Mới đây, ba tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam đã ký hợp đồng với một nhà cung cấp công nghệ Blockchain – một công nghệ "chìa khóa" cho chuyển đổi số, nhằm tối ưu tất cả quy trình sản xuất cũng như đề cao được tính minh bạch của sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường.
Trông người mà ngẫm đến ta
Theo đó, công nghệ số sẽ giúp các tập đoàn này truy xuất nguồn gốc thực phẩm ở thời điểm hiện tại, nhất là đảm bảo được việc theo dõi nguồn gốc một sản phẩm nào đó theo thời gian thực. Khi áp dụng vào thực tiễn trong chuỗi cung ứng sẽ thể hiện khả năng hiển thị minh bạch, tối ưu hóa quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc gần như tức thời.
Ông Vũ Trường Ca, đại diện của một nhà cung ứng công nghệ chuyển đổi số cho sản xuất nông nghiệp, cho biết công nghệ chuyển đổi số sẽ giúp các DN trong chuỗi cung ứng có thể "dự đoán" được khi nào sản phẩm đến nơi, sẽ có trạng thái như thế nào…, qua đó tối ưu hóa được toàn bộ quy trình.
"Dữ liệu trong công nghệ số cung cấp cho DN là hoàn toàn minh bạch và được cập nhật gần như tức thời, nên khi cần có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm gần như mọi thời điểm và ở bất cứ đâu", ông Ca chia sẻ.
Còn theo ông Hà Đức Long, Kỹ sư trưởng thiết kế công nghệ Blockchain, việc đưa công nghệ số vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là liên quan đến thực phẩm, sẽ giúp Nhà nước dễ dàng quản lý hơn, tạo ra một hệ sinh thái xoay quanh an toàn thực phẩm, đồng thời phía DN sẽ tiết kiệm được chi phí quản lý dữ liệu hiện tại.
Có thể thấy, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang chủ động nắm bắt nhanh xu hướng chuyển đổi số, không chỉ trong công nghiệp mà cả trong nông nghiệp.
Trong khi đó, cuối tuần qua, tại hội thảo về đề xuất nghiên cứu và ứng dụng Blockchain vào lĩnh vực nông nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ tổ chức, có ý kiến cho rằng việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới ở các DN tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa được như mong muốn.
Giới chuyên gia nhận định, các công nghệ thông minh, tiên tiến góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh hàng hóa…, nhưng nhiều DN ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa áp dụng rộng rãi, phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại còn chậm được chuyển đổi theo công nghệ mới hoặc công nghệ chuyển đổi số.
Việc thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết đối với các nhà sản xuất nội địa hiện nay |
Nguy cơ biến mất khỏi thị trường
Trong khi đó, tại hội thảo về "chuyển đổi số trong sản xuất" do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp.HCM tuần qua, ông Huân Trần, Cố vấn kỹ thuật số của Microsoft khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), cho rằng nhiều DN nội vẫn chưa sẵn sàng cho xu hướng chuyển đổi số, việc chuyển đổi với họ dường như còn nhiều rào cản. Điều này đòi hỏi những bước đi tiên phong từ phía lãnh đạo DN, khi đó cơ hội mới sẽ mở ra.
Theo các chuyên gia, trong việc ứng dụng về chuyển đổi số, nếu các DN Việt Nam không chuyển đổi kịp sẽ nhanh chóng bị thua. Thậm chí nếu chỉ đứng ngoài nhìn DN khác chuyển đổi thì chỉ trong vòng 5 năm nữa có thể sẽ biến mất.
Việc thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết đối với các nhà sản xuất nội địa hiện nay. Thực tế đã cho thấy những DN tiên phong trong hành trình chuyển đổi số có chi phí giảm, còn năng suất, lợi nhuận tăng 13% – 17%.
Điển hình như Tập đoàn thủy sản Minh Phú đang bắt đầu thử nghiệm chuyển đổi số trong sản xuất. Theo DN này, chi phí đầu tư không phải là rào cản, thậm chí có những phân đoạn sản xuất, việc chuyển đổi số đã giúp tiết kiệm so với phương thức sản xuất truyền thống.
Chẳng hạn, hệ thống giám sát nước thải trước đây tốn 2 – 3 tỷ đồng cho một thiết bị đo, trong khi nếu sử dụng thiết bị ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ tốn 5.000 USD. Cùng với các chi phí khác để vận hành, công nghệ mới, hay còn gọi là chuyển đổi số vẫn rẻ hơn nhiều.
Trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ. Trong bối cảnh số hóa, chuyển đổi số, các công nghệ mới, tự động hóa, robot… phải được các DN Việt chủ động ứng dụng nhanh chóng.
Tuy nhiên, như chia sẻ của Gs.Ts Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John Von Neumann (Đại học Quốc gia Tp.HCM), hạ tầng số cho việc chuyển đổi số của các DN trong nước vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu các DN trong nước muốn chuyển đổi số cho sản xuất thì từng DN phải xây dựng được hạ tầng số cho chính DN mình…
Thế Vinh