Gần một năm ông Lê Minh Hoan đảm nhiệm cương vị Tư lệnh ngành nông nghiệp. Đây là thời gian khá thăng trầm của những người làm nông nghiệp trước ảnh hưởng chưa từng có bởi đại dịch COVID-19. Đó là khi mà dịch COVID-19 bùng phát, làm sao để giải quyết bài toán tiêu thụ hơn 300.000 tấn vải thiều, tiếp sau đó là việc tiêu thụ nông sản phía Nam và cung ứng thực phẩm cho TP.HCM; giá lợn hơi xuống thấp; rồi hàng nghìn container nông sản mắc kẹt ở cửa khẩu Lạng Sơn...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Bộ NN&PTNT xác định xây dựng chiến lược với tầm nhìn dài hạn, thay vì tiếp cận tư duy ngắn hạn trong vài năm". |
Có thể nói hàng loạt đầu bài đặt ra với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Ông Lê Minh Hoan nhận mình không phải là nông dân, cũng không biết làm nông nghiệp nhưng có thói quen là thường xuyên đi thực tế, gặp gỡ để nắm rõ người nông dân đang sản xuất thế nào, tâm tư nguyện vọng ra sao, mô hình hay nào có thể nhân rộng...
Một năm vượt khó
Qua một năm khá khó khăn với ngành nông nghiệp trước những tác động bởi đại dịch COVID-19, Bộ trưởng có chia sẻ gì?
- Có lẽ nhìn lại một năm qua thì thấy rõ nỗi ám ảnh nhất mà chúng ta gặp phải là đứt gãy chuỗi cung ứng từ sản xuất tới tiêu dùng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Điều này đã tác động tới ngành nông nghiệp cả đầu vào lẫn đầu ra. Về đầu vào, một cơn bão giá vật tư nông nghiệp từ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi đều tăng mạnh. Từ đó nói lên vấn đề, chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp thời gian qua chưa được chú trọng, cắt khúc giữa sản xuất với thị trường. Chúng ta chỉ đạo sản xuất là chủ yếu, chưa quan tâm tới thị trường, vì vậy chưa đầu tư logistics ở thị trường nội địa nên đứt gãy.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trực tiếp đi kiểm tra để lên kế hoạch tiêu thụ vải thiều khi dịch COVID-19 xảy ra. |
Bên cạnh đó, giá vật tư đầu vào nông nghiệp tăng cao do thế giới sau đại dịch rất chông chênh, đứt gãy cung ứng, các quốc gia tăng cường bảo hộ.
Điều này có nghĩa nông nghiệp dù đạt được sản lượng cao nhưng chi phí cũng không hề nhỏ. Tôi nói nhiều khi nhìn thẳng vào sơ đồ này, giá trị gia tăng không tăng tỷ lệ thuận với con số về xuất khẩu. Giá trị gia tăng không cao, thu nhập của người nông dân tưởng chừng tăng nhưng không tăng tương xứng với chi phí đầu vào.
Qua rất nhiều khó khăn như vậy, ngành nông nghiệp đã làm được những gì, thưa Bộ trưởng?
- Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT đã thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng ở khu vực đô thị, khu trung tâm công nghiệp, đảm bảo không bị đứt gãy bữa ăn. Chúng tôi đã lập ra Tổ công tác 970 phía Nam, hoạt động xuyên suốt tới bây giờ với nhiệm vụ kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đây là câu chuyện xử lý tình huống trong đại dịch, nhưng đồng thời Bộ cũng nhìn lại chuỗi cung ứng vì sao ùn, ứ, kết nối thị trường thế nào cho từng loại nông sản.
Chúng tôi thấy rằng thông tin kết nối thị trường vừa qua là bỏ ngỏ, người trồng cứ trồng, người mua cứ mua. Tôi hay dùng từ "nông nghiệp mù mờ thông tin" là ở chỗ đó. Qua các diễn đàn kết nối thì thông tin bớt mù mờ hơn.
Không để lúa chín đầy ruộng mới tìm thị trường
Năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ hướng tới nông nghiệp minh bạch thông tin sản xuất, thị trường, phục vụ quản lý điều hành của bộ chuyên ngành với tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; để hướng tới chuyển đổi số trong nông nghiệp, khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, vùng nguyên liệu với hệ thống phân phối (quy mô sản lượng, thời vụ, truy xuất nguồn gốc, nhu cầu thị trường).
Được biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Vậy, nông dân, hợp tác xã sẽ đóng vai trò thế nào trong chiến lược này, thưa Bộ trưởng?
