Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 2/2019 giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống còn 28.000 – 28.500 đồng/ kg đối với cá tra loại I (700 – 900 gram/con). Nguồn cung cá nguyên liệu gia tăng sau kỳ nghỉ Tết trong khi đơn đặt hàng ở mức thấp khiến giá cá nguyên liệu sụt giảm.
Cá tra bị mất giá
Đặc biệt, những ngày gần đây, giá cá tra bất ngờ sụt giảm mạnh xuống còn 25.000 đồng/kg. Giá giảm cộng với việc thương lái không mua đang khiến người nuôi "đứng ngồi không yên".
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết cá tra là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, sự trồi sụt của giá cả mặt hàng này cũng khiến người nông dân nhiều phen lao đao.
Đỉnh điểm có giai đoạn giá cá tra sụt giảm xuống mức kỷ lục, trước khi nuôi cá có người khá, người nghèo nhưng sau khi nuôi đều nghèo giống nhau. Hai năm gần đây, giá cả đi lên, người nuôi bắt đầu đầu tư lại, song ba tháng nay, giá bất ngờ sụt xuống, rất bấp bênh.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đang cân nhắc phương án khuyến cáo bà con trong việc mở rộng diện tích nuôi, tránh tình trạng khi giá lên thì ồ ạt nuôi, sau đó giá rớt không kịp trở tay. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cho biết, khó khăn nhất chính là công tác vận động bà con nông dân.
"Cơ quan chức năng nói bà con đừng nuôi nhưng đất là của bà con, nhiều nông dân không chịu nghe mà cứ thấy có hiệu quả là đổ xô đào ao nuôi cá", ông Quang chia sẻ.
Nhìn lại quá trình phát triển của ngành cá tra thời gian qua, báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (XK) thuỷ sản Việt Nam (Vasep), cho hay sau năm 2000, ngành cá tra đã có những bước nhảy ngoạn mục bằng việc hình thành các vùng nuôi tập trung lớn ở các địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long…
Nếu năm 1997, thời điểm sơ khai của ngành cá tra, kim ngạch XK chỉ vỏn vẹn 1,65 triệu USD thì đến năm 2009 đã vọt lên 1,4 tỷ USD với sản lượng nuôi đạt 1 triệu tấn. Ngành cá tra chinh phục được những thị trường XK lớn, khó tính như Mỹ, EU.
Dù vậy, từ sau năm 2010, giá cá tra đã liên tục lao dốc, từ mức xấp xỉ 29.000 đồng/kg xuống chỉ còn 21.000 – 23.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ nặng, phải treo ao hoặc chuyển sang các loại thủy sản khác.
Trong năm 2017, 2018, giá cá tra lại hồi phục mạnh, có lúc đạt đến mức kỷ lục 36.000 đồng/kg, mang lại cho người nuôi nguồn lợi nhuận khổng lồ, từ 6.000 đến 10.000 đồng/ kg, dẫn đến người nuôi không ngại mở rộng diện tích.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, năm 2018 đã xảy ra tình trạng người dân mở rộng diện tích ương nuôi không dựa trên mối liên kết nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất cân bằng cung – cầu, có thể gây rủi ro cho người ương nuôi cũng như phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Thời gian qua, bên cạnh những cơ sở sản xuất giống có uy tín vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất giống sử dụng cá tra bố mẹ có chất lượng chưa đạt yêu cầu để cho sinh sản gây ảnh hưởng đến chất lượng cá bột và tỷ lệ ương nuôi.
Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thủy sản Trường Giang, lý giải giá cá tra đột ngột giảm mạnh là do thị trường Trung Quốc mua chậm, còn thị trường Mỹ năm ngoái nhập khẩu tăng đột biến (năm 2018, XK cá tra sang Mỹ đạt 549,5 triệu USD, tăng 59,5% so với 2017) nên lượng hàng tồn kho còn nhiều, dẫn đến giảm nhập.
Những tháng đầu năm 2019, giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm khiến người nuôi lao đao |
Làm sao để cạnh tranh?
Bên cạnh đó, sức hấp dẫn mạnh mẽ của ngành cá tra đã phát sinh nhiều đối thủ tiềm năng mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh đã nuôi thành công với tổng sản lượng đạt xấp xỉ của Việt Nam (trên 1,2 triệu tấn).
Các nước nuôi đạt sản lượng đủ lớn, rất có thể sẽ hình thành nên những nhóm hiệp hội ngành hàng để bảo vệ lợi ích của họ. Như vậy, họ sẽ đấu tranh dựng lên rào cản để bảo vệ lợi ích ngành hàng của mình khi Việt Nam gia tăng XK vào thị trường nước đó.
