Tại hội thảo công bố "Báo cáo điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018" ngày 31/7, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trung bình mỗi năm, các cơ quan nhà nước ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh.
"Mỗi văn bản đó lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định. Như vậy, chỉ trong 6 tháng, cơ quan quản lý có thể đưa ra hàng chục ngàn quy định có tác động đến các DN", ông Lộc cho biết.
"Con số chỉ là con số"
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), các bộ phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) với yêu cầu "cắt giảm, đơn giản hóa". Tuy các phương án cắt giảm đều đạt mục tiêu nhưng khi xem xét chi tiết hơn của từng phương án, đôi khi "con số chỉ là con số". Trong một số phương án, có khá nhiều điều kiện được sửa đổi thay vì được bãi bỏ.
Có một số phương án đưa ra đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD nhưng thực chất chỉ là sự sắp xếp lại cách thức thiết kế ĐKKD về mặt hình thức mà không có một chút thay đổi nào về nội dung của ĐKKD nhưng cũng được tính ra các con số đơn giản hóa ĐKKD. Trong khi xét về bản chất, các điều kiện này gần như không thay đổi…
Chính vì vậy, nhiều quy định pháp luật vẫn hiện hữu dù DN liên tục kêu khó. Bà Trần Hoàng Yến, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết quy định bắt buộc muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt vẫn chưa được tháo gỡ.
Trong khi đó, theo bà Yến, việc tăng cường i-ốt có thể khiến thực phẩm biến đổi màu sắc, mùi vị…, chưa kể việc nhiều sản phẩm không thể xuất khẩu ra nước ngoài vì một số nước không chấp nhận, tuy nhiên nếu DN không sử dụng muối i-ốt lại vi phạm pháp luật Việt Nam.
Về kiểm dịch hàng hóa, mặc dù hải quan phân loại hàng hóa dưới ba luồng: luồng xanh (miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), luồng vàng (kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa) và luồng đỏ (kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa). Tuy nhiên, đối với mặt hàng thủy sản, 100% các lô hàng đều bị kiểm tra. "Thời gian chờ đợi của DN lâu hơn, chi phí lớn hơn và phải nói là DN rất khó khăn", bà Yến chia sẻ.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng nhiều văn bản pháp luật bất cập nhưng quan trọng là tư duy của người lãnh đạo có chịu đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm hay không. Hiện nay, nhiều lãnh đạo vẫn giữ tư duy tiền kiểm, cứ nói là quản lý rủi ro nhưng từ hạt muối đưa vào sản phẩm đến nhà máy, bát đũa, nồi niêu, xoong chảo đều bị quản lý!
Thời gian chờ đợi văn bản sửa đổi đủ để "giết chết" hàng vạn doanh nghiệp |
Chết mòn vì chờ đợi
Trong khi đó, một số văn bản đã được sửa đổi nhưng lại chậm ban hành. Ông Tuấn cho biết, Nghị định 109 về xuất khẩu gạo có nhiều ĐKKD ràng buộc về quy mô kinh doanh vượt quá mức cần thiết.
Năm 2017, Bộ Công Thương đã đăng tải công khai dự thảo Nghị định thay thế Nghị định này để lấy ý kiến DN, sau đó dự thảo Nghị định cũng đã được thẩm định tại Bộ Tư pháp từ cuối tháng 8/2017. Mặc dù vậy, cho đến hết tháng 6/2018, không rõ lý do gì mà Nghị định mới vẫn chưa được ban hành.
Hay việc DN kinh doanh khí liên tục chạy ngược chạy xuôi để phản ánh khó khăn từ cuối năm 2016 nhưng phải mất đến 27 tháng (ngày 15/6/2018), Nghị định 87/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 19/2016/NĐ- CP về kinh doanh khí mới được ban hành.
Trước sự sửa đổi chậm chễ này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng thời gian vài ba năm chờ đợi đủ để "giết chết" hàng vạn DN. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, có trên 64.000 DN thành lập mới, tăng 5,3% về số lượng DN, nhưng số DN tạm ngừng hoạt động cũng lên tới 52.803 DN, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước.
"DN chết là chết thật, trong khi DN đăng ký mới không biết đến bao giờ mới hoạt động "thật". Không cần chờ bị ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, các rào cản về thể chế trong nước có thể giết chết chính DN trong nước", bà Lan lo lắng.
Luật sư Trương Thanh Đức, công ty Luật Basico đánh giá, phong trào hô hào cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm ĐKKD thời gian qua phát triển rầm rộ nhưng chuyển động trên thực tế rất từ từ. Tốc độ cải cách chỉ đạt một nửa hy vọng, nhưng luôn có tư tưởng cải cách đã tốt rồi.
Ông Đức nhắc lại, Nghị định 109 về kinh doanh gạo được xem là phi thị trường mà đến nay Nghị định thay thế vẫn không được ban hành, thời gian sửa sai dài hơn tuổi thọ trung bình của đời người!
"Chúng ta phải tạo ra sức ép, chế tài, thúc ép các bộ ngành gỡ bỏ các rào cản trên", ông Đức nói.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, dẫn chứng Điều 4 (Nghị định 49 về quy định kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp) có đặt ra 5 điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, DN như: Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm…
Ông Hiếu nhận định, Nghị định này mới ban hành cách đây mấy tháng trong bối cảnh nỗ lực cắt giảm ĐKKD nhưng lại đưa thêm nhiều điều kiện như vậy là điều đáng phải suy ngẫm.
"Tôi cho rằng năng lực làm chính sách nhiều khi đang thiếu đi kỹ năng lớn nhất về kinh tế thị trường, thay vào đó là kỹ năng "copy" văn bản tương tự để tránh phải suy nghĩ quản lý bằng phương thức nào cho hợp lý", ông Hiếu nêu quan điểm.
Điều này cho thấy, việc cắt giảm ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành là việc không dễ, tuy nhiên ông Tuấn cho rằng khó mấy cũng phải làm. "Khó như dời một ngọn núi mà chúng ta cần mẫn nhặt đá hàng ngày thì chắc chắn sẽ dời được. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý có quyết tâm làm hay không".
Lê Thúy
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế Tại sao khó thay đổi? Vì xuyên suốt trong tư duy của cơ quan quản lý là mặc định DN phải sai phạm nên cần kiểm soát. Hệ thống quản lý trên sự nghi ngờ chứ không phải trên niềm tin, dẫn đến trình độ nhận thức, năng lực của cán bộ xử lý công việc cũng vậy. Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Điều kiện để tham gia kinh doanh vận tải hiện nay rất phức tạp. DN phải đăng ký kinh doanh với Sở KH&ĐT, xin cấp tuyến, phù hiệu với Sở GTVT… Chính những quy định này đang trở thành mảnh đất "màu mỡ" cho cán bộ công chức có cơ hội nhũng nhiễu gây khó khăn cho DN. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam DN vui mừng vì 50% ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được xem xét cắt giảm nhưng nhìn lại thì thấy nhiều khi không thực chất. Các Bộ ngành chưa làm "đều tay", cán bộ, chuyên viên còn "lạnh". Làm sao để quá trình cắt giảm ĐKKD phải là một đường thẳng liên tục và thực chất hơn. Đồng thời, việc cắt giảm là quan trọng nhưng kiểm soát quan trọng hơn. Nếu muốn tăng một ĐKKD nào đó thì phải giải trình và có sự giám sát của cả xã hội. |