- Bộ NN&PTNT xác định xây dựng chiến lược với tầm nhìn dài hạn, thay vì tiếp cận tư duy ngắn hạn trong vài năm. Điều này cho thấy, để phát triển ngành nông nghiệp không chỉ ở Bộ NN&PTNT mà còn liên quan tới nhiều bộ ngành, hàng chục triệu hộ nông dân, hàng chục ngàn doanh nghiệp và HTX. Chiến lược phải hội tụ 3 chủ thể là Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, hợp tác xã. Chiến lược phải đặt doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân, hợp tác xã là chủ thể chính.
Vừa qua, tôi sang châu Âu và khi tiếp xúc với các Đại sứ, tôi phát hiện ra xuất khẩu tăng nhưng thiếu bền vững, tự phát, chủ yếu là dựa vào sự năng động của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài đưa hàng sang chứ chưa có chiến lược, đề án bền vững xuất khẩu cho từng thị trường. Do vậy, nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu phân phối ở các cửa hàng người Á Châu chứ chưa thâm nhập vững chắc trên hệ thống.
Vì thế, khi chúng ta thấy giá nhãn hay giá vải thiều ở quầy kệ mà báo chí đưa tin lên tới hàng trăm nghìn đồng một kg, nhưng bản chất phí logistics chiếm phần lớn. Bà con nghe giá vậy thì háo hữu lắm vì nghĩ mình bán được giá, nhưng để tạo ra giá trị thực sự còn nhiều vấn đề phải làm.
Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án phát triển vùng nguyên liệu để xuất khẩu sang châu Âu gắn với xây dựng thương hiệu và sự tham gia của các doanh nghiệp logistics, để tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Bộ sẽ xây dựng liên minh, hiệp hội xuất khẩu với sự tham gia của cả doanh nghiệp logistics làm sao để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.
Tôi tin rằng với cách làm đồng bộ này thì kim ngạch xuất khẩu nông sản không chỉ dừng ở con số 48,6 tỷ USD đã đạt được trong năm 2021 mà cao hơn nữa thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng đạt được.
Vậy, mục tiêu năm 2022 mà ngành nông nghiệp hướng tới là gì? Sự chuyển hướng tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp sẽ được thực hiện thế nào?
- Năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ hướng tới nông nghiệp minh bạch thông tin sản xuất, thị trường, phục vụ quản lý điều hành của bộ chuyên ngành với tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; để hướng tới chuyển đổi số trong nông nghiệp, khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, vùng nguyên liệu với hệ thống phân phối (quy mô sản lượng, thời vụ, truy xuất nguồn gốc, nhu cầu thị trường).
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đi kiểm tra về thực tế ngành chăn nuôi lợn trước thông tin giá lợn hơi giảm mạnh. |
Chúng ta không để cảnh lúa chín vàng trên cánh đồng hay xoài, cam chín rộ rồi mới tìm thị trường, mà trước khi bắt đầu vụ đã cân đối, tìm kiếm thị trường kết nối.
Chúng ta cần thông tin tới một hệ thống phân phối là các doanh nghiệp thu mua để phục vục trong nước và xuất khẩu, cần thông tin trước để họ có thời gian chuẩn bị vốn liếng, kho bãi, hậu cần, thị trường. Đừng nghĩ thị trường là chợ, cứ đem ra bán thì có người mua.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đang đứng trước 3 "chữ biến" là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Tương lai không xa, sản phẩm nông sản Việt Nam không chỉ phải đáp ứng kiểm dịch an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn phải được dán nhãn sinh thái, và đây mới là khó khăn. Nông sản không chỉ phải ăn ngon, sạch mà phải được sản xuất theo quy trình không gây tác động xấu tới môi trường tự nhiên.
Vừa qua, tôi sang thăm đất nước Phần Lan. Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, hạnh phúc không chỉ ở sự giàu có, mà còn là tình yêu của người dân với thiên nhiên. Khi đi thăm khu rừng ở Phần Lan, tôi nhìn nụ cười, ánh mắt của anh quản lý rừng là tôi biết họ hạnh phúc, yêu thiên nhiên thế nào. Việt Nam cũng có rừng vàng, biển bạc, vì vậy chúng ta hãy sống hòa vào với thiên nhiên, cùng nắm tay để mở cánh cửa rừng của mình. Chúng ta cần chỉn chu từ công tác khuyến nông, thành lập HTX, trong đó khuyến nông cả thị trường cho bà con mình biết để phát triển sản phẩm dưới tán rừng và phát triển du lịch.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Thy Lê (thực hiện)