hoạt động đổi mới sáng tạo là điều kiện tiên quyết nếu muốn tồn tại của các DN Việt hiện nay.
Theo ông Dũng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến tất cả DN Việt cùng toàn bộ chuỗi cung ứng của họ, từ xuất xứ hàng hóa đến bao bì đóng gói; từ chất lượng đến thương hiệu; từ hiệu quả dồn lực khai thác tài nguyên đến khai thác trí tuệ, vấn đề sở hữu trí tuệ đến đổi mới sáng tạo, tạo sự khác biệt và giá trị gia tăng cho khách hàng.
Về mặt lý thuyết, có thể kỳ vọng rằng việc DN chi càng nhiều cho nghiên cứu phát triển hay đổi mới công nghệ sẽ khiến DN nâng cao được năng lực cạnh tranh và tăng trưởng tốt hơn trong những năm tiếp sau.
Khảo sát các DN xuất khẩu của Việt Nam gần đây cho thấy những ngành chi nhiều nhất cho đổi mới công nghệ và R&D lại nằm trong nhóm có mức tăng trưởng thấp (thuốc hóa dược, thiết bị điện, máy móc chuyên dụng hay chế biến cà phê).
Trong khi đó, những ngành có mức tăng trưởng cao (từ 40% trở lên) lại là những ngành có chi phí R&D và đổi mới công nghệ thấp nhất hoặc bằng không (chế biến thực phẩm, điện tử, dệt may).
Nghiên cứu mới đây của Văn phòng Hoạt động Giới chủ của ILO cho thấy ngành điện tử ở Việt Nam, với sự hiện diện của hàng loạt công ty đa quốc gia (điển hình là Samsung), là ngành có mức độ đổi mới công nghệ tại các DN trong nước rất thấp.
Báo cáo khảo sát nhận định, DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị thường chỉ được thấy ở những ngành có công nghệ thâm dụng lao động và có tốc độ thay đổi công nghệ thấp như dệt may, trong khi ở những ngành có hàm lượng công nghệ cao như điện tử, việc hình thành các liên kết là rất ít.
Như khuyến nghị của chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt xuất khẩu, các DN nội địa buộc phải đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ mới, tư duy sáng tạo mới và hàm lượng chất xám cao với thái độ kiên quyết trong chuỗi đầu tư của mình.
Thanh Loan