Thống kê cho thấy, kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện mới chỉ đáp ứng khoảng gần 30% nhu cầu mua bán hàng hóa. Vì vậy, việc các chợ ở TP.HCM đóng cửa đã ngay lập tức khiến việc phân phối hàng hóa của địa phương này gặp rất nhiều khó khăn, xảy ra hiện tượng tăng giá, khan hiếm.
Cung - cầu nông sản gặp khó
Theo ông Điền Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, 80-90% nhu cầu nông sản, thực phẩm của người dân thành phố phải nhận cung ứng từ các tỉnh, do vậy sau khi các chợ đầu mối lớn trên địa bàn đóng cửa do có các ca nhiễm COVID-19, nguồn nông sản, thực phẩm cho thành phố bị thiếu hụt nghiêm trọng.
![]() |
Việc mở cửa chợ truyền thống ở TP.HCM là giải pháp cần thiết để đảm bảo nguồn cung hàng hóa. |
Các chuỗi siêu thị trên địa bàn thành phố chỉ cung ứng được khoảng 1/3 nhu cầu nông sản, thực phẩm của người dân, 2/3 lượng nông sản, thực phẩm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân qua chuỗi các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Khi các chợ này tạm đóng cửa đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung ứng. Hiện, một số chợ đã được mở lại để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, vừa qua, 2/3 chợ đầu mối nông sản lớn phải đóng cửa, dừng hoạt động nhằm đảm bảo công tác phòng chống lây lan dịch bệnh (chợ Hóc Môn dừng hoạt động từ ngày 28/6, và chợ Bình Điền dừng hoạt động từ ngày 6/7). Việc đóng cửa các chợ đầu mối nông sản lớn đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản các địa bàn lân cận.
Ông Hòa cũng cho biết, việc phân phối các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội, nhất là các chợ truyền thống. Cơ sở giết mổ nếu dịch xuất hiện thì việc buộc phải tạm ngừng giết mổ sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ và phân phối nguồn thịt lợn trên địa bàn các tỉnh, do nguồn tiêu thụ chính hiện nay là tại các chợ truyền thống.
Theo đó, mới đây UBND TP.HCM đã ban hành công văn khẩn về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch COVID-19. Bản thân người đứng đầu ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Bộ luôn giữ quan điểm cần mở lại chợ truyền thống, vì nếu chỉ trông chờ vào hệ thống siêu thị sẽ không đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vào 3 điều kiện để chợ hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh: “Chỉ bán hàng hoá thiết yếu bao gồm rau củ quả, hàng hoá tươi sống và thuốc men phục vụ đời sống hàng ngày của người dân; Thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn như thực hiện 5K, phát phiếu luân phiên, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng... và thực hiện tiêm vắc xin cho tiểu thương tại các chợ truyền thống”.
Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Có đến 9/10 người được hỏi (92%) cho biết, họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa hơn. Đó là do thói quen đã có từ lâu và vì cửa hàng tạp hóa có quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp nên giá hàng hóa rẻ.
"Hồi sinh" chợ truyền thống
Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chỉ phục vụ được 10% hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu, 90% nhóm hàng này là do các chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini đảm nhiệm.
Trước sức ép về phân phối hàng hóa ở TP.HCM những ngày gần đây, ông Phú cho rằng, cần rút ra những bài học về tổ chức tốt, hiệu quả hệ thống phân phối bao gồm các chợ dân sinh, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị… Đồng thời, chuyên gia này nêu quan điểm: "Chúng ta đều biết vai trò của chợ rất quan trọng, ngoài việc phục vụ bà con nghèo, thu nhập thấp thì chợ cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của các tầng lớp dân cư trong xã hội".
Tuy vậy, trong một số năm gần đây, ngành bán lẻ dường như đang dân "quên" chợ truyền thống. Theo đó, việc đầu tư và phát triển các hệ thống chợ vẫn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Từ đó dẫn đến cả nước chỉ có 15 - 20% là chợ loại I, còn lại là chợ loại II và III. Hạ tầng nhiều chợ cũng đã xuống cấp, tình trạng mái che mái vẩy nhếch nhác vẫn còn tồn tại ở một số chợ, văn minh thương mại không đảm bảo...
Do vậy, vai trò của Nhà nước trong việc quy hoạch, cải tạo và xây dựng phát triển chợ là vô cùng quan trọng. Đứng trước thực trạng trên, ông Phú cho rằng cần phải có những cơ chế chính sách thỏa đáng, hợp lý, mang tính khả thi để tiếp tục gây dựng lại bộ mặt của kênh thương mại truyền thống đang bị sa sút.
Ngoài chợ dân sinh phục vụ ở các địa bàn thì cần xây dựng một số chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố lớn, có nhu cầu tiêu thụ cao cả về số lượng và chất lượng. Chợ đầu mối còn góp phần kích thích những nhu cầu về đầu tư, du lịch của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
"Nếu chúng ta giải quyết được những vấn đề tồn tại trên cho hệ thống ở thị trường Việt Nam, chắc chắn sẽ góp một phần vào việc phát triển hệ thống phân phối của từng địa phương và từng vùng trong cả nước", ông Phú nhấn mạnh.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chợ truyền thống là môi trường thông thoáng nên nếu được tổ chức kiểm soát tốt, rủi ro lây lan dịch bệnh sẽ ít hơn nhiều so với môi trường máy lạnh, thường xuyên quá tải của các siêu thị, cửa hàng hiện nay. Bởi vậy, việc đóng cửa chợ truyền thống không phải là phương pháp hữu hiệu.
Đồng thời, liên quan đến chợ nông sản đầu mối, một chuyên gia lâu năm trong ngành thương mại cho rằng, đây là chợ của nhà sản xuất, do vậy phải tạo ra hệ sinh thái phục vụ cho các nhà bán buôn, tạo điều kiện cho người sản xuất bán được hàng. "Chợ của trang trại, HTX, hay nói cách khác là của các nhà sản xuất giỏi quy mô lớn chứ không phải chợ của thương lái. Nếu làm được điều này sẽ là kênh tiêu thụ bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam", chuyên gia này nói.
Nhật Linh
![]() |