Bắt đầu từ ngày 1/4, nhà máy lắp ráp, phân phối ô tô và xe máy của hãng Honda ở 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nam quyết định tạm ngưng hoạt động trong 2 tuần. Và việc tái khởi động dây chuyền sản xuất sẽ phụ thuộc diễn biến dịch Covid-19.
Tiêu thụ thấp, tồn kho lớn
Đây là hãng xe thứ tư tại Việt Nam ngưng tạm thời hoạt động sản xuất do ảnh hưởng dịch bệnh. Trước đó, từ ngày 26/3, hãng xe Ford Việt Nam đã tạm dừng hoạt động sản xuất, lắp ráp tại nhà máy ở Hải Dương.
Việc tạm dừng sản xuất của hãng này sẽ kéo dài khoảng vài tuần, tùy thuộc tình hình bệnh dịch, lệnh hạn chế của Chính phủ, tình trạng hoạt động của nhà cung ứng, nhu cầu của khách hàng và tình hình tồn kho của đại lý.
Hãng Toyota Việt Nam vào ngày 30/3 cũng thông báo tạm dừng sản xuất và chưa thông tin về thời gian sản xuất trở lại. Các đại lý của hãng này tại Hà Nội đã tạm thời đóng cửa các phòng trưng bày và xưởng dịch vụ.
TC Motor - hãng lắp ráp và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam, trong ngày 31/3 cho biết tạm ngưng sản xuất. Thời điểm cho việc tái hoạt động sản xuất của nhà máy TC Motor ở Ninh Bình dự tính vào giữa tháng 4 này với hy vọng dịch bệnh được khống chế tốt.
Ngành ô tô ở Việt Nam đang đối mặt khó khăn khi sức tiêu thụ thấp, tồn kho lớn. Số liệu thống kê cho thấy chỉ số tồn kho của ngành sản xuất xe có động cơ trong quý I/2020 đã tăng đến 122,5%.
Không chỉ với ngành ô tô, theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương, ước tính chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,9% so với mức 15,6% của cùng thời điểm năm trước.
Điển hình một số ngành hàng có chỉ số tồn kho tăng cao như sản xuất chế biến thực phẩm tăng 27,5%; dệt tăng 36,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 45,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 47,2%; sản xuất kim loại tăng 48,8%.
Ngành chế biến, chế tạo được cho là ngành chịu tác động nhiều nhất từ dịch Covid-19 với tốc độ tăng trong quý I/2020 chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2020, do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020.
Tính chung quý I/2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp ở mức 2,8% so với quý I/2019 (thấp hơn nhiều so với mức tăng 8% của quý I/2019). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2020 đạt 78,4% (cùng kỳ năm trước là 72,9%).
Các DN chế biến cần “bước lùi an toàn” trong giai đoạn này |
Tự bảo vệ mình
Một chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho biết một số ngành công nghiệp chế biến từ ô tô cho đến dệt may, da giày, đồ gỗ, thực phẩm... đều đang gặp khó ở thị trường đầu ra.
Có khá nhiều đối tác giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi. Điều này khiến cho các nhà chế biến gặp khó trong hoạt động sản xuất trong bối cảnh mà nguồn nguyên liệu sản xuất cũng bị gián đoạn.
Kết quả điều tra từ Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020 cho thấy có 42% số DN đánh giá là họ đang gặp khó khăn.
Trong khi đó, có 20,9% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 tốt hơn quý IV/2019 và 37,1% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Tuy vậy, sự lạc quan vẫn hiện diện trong khối chế biến khi kết quả thăm dò thể hiện có 38,8% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên trong quý II/2020 so với quý I/2020, trong khi chỉ có 25,9% số DN dự báo khó khăn hơn và 35,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Nhiều ý kiến cho rằng để ứng phó dịch Covid-19 đang diễn biến nóng như hiện giờ, các DN chế biến cần có những "bước lùi an toàn" để tự bảo vệ mình. Việc tạm ngừng sản xuất của một số hãng xe ở Việt Nam trong khoảng thời gian nhất định đã thể hiện điều đó.
Về mặt chính sách, như lưu ý của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Chính phủ cần những giải pháp trong ngắn hạn để hỗ trợ DN trong lúc khó khăn này, như giảm lãi suất ngân hàng, giãn nộp thuế, hỗ trợ một số ngành đang gặp khó khăn nhất.
Để có "bước lùi an toàn", các DN khối chế biến cần điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất kinh doanh trong giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay.
Đây cũng chính là cơ hội cho các DN chế biến thực hiện chiến lược tái cấu trúc DN theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nhất là cần tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng.
Đối với những DN lớn trong khối chế biến, có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành nhằm ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đây còn là cơ hội chuyển hướng số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, kinh doanh trực tuyến vào lĩnh vực chế biến.
Thế Vinh