Tổng công ty CP May 10 đang có kế hoạch mở rộng thêm 3 nhà máy mới tại Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình để đón cơ hội trong giai đoạn hậu COVID-19. Song điều lãnh đạo doanh nghiệp (DN) này lo ngại nhất là việc giá nguyên vật liệu xây dựng tăng "thẳng đứng" đang khiến chi phí đầu tư của DN gia tăng.
Cầm cự nguyên liệu
Không chỉ chi phí đầu tư, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10, chia sẻ chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào như xăng dầu, vải, phụ liệu, giấy... cũng tăng chóng mặt thời gian qua, "đè nặng" lên DN. Trước tình thế trên, nhiều giải pháp đã được DN đưa ra. Đơn cử, dự trữ nguyên liệu từ 3-6 tháng, siết chặt chi phí sản xuất. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, mang tính chất cầm cự.
Dự trữ nguyên phụ liệu là giải pháp mà nhiều DN đang thực hiện. |
Còn về giải pháp lâu dài, May 10 đang tập trung nâng cao năng suất lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm áp lực tăng giá thành. "Trong bối cảnh hiện nay, DN nào tăng giá bán sản phẩm thì rất khó duy trì khách hàng. Khách hàng có thể chuyển sang nhà cung cấp khác, thậm chí bỏ sang các quốc gia, lãnh thổ khác khi họ không tăng giá", ông Việt nhìn nhận.
Với các DN vừa và nhỏ thì bài toán này càng không hề đơn giản. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho biết, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang làm mất sức cạnh tranh của các DN trong việc giành khách hàng. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song không loại trừ trường hợp một số DN sản xuất nguyên phụ liệu tìm cách găm hàng để tăng giá bán, khiến các DN rất khó khăn.
Mặt khác, ông Mạc Quốc Anh cũng phản ánh tình trạng thủ tục hành chính về hải quan còn hạn chế, rườm rà đã ảnh hưởng tới quá trình nhập khẩu nguyên phụ liệu của DN. Trước tình trạng trên, bản thân nhiều DN trong hiệp hội đã tìm nhà cung ứng mới để có giải pháp thay thế nhà cung ứng cũ, nhưng giá thành sản xuất vẫn bị đội lên từ 10-12%.
Theo đó, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội khuyến nghị trong bối cảnh khó khăn kép như hiện nay, các DN cần chủ động thuê, xây dựng kho trữ nguyên phụ liệu, đồng thời cần ký kết hợp đồng mua bán nguyên phụ liệu có các điều khoản ràng buộc để đảm bảo bên bán không được tăng giá bán. Mặt khác, các DN cũng cần tìm kiếm, liên kết với các DN trong nước để cùng nhau giải bài toán nguyên phụ liệu. Đây là hướng đi đường dài.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 5/2021 đạt 13,82 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% (tương ứng tăng 73 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2021. Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 5/2021 tăng so với kỳ 2 tháng 4/2021 chủ yếu ở một số nhóm hàng như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 188 triệu USD, tương ứng tăng 9,9%; Vải tăng 56 triệu USD, tương ứng tăng 7,7%...
Như vậy, tính đến hết 15/5/2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 117,15 tỷ USD, tăng 34% (tương ứng tăng 29,69 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,21 tỷ USD, tương ứng tăng 26,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 4,27 tỷ USD, tương ứng tăng 33,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,27 tỷ USD, tương ứng tăng 49,8%... so với cùng kỳ năm 2020.
Vẫn... vướng cơ chế
Giá nguyên phụ liệu tăng khiến DN đã khốn khó, trong khi họ vẫn đang phải thu xếp tiền để nộp trước thuế đang là bất cập mà các DN dệt may, da giày cùng phản ánh những ngày gần đây. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) nêu một số khó khăn tại Nghị định số 18/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Cụ thể, đó là quy định đối với phương thức xuất nhập khẩu tại chỗ, DN phải nộp thuế nhập khẩu cho hàng hóa nguyên liệu mua của DN XK tại chỗ, sau đó làm thủ tục hoàn thuế sau khi hàng hóa được XK (tại chỗ) cho DN trong nước. Trước đó, Nghị định 134/2016/NĐ-CP không quy định việc nộp thuế này.
