Mới nhất vào ngày 1/8, Bộ Công Thương đã hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) cần thẩm tra DN Nigeria do trong thời gian vừa qua có một số đối tượng ở quốc gia này giả mạo để lừa đảo DN Việt Nam.
Theo đó, để xác định được các DN là hợp pháp hay lừa đảo, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria đã hướng dẫn DN Việt cách thẩm tra mã số thuế (Tax Identification Number – TIN) của DN Nigeria.
Liên tiếp "mắc câu"
Ngày 31/7, Bộ Công Thương phát đi cảnh báo gửi tới các DN XK không giao dịch với công ty MACROTEX TRADING SL tại Tây Ban Nha. Công ty này liên quan đến công ty STE TOP ARABIC SARL A.U ở Maroc do người đứng tên giao dịch là Mohamed Tuhami mà Bộ Công Thương đã cảnh báo vài ngày trước.
Qua tìm hiểu, công ty MACROTEX TRADING SL là DN có duy nhất một người sáng lập và điều hành là ông Mohamed Tuhami. Tuy đăng ký kinh doanh tại Tây Ban Nha nhưng theo thông tin của Hải quan Tây Ban Nha thì không có tên DN như vậy trong số các nhà nhập khẩu nông sản vào nước này, có nghĩa đây chỉ là nhà môi giới mua hàng bán sang nước thứ ba.
Thương vụ tại Tây Ban Nha cho biết hồi năm 2016 đã có DN trong nước bán hàng cho công ty MACROTEX TRADING SL với phương thức thanh toán đổi chứng từ, sau đó khi hàng đã đến cảng Ceuta thì việc thanh toán rất khó khăn và chậm trễ.
Ngoài ra, giữa tháng 7/2018, một DN có tên GOLD NUTS tại Ceuta cũng do ông Mohamed Tuhami mới thành lập tháng 3/2018 có hỏi mua hạt điều từ DN Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi Thương vụ tìm hiểu và khuyến cáo yêu cầu điều khoản thanh toán chặt chẽ thì DN này không hồi âm nữa.
Vì vậy, các DN trong nước nên biết và tránh giao dịch với các công ty MACROTEX TRADING SL hay GOLD NUTS cũng như người giao dịch là ông Mohamed Tuhami.
Được biết, công ty STE TOP ARABIC SARL A.U do Mohamed Tuhami thành lập ở Maroc thường trực tiếp liên hệ hoặc qua trung gian để tìm kiếm DN XK ở các nước, trong đó có DN Việt Nam XK các mặt hàng nông sản như: Hoa quả đóng hộp, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gia vị…
Sau khi ký hợp đồng với phương thức thanh toán đổi chứng từ và bên bán đã gửi hàng theo cam kết, công ty này không lấy hàng, bỏ mặc hàng lưu kho với mức phí hàng ngày tại Maroc rất cao nhằm mục đích ép giá, gây thiệt hại và đẩy DN XK vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Các DN Việt cần nắm vững luật khi giao dịch xuất nhập khẩu với đối tác ngoại |
Thiệt hại vì không nắm vững luật
Đến nay, một số DN nước ngoài và một DN của Việt Nam đã gặp trục trặc do giao dịch với công ty STE TOP ARABIC SARL A.U với cùng một phương thức như đã nêu.
Thương vụ tại Maroc khuyến nghị các DN Việt cần lưu ý tìm hiểu, xác minh đối tác kỹ lưỡng, cũng như đàm phán các điều khoản hợp đồng chặt chẽ, nhất là điều khoản thanh toán cần đảm bảo tính ràng buộc để giảm thiểu rủi ro.
Còn trong vụ việc tại Nigeria, theo khuyến cáo của Thương vụ Việt Nam tại nước này, tình trạng lừa đảo tại Nigeria nói riêng và châu Phi nói chung, xảy ra thường xuyên.
Do đó, phía Thương vụ đề nghị DN trong nước không chuyển tiền trước, với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị. Ví dụ chi phí thủ tục xin mã số giấy phép xuất nhập khẩu, phí môi giới, phí luật sư…, đây là các hình thức lừa đảo.
Ngoài ra, đối với hình thức thanh toán, nếu ký hợp đồng xuất khẩu – nhập khẩu với các đối tác ở Nigeria, các DN Việt nên áp dụng hình thức "Thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (Irrevocable L/C, At sight), không dùng các hình thức thanh toán T/T, D.A, DAP.
Trong quá trình giao dịch, các DN cần đề nghị đối tác cung cấp tên và mã số thuế. Trong trường hợp không tìm thấy mã số thuế (TIN), Thương vụ khuyến cáo chấm dứt giao dịch, để tránh bị lừa đảo.
Cần nhắc lại, hồi đầu năm nay, Thương vụ tại Thái Lan đã nhận được một số đề nghị từ phía DN Việt Nam về việc hỗ trợ xử lý các vụ lừa đảo trong quá trình liên hệ và giao dịch thương mại với DN Thái Lan.
Nhiều DN Việt Nam tìm kiếm các nhà sản xuất, XK Thái Lan trên mạng internet và tiến hành giao dịch trong khi chưa xác minh đầy đủ thông tin về đối tác. Lợi dụng tâm lý chủ quan, ham rẻ và thiếu nghiệp vụ ngoại thương của một số DN Việt Nam nên đã xảy ra nhiều vụ việc DN Thái Lan lừa tiền đặt cọc của các nhà nhập khẩu Việt Nam và không chịu giao hàng.
Không phải là vấn đề mới, không phải DN không cảnh giác, nhưng rốt cuộc vẫn có DN Việt liên tiếp bị lừa khi làm ăn với đối tác ngoại.
Điều này đòi hỏi Bộ Công Thương cần chỉ đạo các cơ quan thương vụ ở nước ngoài tăng cường sự chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến XK của Việt Nam để giúp Chính phủ, các bộ ngành, hiệp hội và DN có phản ứng kịp thời.
Mặt khác, tự thân các DN Việt cần tìm hiểu kỹ thông tin qua các kênh khác nhau. Nếu công ty đối tác là thành viên của một hoặc vài tổ chức hay hiệp hội ngành nghề uy tín thì mức độ tin cậy có thể cao hơn do các hiệp hội hoặc tổ chức này thường xuyên rà soát kỹ tư cách hội viên.
Hơn nữa, khi đàm phán và ký kết hợp đồng với phía đối tác ngoại, các DN XK của Việt Nam nên có thói quen mời luật sư tham gia ngay từ khâu đầu tiên để tránh rủi ro về sau.
Thế Vinh