Trong nhiều năm qua, Đức vẫn duy trì là quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đứng thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc). Theo thống kê của ITC Trademap, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đức là 2.550 tỷ USD (chiếm khoảng 67% GDP của Đức), trong đó xuất khẩu đạt 1.378 tỷ USD còn nhập khẩu đạt 1.172 tỷ USD.
Cơ hội lớn cho nông sản Việt
Đối với hàng nông sản, Đức vẫn là nước EU nhập khẩu nhiều nhất các sản phẩm rau quả tươi và chế biến (23,1 tỷ USD), chè – cà phê – gia vị (4 tỷ USD), thủy sản chế biến (1,65 tỷ USD), mật ong (274 triệu USD)…
Hạt điều là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng ở thị trường Đức. |
Trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng chung, thị trường Đức vẫn là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ. Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 2,12 tỷ USD, tăng 25,1% so với kỳ năm trước.
Theo ông Bùi Vương Anh, Thương vụ Việt Nam tại Đức, thời gian vừa qua, thị trường Đức nhập khẩu nông sản từ Việt Nam tăng tương đối cao so với giai đoạn trước COVID-19, nguyên nhân là do nhu cầu sản phẩm tương đối cao, đi kèm thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội, đưa thêm nhiều dòng sản phẩm sang thị trường Đức.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, Cộng hoà liên bang Đức được biết đến là một trong số những thị trường tiêu dùng “khó tính” nhất trên thế giới. Người tiêu dùng Đức thường rất kỹ tính, bảo thủ và trung thành với các thương hiệu quen thuộc.
Ông Volker Frirfrich, Chủ tịch Uỷ ban chuyên gia về ngoại thương của BMW và Giám đốc điều hành công ty GBP OnternationaSang, chia sẻ trước dịch COVID-19 ông đã từng sang Việt Nam nhiều lần, thưởng thức nhiều loại rau quả của Việt Nam và nhận thấy nông sản Việt có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang Đức.
Tuy nhiên, do Đức là thị trường khó tính nên ông Volker Frirfrich đưa ra lời khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu xuất khẩu hàng với số lượng ít sang thị trường Đức để rút ra các bài học kinh nghiệm, sau đó làm dần dần với số lượng tăng thêm. Bước khởi đầu thành công tốt đẹp sẽ tạo đà thuận lợi cho phát triển trong tương lai.
Thêm quy định mới từ tháng 1/2023
Đặc biệt, từ tháng 1/2023 tới đây, Đức sẽ đưa ra các quy định mới về tính phát triển bền vững trong mỗi sản phẩm. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chuẩn bị để đáp ứng các quy định mới này.
"Tôi xin khẳng định, nhu cầu thị trường Đức luôn rất cao, vấn đề là làm sao đảm bảo chất lượng sản phẩm, nếu đạt được thì nông sản Việt sẽ giành được lợi thế lớn và được khách hàng trả giá cao hơn", ông Volker Frirfrich lưu ý.
Tương tự, ông Claus Norup, Trưởng ban kinh doanh thủy sản đông lạnh, Công ty I. Schroeder Hambrg, cho rằng muốn xuất khẩu nông sản sang Đức thì giá cả phải ổn định, đảm bảo được những điều khoản đã được ký kết tại hợp đồng. Hợp đồng ký đầu tiên thì số lượng vừa phải, đảm bảo được thời gian giao hàng, chất lượng, sau đó sẽ tăng cường số lượng lên.
Theo ông Claus Noru, vấn đề quan trọng nhất là làm sao tạo được niềm tin với khách hàng, tránh tình trạng lô hàng trước tốt, lô hàng sau lại không đạt yêu cầu.
Ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, đánh giá tiềm năng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Đức đang rất lớn do nhu cầu tăng cao bởi đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine. Thời gian vừa qua, tất cả mặt hàng nông sản mà Việt Nam xuất khẩu sang Đức đều tăng, có mặt hàng tăng đến 30%. Đây là cơ hội để xuất hàng sang Đức có thặng dư tốt hơn.
Theo ông Long, hàng nông sản Việt vẫn đang có hạn chế là sản xuất nhỏ lẻ, hầu như đi thu gom nên chất lượng không đảm bảo, đồng đều. Việt Nam cần có các nông trường lớn để sản xuất những mặt hàng nông sản đạt được chất lượng cao.
Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam tại Đức và doanh nghiệp tại Việt Nam phải kết hợp chặt chẽ, nâng cao sản phẩm của mình làm sao để vào được Đức, đồng nghĩa với việc vào được tất các thị trường ở châu Âu, bởi Đức là thị trường rất rất khó tính.
"Người Việt tại Đức lên tới 225 nghìn người, đây là cơ hội tốt để kết nối, cầu nối đưa hàng Việt nói chung và nông sản sang đây. Đây cũng là con đường ngắn nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất để xây dựng thương hiệu nông sản Việt tại Đức", ông Long nói.
Thy Lê