Tại buổi họp báo chiều ngày 16/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bản thân ông nhiều lần cũng muốn bỏ quỹ này nhưng không dễ.
"Nếu nói bỏ quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì đơn giản lắm. Tôi cũng nói nhiều lần, bỏ quỹ này để "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng", nhưng vấn đề tác động như thế nào thì phải xem xét. Nếu bỏ thì khi giá xăng dầu tăng sốc, giật cục tới 4.000 - 5.000 đồng sẽ phải làm thế nào?", ông Hải đặt vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ví quỹ Bình ổn giá xăng dầu như "hồ điều hòa", phần "tiết kiệm" để lúc cần thì bỏ ra. Ông dẫn chứng vừa qua, giá thế giới tăng mạnh nhưng ở trong nước tăng thấp hơn. Song quỹ thì có mức độ, do vậy không thể lạm dụng quỹ, bởi có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ông Hải cũng cho rằng, nếu bàn đến vấn đề bỏ quỹ thì cũng cần biện pháp nào bù để đảm bảo hạn chế thấp mức tăng giá tác động đến người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ có những ý kiến về vấn đề này.
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho hay việc này sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, sau đó sẽ đưa ra ý kiến về việc có nên bỏ hay không.
Tuy nhiên theo bà Nga, quỹ này thời gian vừa qua hỗ trợ nhiều cho việc giá xăng dầu không tăng sốc, tránh những cộng hưởng tăng giá.
Trước đó, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế sau hơn 9 năm thi hành luật. Theo Bộ Tài chính, hiện nay chỉ tồn tại quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.
Quỹ Bình ổn một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất thời gian qua trong việc điều hành xăng dầu. Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng nên bỏ quỹ này, bởi thực tế vừa qua giá xăng tăng sốc, quỹ không có tác động nhiều. Chưa kể, việc sử dụng quỹ này bản chất là người tiêu dùng tự bỏ "tiền túi" ra, trong khi nhiệm vụ bình ổn đáng lẽ nên của nhà nước.
Trước đó, từ 15 giờ chiều ngày 13/6, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng mạnh từ 800 - 2.630 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 tối đa là 31.110 đồng/lít; RON 95 là 32.370 đồng/lít; dầu diesel là 29.020 đồng/lít, dầu hỏa là 27.830 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ chi quỹ bình ổn với xăng là 100-200 đồng/lít, còn với các loại dầu là 300-400 đồng/lít.
Thy Lê