Bộ trưởng Tài chính cho biết, thời gian qua Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cũng như phòng chống dịch bệnh với tổng mức khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
Riêng Nghị định số 52/2021/NĐ-CP đã giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp khoảng 115 nghìn tỷ đồng; Nghị định 92/2021/NĐ-CP giảm khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng. Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã huy động được gần 9 nghìn tỷ đồng.
Điển hình là chính sách giảm 30% thuế giá trị gia tăng, 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, 50% thuế các hộ kinh doanh; miễn phạt tiền chậm nộp cho các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ… nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Tập trung thu trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử, phát hành hóa đơn điện tử tránh hóa đơn giả, trốn thuế. Thu chuyển nhượng bất động sản, chống chuyển giá trốn thuế.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng nay 12/11. |
Về gói kích cầu nền kinh tế trong thời gian tới, ông Phớc nói: “Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất, mỗi năm khoảng 20 nghìn tỷ đồng, 2 năm là 40 nghìn tỷ đồng. Nếu hỗ trợ 5 năm thì chúng ta có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế. Sau đó, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, giảm bội chi cho giai đoạn sau”.
Về nguồn lực cho chương trình phục hồi kinh tế, ông Phớc cho biết đã tính tới các biện pháp, trong đó có việc phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc công trái bằng ngoại tệ để huy động tiền trong dân với số tiền khoảng 180.000 tỷ trong 2 năm.
“Tuy nhiên, chúng tôi hết sức băn khoăn khi tiền này tung ra thì nền kinh tế có hấp thụ được không, vào lĩnh vực nào. Tiền này chỉ đi vào nền kinh tế khi các dự án đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, tạo nên đột phá lớn nên chuẩn bị phải nhanh. Ngoài ra, cần lập dự án trong điều kiện đặc biệt mới tiêu được”, ông Phớc nói.
Bên cạnh đó, để gói kích cầu hiệu quả phải đồng bộ với chính sách tài khóa tiền tệ. Tiền cho vay để làm nhà ở xã hội, giải quyết việc làm cho lao động… tập trung vào hệ thống của Ngân hàng Chính sách xã hội. Còn tiền cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển thì vẫn thông qua kênh ngân hàng thương mại, huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Về việc phát hành công trái bằng ngoại tệ, trao đổi với VnBusiness nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế cần nguồn tiền cấp thiết, việc phát hành công trái ngoại tệ không chỉ giúp Chính phủ huy động được nguồn lực rẻ trong dân, mà người nắm giữ USD nhàn rỗi sẽ có lợi hơn thay vì "bỏ không" gây lãng phí như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi bởi lãi suất huy động sẽ là bao nhiêu cho phù hợp, nếu lãi thấp sẽ không hấp dẫn người dân, lãi suất cao có thể làm tình trạng đô-la hóa nền kinh tế quay trở lại.
Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng tham gia làm rõ nội dung đại biểu nêu về việc Chính phủ dự kiến bổ sung 2 tỉ USD cho các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để thực hiện chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Ngân hàng Thế giới cam kết với Chính phủ sẽ cho vay 2 tỉ USD và lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long.
"Tuy nhiên, 2 tỉ USD này không phải vay cho ngân sách, mà cho vay để đầu tư dự án. Muốn đầu tư dự án thì quy hoạch phải được phê duyệt, khi đó mới lập được dự án, tiếp được khoản vay và ký hiệp định vay"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và đề nghị cần lập dự án trong tình trạng khẩn cấp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để giải ngân được sớm.
Trước đó, trong phiên chất vấn chiều ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc bổ sung 2 tỉ USD cho Đồng bằng Sông Cửu Long là khoản đã được Chính phủ khóa trước cam kết đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng khu vực để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nêu rõ việc này liên quan tới nhiều vấn đề, như nhà tài trợ, quy trình, thủ tục pháp lý. Các bộ, ngành đang xem xét vấn đề thể chế pháp luật, cụ thể là tiếp cận theo dự án hay theo chương trình để tiến hành quy trình, thủ tục.
Thanh Hoa