Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật, thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017.
Trong bối cảnh siêu bão Yagi tàn phá nặng nề gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất nông - thủy sản tại nhiều tỉnh thành, mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nghiên cứu Dự thảo và có công văn góp ý - đề xuất.
Các lồng nuôi của doanh nghiệp nuôi biển STP Group bị bão số 3 tàn phá. Ảnh: VASEP. |
Thiếu đối tượng quan trọng nhất
Góp ý khoản 1 Điều 4 "Đối tượng và điều kiện hỗ trợ" của Dự thảo, VASEP cho rằng cần bổ sung đối tượng doanh nghiệp. “Dự thảo đang thiếu đi đối tượng quan trọng nhất”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP nhận định.
Hiện tại, Dự thảo xác định đối tượng hỗ trợ là “Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (sau đây gọi là cơ sở sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh thực vật gây ra”.
VASEP nhận định, theo quy định pháp luật thì các chủ thể kinh tế là bình đẳng trước pháp luật. Hiện tại và tương lai, doanh nghiệp là một chủ thể không tách rời, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Doanh nghiệp nông nghiệp tham gia tích cực vào kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy việc làm, gia tăng sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm nông - thủy sản Việt Nam, đóng góp cho ngân sách địa phương và xã hội. Bởi vậy, khi có thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông - thủy sản nói chung thì doanh nghiệp hoàn toàn là một đối tượng phù hợp để thuộc danh mục đối tượng nhận hỗ trợ.
Thực tế, nhiều chính sách thực tiễn trong thời gian từ giai đoạn COVID-19 tới nay, đặc biệt gần đây nhất là Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão thì doanh nghiệp luôn là chủ thể bên cạnh người dân trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như “Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp…”; “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo…..rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh”; “Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,... đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật”...
Ngoài bổ sung đối tượng doanh nghiệp, VASEP cũng cho ý kiến về Điều 6 "Trình tự, thủ tục hỗ trợ thiệt hại”. Hiệp hội cho rằng Dự thảo mới chỉ đề cập đến việc ban hành quyết định hỗ trợ, chưa đề cập đến việc chi trả thực tế. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thời gian từ lúc ban hành quyết định hỗ trợ cho tới khi tiền đến tay cơ sở sản xuất bị kéo dài không xác định thời hạn.
Hiệp hội cũng cho rằng tổng thời gian để thực hiện tất cả các công đoạn tương đối dài, có thể lên đến 70 ngày là chưa phù hợp với mục đích hỗ trợ là giúp cơ sở sản xuất nông nghiệp sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc yêu cầu từng cơ sở phải nộp hồ sơ và thực hiện thủ tục riêng lẻ có thể sẽ phức tạp, tốn kém chi phí, kéo dài thời gian và mất nhiều cơ hội “khôi phục” cho cơ sở.
Doanh nghiệp thuỷ sản thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Theo VASEP, sau bão số 3, một số doanh nghiệp thủy sản tại hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng đã bị thiệt hại nặng nề. Hoạt động của nhà máy gần như tê liệt, các doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất. Hàng hóa không có nơi để bảo quản do bị mất điện, có nơi kho trữ lạnh không duy trì được nhiệt độ bảo quản hàng hoá. Ước tính sơ bộ tổn thất về của các nhà máy ít nhất là 300 - 400 triệu đồng, có nhà máy thiệt hại 1 - 2 tỷ đồng, thậm chí lên tới 100 tỷ đồng.
Lãnh đạo Công ty TNHH Việt Trường cho biết, công ty có 3 nhà máy thì 2 nhà máy thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và làm chậm thời gian giao hàng. Tổng thiệt hại của cả công ty khoảng 100 tỷ đồng.
Cụ thể, tại nhà máy số 2 của doanh nghiệp, có 5 xưởng sản xuất bị thiệt hại rất lớn: 2 kho xưởng bao bì, thức ăn viên bị bị tốc mái và đổ hoàn toàn, bao bì bị ướt hỏng toàn bộ; hệ thống mái và tường của các xưởng khác bị bong tróc và bay mái nhiều chỗ. Đặc biệt, hệ thống máy phát điện chính bị đánh hỏng hoàn toàn nên không có điện cho toàn bộ nhà máy.
Hệ thống ống hơi của lò hơi cũng bị bão đánh bẻ gãy. Nguyên liệu nhập khẩu về phải tạm lưu container, chấp nhận chịu chi phí lưu kho và điện cắm tại cảng vì điều kiện nhà máy không đảm bảo để đưa về.
Dự tính công ty phải ngưng sản xuất khoảng 20 ngày để thu dọn nhà máy, đảm bảo điều kiện ATTP nhà xưởng, chờ có đủ điện nước thì mới quay lại sản xuất được.
Còn doanh nghiệp nuôi biển STP Group có khu vùng nuôi của công ty tại Quảng Ninh bị đứt và trôi đi hết. Các thiết bị gắn tại lồng nuôi đều bị đánh chìm và không hoạt động được. Công ty cũng bị mất toàn bộ lưới neo, phù du, sinh vật, nhiều cá lớn cỡ khoảng 40 kg/con cũng bị trôi. Ước thiệt hại của công ty khoảng gần 10 tỷ đồng.
CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh ước tính thiệt hại cơ sở vật chất khoảng gần 2 tỷ đồng, chưa kể đến thiệt hại do công ty phải tạm dừng sản xuất 4 - 5 ngày để dọn dẹp toàn nhà máy và ảnh hưởng tiến độ sản xuất và giao hàng cho khách hàng.
Trước những thiệt hại nặng nề được ghi nhận dù mới là thống kê sơ bộ, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và ban soạn thảo Dự thảo Nghị định xem xét, tiếp thu các góp ý, đề xuất để bổ sung sửa đổi hợp lý nhằm tăng cường hiệu quả, ý nghĩa của công tác hỗ trợ, giúp các nguồn lực hỗ trợ đến được đúng đối tượng cần hỗ trợ và kịp thời khôi phục sản xuất.
Đỗ Kiều