Những ngày này, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) không chỉ phải lo tìm kiếm đơn hàng mà đang phải thực hiện nhiều phương án để đối phó với dịch COVID-19 bùng phát tại địa phương.
Doanh thu lao dốc
Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Thọ, cho hay doanh nghiệp (DN) đã đưa ra từ 4 - 5 phương án khác nhau cho mỗi đơn hàng để đảm bảo các đơn hàng được thông suốt. Việc thực hiện các biện pháp chống dịch COVID-19 thì DN có thể làm tốt nhưng tìm kiếm đầu ra là bài toán không hề đơn giản. 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của DN đạt 1.498 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế chỉ đạt gần 31 tỷ đồng, bằng 54% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp dệt may đang trong tình cảnh "ăn đong từng bữa". |
Không chỉ Tập đoàn Hòa Thọ chịu ảnh hưởng, báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2020 của một số DN dệt may đều cho thấy doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước và đạt tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thấp hơn so với dự kiến.
6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến giảm gần 670 tỷ đồng, tương đương giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận giảm sâu chỉ bằng 7% so với kết quả cùng kỳ. Lượng hàng tồn kho tăng thêm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm do đối tác hủy, giãn đơn hàng.
CTCP May Sông Hồng, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần đạt 1.901 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 55% so với cùng kỳ. Chưa kể, DN này đang phải gánh khoản nợ lớn do đối tác từ New York & Company (đã nộp đơn phá sản tại Mỹ).
Đối với CTCP đầu tư và thương mại TNG, chỉ tiêu doanh thu quý II/2020 giảm 14% và lợi nhuận giảm nhiều tới 42% so với cùng kỳ 2019.
Tuy vậy, các doanh nghiệp dệt may đều cho biết, những tháng còn lại của năm 2020, kịch bản kinh doanh có thể xấu hơn do không còn sự "yểm trợ" của mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ chống dịch.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10, 6 tháng cuối năm 2020 là thử thách lớn đối với DN. Tới đầu tháng 8, May 10 vẫn chưa nhận được đơn hàng tháng 10 và tháng 11. Lẽ ra trong tình hình bình thường thì đơn hàng đến hết năm 2020 phải được khách hàng đặt hết vào thời điểm này. "Điều đó đẩy DN ăn đong từng tháng, từng tuần. Chúng tôi đã quyết tâm, bất cứ cái gì có thể đưa vào máy may, chúng tôi đều nhận. Miễn là có việc cho người lao động", ông Việt nói.
Khi đơn hàng thiếu, áp lực lên dòng tiền của DN ngày càng lớn. May 10 cho hay chỉ có thể trụ được đến hết quý IV/2020 nếu tình hình khó khăn vẫn tiếp diễn.
Doanh nghiệp cần tiếp sức
Tương tự, ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc Công ty May Đáp Cầu cho biết, dịch COVID-19 ập đến khiến sức mua giảm, nhiều khách hàng thân quen của DN huỷ đơn hàng, dẫn tới hàng tồn kho tăng nhanh.
"Để duy trì việc làm cho công nhân, chúng tôi buộc phải nhận những đơn hàng mới với giá rất rẻ mạt, giảm 30-40%, thậm chí 50% so với trước đây. Nhận những đơn hàng này chủ yếu để DN hoạt động, cầm cự qua ngày", ông Thăng chia sẻ.
Tình trạng "thắt lưng buộc bụng" duy trì sự tồn tại đang là tình cảnh mà hầu hết các DN dệt may gặp phải. Đại diện May 10, ông Việt kiến nghị: Để DN có thể tiếp tục duy trì sự tồn tại cũng cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, theo đó cần linh hoạt hơn trong chính sách hỗ trợ người lao động thông qua DN. Hãy hỗ trợ cho DN có khả năng vượt qua được khó khăn, có thể phục hồi nhanh sau đại dịch, tiếp sức cho DN để tiếp tục tạo được việc làm cho người lao động, chứ không chỉ hỗ trợ cho người lao động mất việc làm ở các DN đã phá sản.
"Hiện nay, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người lao động của Chính phủ không thể đến được với người lao động của May 10 bởi quy định phải chứng minh 50% người lao động thiếu việc làm", ông Việt cho biết.
Đồng thời, Tổng giám đốc May 10 kiến nghị trong thời gian đại dịch còn kéo dài nên hoãn đóng bảo hiểm xã hội hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm cần được dùng cho người lao động khi có rủi ro, COVID-19 hẳn là một rủi ro lớn và cần được bảo hiểm. Hiện nay, tiền bảo hiểm phải đóng chiếm tới 15-17% quỹ lương cho người lao động. Khi được miễn hoặc giãn đóng bảo hiểm thì đó cũng là nguồn tiền vô cùng quý giá DN trong lúc gặp khó khăn quá lớn này.
Mặt khác, Hiệp định EVFTA mới có hiệu lực được kỳ vọng sẽ giúp ngành dệt may thoát khỏi khó khăn, bật tăng trở lại ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế. Tuy vậy, vấn đề nguồn gốc xuất xứ vẫn là nút thắt với ngành này. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, dù giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn chiếm tỷ trọng tới 49% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước (tương đương 5,88 tỷ USD).
Vì vậy, các DN dệt may đề xuất, Nhà nước cần có khu công nghiệp được quy hoạch cho sản xuất công nghiệp dệt may, thu hút các DN dệt nhuộm vào đầu tư. Từ đó, sẽ giúp giải quyết bài toán nguyên phụ liệu hiện nay.
Ông Trần Tuấn Anh Bộ trưởng Bộ Công Thương Thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn như dệt may theo hướng bền vững hơn. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tận dụng được cơ hội từ EVFTA ngay khi dịch COVID-19 được khống chế. Ông Lê Tiến Trường Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Hiện nay, đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn. Những đơn hàng khẩu trang cũng đã đảo chiều, số lượng không nhiều trong khi giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất. Tập đoàn sẽ nỗ lực tối đa, bám chặt mọi cơ hội kinh doanh dù nhỏ nhất, chấp nhận sản xuất cả những mặt hàng chưa từng làm để hạn chế suy giảm. Ông Vũ Đức Giang Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Những khó khăn của ngành dệt may là rất lớn, sản xuất khẩu trang - vốn được xem là "cứu nguy" thì nay hầu như thị trường bão hòa không có nhiều đơn hàng mới. Doanh nghiệp dệt may đang ở trong tình cảnh cầm cự qua ngày, chưa kể dịch COVID-19 còn khiến thói quen tiêu dùng thay đổi. Điều này đòi hỏi, các doanh nghiệp dệt may dù rất khó khăn cũng phải nắm bắt xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới nếu muốn tồn tại. |
Lê Thúy