Sau kỳ điều hành ngày 11/8, giá xăng dầu đã có lần giảm giá thứ 5 liên tiếp, trong đó mặt hàng xăng E5RON92 giảm về mức 23.725 đồng/lít, xăng RON95 về mức 24.669 đồng/lít, tương đương với thời điểm tháng 10/2022. Lũy kế sau 5 lần giảm liên tiếp, xăng E5RON92 giảm 7.170 đồng/lít, xăng RON95 giảm 8.100 đồng/lít, dầu diesel giảm 7.510 đồng/lít.
Giá không giảm mạnh vì phải trích lập Quỹ
Tuy vậy, giá xăng dầu còn có thể giảm sâu hơn nữa nếu ngừng trích lập vào Quỹ Bình ổn giá. Ở lần điều chỉnh giá ngày 11/8, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục tiến hành trích lập Quỹ Bình ổn ở mức cao, mặc dù thấp hơn kỳ điều hành trước 100 đồng/lít với xăng và dầu diesel. Cụ thể, mặt hàng xăng ở mức 700-750 đồng/lít, dầu diesel 350 đồng/lít, dầu hỏa 650 đồng/lít và dầu mazut là 716 đồng/kg.
Ngoại trừ PVOil đang âm quỹ hơn 912 tỷ đồng, số dư Quỹ bình ổn giá tại nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã dương trở lại. |
Tính chung cả 5 lần giảm giá liên tiếp, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã trích tới hơn 3.500 đồng/lít với mặt hàng xăng; 2.800 đồng/lít với dầu hỏa và 1.900 với dầu diesel. Phân tích tại kỳ điều hành gần nhất 11/8, nếu liên Bộ không tiến hành trích lập, giá xăng đã có thể giảm tới 1.600-1.690 đồng/lít và dầu diesel cũng có thể giảm tới 1.350 đồng/lít, đưa giá các mặt hàng này về mức 22.000-23.000 đồng/lít.
Đáng chú ý, cơ quan điều hành vẫn tiếp tục trích lập vào Quỹ Bình ổn giá dù số dư Quỹ tại một số doanh nghiệp đầu mối lớn đã dương trở lại. Cụ thể, đến ngày 11/8, Quỹ Bình ổn giá của Petrolimex - nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước dương 437 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) là 226,9 tỷ đồng; Công ty CP hóa dầu Quân đội (Mipec): hơn 13 tỷ đồng; Công ty Nam Phúc: 14,6 tỷ đồng…
Trước thực tế trên, nhiều ý cho rằng đây là thời điểm thích hợp để xem xét, đánh giá bỏ công cụ Quỹ Bình ổn, để giá xăng dầu vận động theo đúng tín hiệu thị trường.
Mới đây, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá vì không còn phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, điều tiết giá hiện nay, trong đó có Quỹ Bình ổn xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, hiện thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; số lượng các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống lưu thông phân phối ngày càng tăng, hiệu quả ngày càng được cải thiện và thúc đẩy tính cạnh tranh trên thị trường kinh doanh xăng dầu; tâm lý người tiêu dùng đã dần thích ứng được với việc điều chỉnh tăng/giảm giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới.
Đồng quan điểm, Bộ Công Thương cũng nhất trí xem xét, đánh giá để bỏ công cụ Quỹ Bình ổn giá khi Nhà nước không điều tiết chi phí xây dựng thông qua giá cơ sở hoặc giá tham chiếu, hoàn toàn để các doanh nghiệp tự quyết định giá.
Cụ thể, góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Công Thương kiến nghị bỏ mặt hàng xăng dầu khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, và chỉ để mặt hàng này vào danh mục mặt hàng thực hiện bình ổn giá.
Cân nhắc về thời điểm bỏ Quỹ Bình ổn
Thực tế, những tranh cãi về việc nên hay không nên bỏ Quỹ Bình ổn giá liên tục được đặt ra trong nhiều năm liên tiếp. Nhiều quan điểm cho rằng việc bỏ Quỹ Bình ổn giá được chấp thuận thì rõ ràng giá xăng dầu của Việt Nam sẽ tiệm cận với thế giới, tăng – giảm theo hàng ngày. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bỏ thì đơn giản nhưng nếu không còn quỹ này thì giá xăng dầu sẽ được điều hành theo cách “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng”. Nếu giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, giá xăng dầu trong nước phải tăng với mức tương ứng.
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang xem xét bỏ Quỹ Bình ổn giá. |
Nêu quan điểm cá nhân, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng về bản chất Quỹ Bình ổn hoạt động theo cơ chế thu lúc giá xuống, sử dụng lúc giá cao để giảm bớt biến động của giá xăng dầu theo thị trường thế giới.
Tuy nhiên, mỗi lần thu chỉ có mấy trăm đồng/lít, nên quy mô Quỹ nhỏ, cao lắm chỉ được vài nghìn tỷ đồng. Nếu biến động ít, Quỹ còn có thể sử dụng được, tỏ rõ được vai trò nhưng biến động nhiều như hiện nay, tăng liên tục thì dùng không tác dụng gì cả.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương nhìn nhận Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không nên tiếp tục vì lấy tiền từ người tiêu dùng sau đó chi ra để bình ổn giá xăng dầu cho người tiêu dùng. Điều này chỉ có tác động khi giá cả biến động ít trong thời gian ngắn, còn biến động lâu dài sẽ ít còn tác động.
Tuy vậy, việc bỏ Quỹ bình ổn giá vào thời điểm nào cũng cần được xem xét kỹ. PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng cần xây dựng thị trường xăng dầu thực sự mang tính thị trường, có kho dự trữ đủ lớn để có thể điều tiết thị theo yêu cầu phát triển thì lúc đó mới có thể xóa bỏ quỹ này. Thời gian trước mắt, Quỹ bình ổn vẫn có tác động để ngăn chặn đà tăng sốc của thị trường, là công cụ chủ yếu của Chính phủ để “hạ nhiệt” giá xăng dầu khi công cụ thuế, phí hết thời giam miễn giảm.
Điều này cho thấy, rõ ràng cũng nên cân nhắc thật kỹ việc bỏ Quỹ bình ổn, đồng thời tiến hành thanh tra, rà soát đánh giá cụ thể việc sử dụng quỹ có hợp lý hay chưa để có quyết định chính xác.
Chưa kể, liên quan tới việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mới đây Bộ Công Thương cho hay các cơ quan chức năng đã thống nhất chuyển hồ sơ 2 doanh nghiệp không nộp số dư Quỹ vào ngân sách nước sang Bộ Công an để xử lý theo quy định.
Cụ thể, Công ty CP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P (số 32 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) chưa nộp số tiền hơn 21,7 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước và Công ty CP Dương Đông Hòa Phú có số tiền chậm nộp hơn 3,7 tỷ đồng.
Thy Lê