Những tưởng sự hiểu biết của doanh nghiệp (DN) Việt với các FTA đã thực sự sâu rộng khi đã được nhắc đến rất nhiều trong những năm gần đây, thế nhưng kết quả điều tra xã hội học vừa qua với các DN xuất, nhập khẩu (XNK) cho thấy các DN hiện nay vẫn chưa chú trọng nghiên cứu về các FTA thế hệ mới cũng như những rào cản phi thuế quan, phi thương mại sẽ có những tác động lớn đến hoạt động XNK như thế nào.
Thách thức ngày càng gần
Theo Ts. Hà Công Anh Bảo (Đại học Ngoại Thương), qua khảo sát với 225 DN XNK, có tới 49% trả lời không biết hoặc chỉ hiểu rất ít về các FTA thế hệ mới. Chỉ có 20 DN biết rõ về các FTA, còn chủ yếu là biết một ít (103 DN) hoặc ở mức trung bình (88 DN).
"Đây là điều mà Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cần đặc biệt lưu ý để việc tuyên truyền và áp dụng FTA từ phía DN đạt được hiệu quả như mong muốn. Sau một thời gian dài đàm phán nhiều FTA thế hệ mới quan trọng, Việt Nam dần chuyển sang giai đoạn thực thi các cam kết của mình, nên thách thức là không nhỏ", ông Bảo nhấn mạnh.
Về vấn đề vận dụng các FTA vào hoạt động XNK của DN, có hơn 200 DN biết về các FTA thế hệ mới, nhưng chỉ có 124 DN là có vận dụng các FTA này. Theo ông Bảo, con số như vậy được cho là phù hợp khi một số hiệp định quan trọng và có thị trường lớn đối với Việt Nam như FTA Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn đang trong quá trình đàm phán hoặc chưa có hiệu lực.
Nguyên nhân được các DN phản ánh cho việc không vận dụng các FTA thế hệ mới cũng rất đa dạng: DN thiếu thông tin, cho là không cần thiết, cho rằng khối lượng giao dịch nhỏ nên không cần, trong đó có nhiều DN nêu ra lý do là đối tác không yêu cầu.
Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy một tín hiệu tích cực khi có một số ít DN lý giải việc không vận dụng FTA vì họ không đáp ứng được yêu cầu cũng như cho rằng các quy định phức tạp.
Tại Hội thảo "Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam: từ chiến lược tham gia đến thách thức khi thực thi" vừa diễn ra ở Tp.HCM, giới chuyên gia nhấn mạnh thách thức sẽ càng lớn hơn nếu các DN Việt – những chủ thể chịu tác động chính của FTA thế hệ mới, không hiểu và nắm rõ các quy định của các FTA này.
Chẳng hạn như quy tắc xác định xuất xứ hàng hóa phức tạp của EVFTA và CPTPP trong lĩnh vực dệt may, để được hưởng những ưu đãi về thuế quan của hiệp định, các DN xuất khẩu của Việt Nam bắt buộc phải hiểu rõ cách phân loại hàng hóa và đặc biệt là phải sử dụng vải được dệt từ sợi có xuất xứ từ các nước trong khu vực FTA.
Từ đó, các DN Việt Nam cũng phải linh hoạt điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với chuỗi cung ứng sản xuất và nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào.
Thách thức từ các FTA thế hệ mới với DN Việt Nam ngày càng đến gần |
Sớm có lộ trình thay đổi
Với CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019, theo bà Phạm Thanh Nga, thành viên Hội Luật Quốc tế Việt Nam (VSIL), một điểm quan trọng để hưởng thuế suất 0% là DN phải đảm bảo quy tắc xuất xứ, đảm bảo được mặt hàng đó đạt bao nhiêu phần trăm sản xuất trong khối.
Trong khi đó, rất nhiều ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày lại phần lớn nhập khẩu nguyên vật liệu từ các quốc gia khác (đặc biệt là từ Trung Quốc, châu Âu như Ý, Áo…).
Đối với thách thức của CPTPP trong hoạt động XNK hàng hóa, bà Nga bày tỏ lo ngại các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với các biện pháp tự vệ, chuyển tiếp đặc thù của Hiệp định, trong giai đoạn tối đa là 3 năm kể từ thời điểm CPTPP có hiệu lực.
"Vì thế, các DN cần nắm rõ những quy định của CPTPP, biết được rõ các điều kiện để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các loại biện pháp được áp dụng cũng như thời hạn được áp dụng", bà Nga lưu ý.
Theo bà Nga, nếu DN không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập thì tất yếu sẽ phải trả giá. Do đó, CPTPP rất cần được các cơ quan nhà nước, DN chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể chủ động ứng phó với thách thức.
Ts. Hà Công Anh Bảo cho rằng câu chuyện tận dụng lợi thế của các FTA thế hệ mới hay giảm thiểu những thách thức của các hiệp định này chắc chắn phải xuất phát từ sự thay đổi của chính các DN.
Theo ông Bảo, DN Việt Nam cần phải đặt ra lộ trình thay đổi cho phù hợp với các FTA, nhất là hướng tới các tiêu chuẩn của các nước phát triển, vì bản chất của các FTA thế hệ mới hiện nay mà Việt Nam ký kết hay các FTA trong tương lai đều hướng tới toàn cầu hóa những tiêu chuẩn như vậy.
Thế Vinh