Kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố trong tháng 10/2024 cho thấy một trong ba trở ngại lớn nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp (DN) châu Âu là khó khăn trong việc xin giấy phép.
Nhiêu khê xin giấy phép tuyển chuyên gia nước ngoài
Như thống kê từ khảo sát này, có đến 66% DN hiện đang sử dụng từ 1% đến 9% nhân viên là người nước ngoài, trong khi 6% DN có trên 20% nhân sự là người nước ngoài. Mặc dù các DN thể hiện mong muốn khai thác tối đa tiềm năng từ nguồn lao động trong nước và quốc tế, họ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tuyển dụng lao động Việt Nam.
Không ít nhà đầu tư FDI than phiền việc xin phép tuyển dụng chuyên gia nước ngoài vẫn còn nhiêu khê, chậm trễ. |
Trong khi đó, đối với các chuyên gia nước ngoài, theo EuroCham, có những thách thức chủ yếu đến từ quy trình xin visa và giấy phép lao động phức tạp, quy định lao động nghiêm ngặt và chi phí liên quan cao, kèm theo khó khăn trong việc xin các giấy tờ và phê duyệt cần thiết.
“Đặc biệt, vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có tới 1/3 số DN tham gia khảo sát cho biết họ đã trải qua những trải nghiệm không tích cực với hệ thống visa tại Việt Nam, khiến nhiều chuyên gia quốc tế quan ngại trong việc gia nhập thị trường lao động Việt Nam”, báo cáo của EuroCham nêu rõ.
Cũng liên quan vấn đề giấy phép lao động nước ngoài, tại buổi đối thoại mới đây giữa DN với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM, đại diện Công ty Mol Logistics Transportation Việt Nam bày tỏ băn khoăn việc muốn tuyển một chuyên gia người Nhật đang làm việc tại một công ty A ở Việt Nam (dự kiến kết thúc hợp đồng lao động vào cuối tháng 10/2024), thế nhưng qua tìm hiểu lại thấy rằng để hoàn tất tuyển dụng đòi hỏi người chuyên gia đó phải xuất cảnh rồi nhập cảnh trở lại Việt Nam thì công ty mới có thể bảo lãnh, làm thẻ tạm trú và thực hiện xin cấp giấy phép lao động.
Như thắc mắc của vị đại diện công ty này, liệu có cách nào khác cho vị chuyên gia người Nhật không phải xuất cảnh để công ty có thể làm thủ tục một cách hợp pháp.
“Hơn nữa, nếu vị chuyên gia người Nhật xuất cảnh rồi nhập cảnh trở lại, khi đó hồ sơ xin cấp giấy phép lao động sẽ phải có lý lịch tư pháp (việc này thực ra vị chuyên gia đã phải xin từ khi còn làm ở công ty A). Trong khi đó, nếu tính thời gian đến lúc công ty xin được giấy phép lao động vào khoảng 2 - 3 tháng (có thể là cuối tháng 12/2024 hoặc đầu tháng 1/2025), như vậy lý lịch tư pháp mà công ty nộp lên để xin cấp hồ sơ liệu có bị hết hiệu lực hay không ?”, vị đại diện Công ty Mol Logistics Transportation Việt Nam đặt vấn đề.
Hoặc như phản ánh gần đây của hãng Nike về việc chậm trễ đáng kể trong việc đưa lao động nước ngoài vào Việt Nam khi Tp.HCM (được cho là nơi duy nhất yêu cầu nộp hồ sơ xin giấy phép lao động theo từng đợt) yêu cầu DN chỉ có thể nộp hồ sơ xin giấy phép lao động sau khi các hồ sơ trước đó đã hoàn tất.
Nói về vấn đề giấy phép lao động cho các giám đốc điều hành và chuyên gia nước ngoài, ông Colin Blackwell, Trưởng Nhóm Nguồn Nhân lực VBF, cho rằng đây là mối quan tâm lớn đối với toàn bộ cộng đồng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đừng để giới đầu tư nản lòng
Theo ông Blackwell, qua phản hồi từ hơn 200 công ty châu Âu trong khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh của EuroCham cho thấy quy trình cấp giấy phép lao động tiếp tục là thách thức, đặc biệt là đối với các DN mong muốn điều chuyển các giám đốc điều hành và chuyên gia tới Việt Nam.
“Mặc dù Nghị định số 70/2023/NĐ-CP đã mang lại một số cải tiến, chỉ có 3% trong số DN được khảo sát báo cáo những thay đổi đáng kể trong quy trình cấp giấy phép lao động. Chúng tôi tin rằng có cơ hội để tinh giản các quy định về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam giúp quy trình này hiệu quả hơn và phù hợp hơn với các tiêu chuẩn toàn cầu, gần hơn với cách hoạt động của bộ phận nhân sự tại các công ty đa quốc gia”, ông Blackwell nói.
Và không riêng gì vấn đề giấy phép lao động, như lưu ý của Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại (ITWG) thuộc VBF, Việt Nam có thể thúc đẩy đáng kể đầu tư nước ngoài bằng cách đơn giản hóa và hợp lý hóa các thủ tục xin và gia hạn Giấy phép kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, những người có thể nản lòng vì các quy trình quan liêu phức tạp.
Đơn cử như thủ tục cấp phép để xin Giấy phép kinh doanh theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Theo Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại của VBF, cho đến nay, thủ tục cấp phép và thời gian để các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xin Giấy phép kinh doanh cho các ngành bao gồm bán lẻ, hoạt động cho thuê thiết bị và thương mại điện tử từ Bộ Công Thương vẫn còn rất phức tạp và tốn thời gian. Thông thường, việc này liên quan đến nhiều vòng nộp hồ sơ và trả lời câu hỏi với Bộ Công Thương và Sở Công Thương. Việc này có thể mất tới 12 tháng, thậm chí, có trường hợp phải mất 1 năm để có được Giấy phép kinh doanh phân phối bán buôn dầu nhờn.
Trước những bất cập trong vấn đề cấp giấy phép cho DN, vào trung tuần tháng 10/2024, nhân góp ý vào Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025-2030, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có chỉ rõ để hoạt động cắt giảm giấy phép thực chất, đề nghị phân tách riêng tỷ lệ mục tiêu của hoạt động cắt giảm giấy phép và tỷ lệ mục tiêu chuyển đổi hình thức cấp giấy phép.
Theo đó, VCCI đề nghị bổ sung trường hợp cắt giảm giấy phép, đơn giản hóa thủ tục cấp phép đối với các giấy phép không hợp lý, có thể chuyển đổi được từ hình thức “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Mặt khác, việc kéo dài thời hạn có hiệu lực của giấy phép sẽ góp phần giảm tải việc thực hiện thủ tục hành chính cho DN, tuy nhiên trên thực tế, qua rà soát văn bản, có nhiều loại giấy phép không cần thiết phải quy định thời hạn, cơ quan nhà nước có thể quản lý thông qua công cụ kiểm tra, thanh tra. Do vậy, VCCI đề nghị bổ sung thêm yêu cầu “kéo dài hoặc bãi bỏ thời hạn có hiệu lực của giấy phép”.
Thế Vinh