Bên cạnh đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng vừa đưa ra cảnh báo Liên hiệp Thủy sản Myanmar (MFF) cùng công ty TNHH Global Earth Public đang hoàn thiện dự án tại khu vực Ayeyawady để sản xuất cá da trơn cho XK.
Dự án bao gồm các trang trại nuôi cá, các nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy chế biến và kho lạnh. Dự án đang triển khai nuôi 6 triệu cá giống và hiện đang chuẩn bị 404ha để nuôi cá thành phẩm; tất cả cá sản xuất trong dự án nhằm mục tiêu XK.
Thị trường chính cho cá da trơn Myanmar là Trung Quốc, vì vậy trong thời gian tới, các doanh nghiệp (DN) XK cá da trơn Việt Nam sẽ gặp nhiều cạnh tranh tại thị trường này.
Trước thực tế trên, Vasep khuyến nghị các DN XK cá tra tăng cường liên kết tốt với người nuôi, chủ động hơn về nguồn cung nguyên liệu phối hợp với điều chỉnh cơ cấu thị trường, xây dựng kế hoạch XK bắt kịp xu thế tiêu dùng để từ đó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng một cách ổn định và đều đặn cho từng thị trường.
Các DN cần tiếp tục kiên trì giữ mức giá bán cao đã đạt được ở các thị trường để tiếp tục củng cố kim ngạch XK trong năm 2019 theo hướng sản phẩm tốt chất lượng cao, chú trọng giá bán cao hơn là tăng sản lượng XK. Bên cạnh giữ ổn định thị trường Mỹ, Trung Quốc…, các DN cũng cần quan tâm đẩy mạnh XK vào châu Âu.
Riêng với Chương trình thanh tra cá da trơn, theo đó cá tra nhập khẩu vào Mỹ phải đảm bảo được điều kiện chứng nhận tương đồng tại Mỹ, đòi hỏi các DN phải cập nhật và nâng cao vai trò kiểm soát chất lượng XK.
Mặt khác, Vasep cũng đề nghị Bộ NN&PTNT thắt chặt quản lý chất lượng cá tra theo đúng Thông tư 27 về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nghiêm về thuốc thú y, chất xử lý môi trường… nhằm giảm rủi ro sản phẩm bị nhiễm kháng sinh, các chất cấm trong khâu nuôi.
"Đề nghị các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương quan tâm chấn chỉnh hoạt động qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc mà Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị trong năm qua về gian lận thương mại, chất lượng thấp ảnh hưởng đến uy tín ngành thủy sản Việt Nam", Vasep cho biết.
Đặc biệt, Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng, Bộ NN&PTNT có cơ chế linh động để Quỹ phát triển thị trường được đưa vào hoạt động phục vụ chiến lược phát triển thị trường XK.
Bên cạnh đó, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết đa phần DN XK cá tra của Việt Nam hiện nay vẫn lấy thương hiệu dưới tên thương phẩm của DN, thậm chí chỉ đóng thùng XK cho nhà phân phối nước ngoài và không biết cá tra Việt sẽ mang tên ai, phân phối ở hệ thống siêu thị nào.
"Từ lâu, ai cũng biết thực trạng này nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn. Xây dựng thương hiệu, cuộc họp nào chúng tôi cũng đề cập nhưng đến nay vẫn vậy. Nhắc tới hãng xe Toyota, người dùng nhớ ngay tới nước Nhật, tuy nhiên nói tới cá tra ít ai nhớ tới Việt Nam trong khi cá tra Việt Nam đang XK tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới", ông Quốc chia sẻ.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị các DN sản xuất và XK cá tra phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đây là yếu tố quan trọng nhất để đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhà nước cùng với DN phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.
Lê Thúy
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep Để đẩy mạnh XK cá tra vào thị trường EU, Vasep sẽ tiếp tục vận hành trang web www.youreverydayfish.com và thông qua các mạng xã hội như Twitter, Facebook để cập nhật và quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam một cách chủ động đến với người tiêu dùng thế giới; mời các đầu bếp EU và các blogger của các trang ẩm thực nổi tiếng sang thăm Việt Nam và quay các clip hướng dẫn cách chế biến cá tra nhằm giới thiệu sản phẩm cá tra Việt Nam đến với người tiêu dùng thế giới. Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Ngành cá tra cần minh bạch và chia sẻ thông tin lẫn nhau để điều chỉnh tăng, giảm sản lượng khi cần thiết. Muốn vậy, trước tiên các DN phải hợp tác với trách nhiệm cho cả một ngành hàng chứ không phải cho riêng DN mình. Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Ngành cá tra phải quản lý chặt chẽ về chất lượng sản phẩm XK, không thể để mạnh ai người đó làm. Cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ NN&PTNT cần phải giám sát chặt chẽ điều này. Có như vậy mới tạo được sự đoàn kết, thống nhất quản lý giá chào bán của DN Việt Nam. |