Theo bà Xuân, trong khi giá XK giảm hoặc không tăng, thì việc phải ứng trước khoản tiền lớn để đóng thuế nhập khẩu đối với hàng nguyên phụ liệu xuất nhập khẩu tại chỗ như trên đã gây áp lực rất lớn về tài chính và thủ tục hành chính cho các DN.
Theo tính toán của LEFASO, dự kiến năm 2021 ngành da giày XK hàng hóa trị giá 22 tỷ USD, trong đó giá trị tiền mua vật tư nhập khẩu tại chỗ là 3,3 tỷ USD (bằng 15%) và tiền thuế phải ứng cho vật tư nhập khẩu tại chỗ là 594 triệu USD, cùng với lãi vay ngân hàng để ứng nộp thuế trong 6 - 9 tháng ước tích là 23,76 triệu USD. Đây là một quy định hết sức bất cập và gây khó khăn cho các DN sản xuất hàng XK.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch bệnh COVID-19 có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước. Từ đó, các đơn vị đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường XK; hỗ trợ các DN tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất trong nước.
Có thể thấy sản xuất thì không thể để gián đoạn nên dù lỗ, DN cũng phải duy trì, tận dụng hết nguyên liệu tồn kho trong thời gian chờ diễn biến mới. Câu chuyện lỗ lãi vì không chủ động được nguyên liệu cứ lặp đi lặp lại, mỗi như vậy lại có nhiều DN không trụ được phải rời thị trường.
Điều này thiết nghĩ, Việt Nam không thể chậm trễ mãi trong việc phát triển nền công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ đạo, thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc, Hàn Quốc... Bởi nếu cứ mãi phụ thuộc như vậy thì các DN Việt Nam mãi rơi vào tình thế bấp bênh, nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Chánh Phương Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) Đơn hàng nhiều lại khiến ngành gỗ rơi vào tình cảnh phát triển nóng, cầu nhiều hơn cung. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu tăng mạnh, loại vật tư tăng giá nhẹ nhất so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra cũng vào khoảng 50%, khiến các DN phải dè chừng trong việc nhận đơn hàng. Ngành gỗ Việt Nam đang phát triển nóng, nhu cầu lớn dẫn đến chính các DN trong ngành phải tranh giành nguyên liệu với nhau, từ đó đẩy giá lên cao. Bà Phạm Chi Lan Chuyên gia kinh tế Dịch COVID-19 đã làm lộ rõ những bất cập ở nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam khi lệ thuộc nguyên phụ liệu vào một số thị trường bên ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN. Điều đó không chỉ đặt hàng hóa của Việt Nam trước những thách thức như bị trừng phạt thương mại vì nghi tiếp tay cho hàng trốn thuế, mà chúng ta cũng sẽ là bên chịu thiệt khi phía nước ngoài hưởng nhiều giá trị gia tăng nhất. Đã đến lúc cần sự phối kết hợp giữa bộ ngành, địa phương với DN nhằm khắc phục tình trạng này. Ông Lê Tiến Trường Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Với các DN sợi, nguyên liệu lên giá, thành phẩm xuống giá, do đó quản trị tồn kho nguyên liệu và nhất là kiên định mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang có 30-40% năng lực sản xuất phải phục vụ trong chuỗi cung ứng, kể cả trong và ngoài nước là giải pháp chính yếu. Điều này cũng cho thấy kịch bản thị trường phải tới năm 2023 mới quay lại như năm 2019, và có vẻ như đang có xác suất xảy ra cao hơn. Điều này khiến chưa có dự báo trung và dài hạn cho thị trường, mọi diễn biến đều đang xoay quanh trong chu kỳ 3-6 tháng và thị trường còn rất nhạy cảm với diễn biến dịch bệnh toàn cầu cả về phía cung và phía cầu. |
Lê Thúy