Tại Tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” diễn ra chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ khi còn là lãnh đạo tỉnh, ông là người truyền thông việc đưa container xoài đầu tiên qua thị trường Mỹ. Kết quả còn thú vị hơn khi những trái xoài sau đó đã được bán với giá cao.
"Người Việt ở nước ngoài chụp ảnh xoài Đồng Tháp bán ở siêu thị nước ngoài. Sau đó, chúng ta cũng đã thấy thêm các loại quả khác như nhãn, vải, thanh long,..." Chứng kiến những hình ảnh đó, vị tư lệnh ngành nông nghiệp đã thốt lên "Vui thật, cảm xúc thật!" nhưng sau đó ông lại trầm ngâm "buồn lắm!"
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. |
Bộ trưởng buồn vì một lẽ, tại hội nghị trực tuyến với 27 Đại sứ ở Liên minh châu Âu vừa diễn ra hôm qua thôi, ông tiếp nhận thông tin là nông sản Việt bán sang thị trường châu Âu ít lắm, lâu lâu mới có vài thương vụ, đa phần bán ở cửa hàng người gốc Á như người Việt, người Thái Lan. Một Đại sứ ở EU đã nói rằng nông sản của Việt Nam mới chỉ đạt 1% trong tỉ trọng nhập khẩu nông sản của EU mà lại chỉ được bán ở cửa hàng gốc Á.
Trong chuyến công tác châu Âu mới đây với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng được nhiều Đại sứ phản ánh một thực tế là trái thanh long của Việt Nam chủ yếu bày bán ở các cửa hàng Thái Lan. "Nghĩa là chúng ta chưa đi con đường đàng hoàng mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro hoặc là bán trong cộng đồng người Việt", Bộ trưởng nói.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, cần đưa nông sản của Việt Nam vào được hệ thống phân phối chính quy của các nước thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia. Từ đó mới tạo được sức lan tỏa để người tiêu dùng biết đến.
"Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, phải có chiến lược hẳn hoi, phải mất nhiều năm nữa. Không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp mà nói là chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường," Bộ trưởng nói.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của hợp tác xã trong chuyển đổi nông nghiệp. Chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Chính hợp tác xã khi quần tụ với nhau mới đủ sức và là chỗ để Nhà nước hỗ trợ. Nhà nước không hỗ trợ qua các hộ cá thể nữa mà qua kinh tế tập thể.
"Đến một ngày nào đó với năng lực của mình, hợp tác xã sẽ ngồi ngang hàng với các doanh nghiệp để đàm phán những vấn đề liên kết. Còn từng hộ không thể ngồi đàm phán với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đang cần hợp tác xã nhưng nhiều khi bà con vẫn quen làm riêng lẻ.
Bộ trưởng Hoan mong muốn truyền thông đừng đẩy người nông dân thông qua hợp tác xã và các doanh nghiệp thành hai chiến tuyến. Sự hợp tác của người nông dân thông qua hợp tác xã sẽ trở thành một bi kịch nếu hai bên xem nhau là đối trọng chứ không phải đối tác của nhau. Như vậy, chữ hợp tác, liên kết sẽ không tồn tại.
Chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Chính hợp tác xã khi quần tụ với nhau mới đủ sức và là chỗ để Nhà nước hỗ trợ. Nhà nước không hỗ trợ qua các hộ cá thể nữa mà qua kinh tế tập thể.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI, nền nông nghiệp nước ta có nhiều bước chuyển mình quan trọng nhưng đến nay vẫn ở trình độ thấp so với thế giới, sản phẩm thô, chủ yếu gia công và phải nhập khẩu giống, phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu. Một số ngành có đến 80-90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài nên giá trị gia tăng nông nghiệp không cao; thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh và chưa vào được phân khúc cao thị trường.
Điều kiện tự nhiên nước ta có các vùng khí hậu, thổ nhưỡng, nên cần phát triển đúng theo phương thức thuận thiên, tận dụng các điều kiện để có các sản phẩm chất lượng cao hơn.
"Về xuất khẩu ra thế giới, công tác truyền thông tốt, nhưng chỉ qua vài hiện tượng nhỏ lẻ mà ảo tưởng là ta đã chiếm lĩnh thị trường thế giới, thương hiệu giá trị gia tăng, phẩm cấp cao là không đúng", ông Lộc lưu ý.
Như VnBusiness đã thông tin, tại Tọa đàm "Xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (thị trường EU) diễn ra mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Italia, bà Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Italia còn thấp, chỉ chiếm 1% thị phần ở đây. Theo đó, bà Huệ cho rằng cần có sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ rau quả lớn châu Âu, không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn giúp doanh nghiệp nhìn thấy được cung cách, quảng bá rau quả.
"Tôi biết các nước ở khu vực Mỹ Latinh, châu Phi, họ đã có rất nhiều gian hàng quốc gia hoành tráng ở thị trường châu Âu. Tại sao chúng ta không thể làm được như họ", bà Huệ chia sẻ.
Lê Thúy