Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (Ảnh: Internet) |
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một dự án lớn, có công suất 1.200 MW, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư, hiện mới đạt khoảng 83% khối lượng, tiến độ.
Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh: "không có lý do gì mà chúng ta lại để thất thoát tài sản, thất thoát nguồn lực đầu tư lớn như vậy, nhất là khi dự án có điều kiện để hoàn thành".
Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải cứu dự án này, nhưng để làm được điều đó thì cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, với các Bộ, ngành liên quan và địa phương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất trong tháng 3/2019, Bộ Công Thương sẽ cử Đoàn công tác của Bộ về làm việc cụ thể với địa phương về những vấn đề phát triển kinh tế xã hội của tỉnh liên quan đến lĩnh vực công thương, trong đó có nội dung liên quan đến Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Thủ tướng ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc khuyến khích địa phương phát triển đa dạng các nguồn lực kinh tế cũng như sự tích cực trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để có hướng xử lý vướng mắc của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thời gian tới.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án nguồn điện được hưởng cơ chế đặc biệt trong Quyết định 2414 của Chính phủ ký ngày 11/12/2013. Quyết định này đã có hiệu lực 5 năm nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cho một số nội dung còn vướng mắc. Theo PVN, với tổng mức đầu tư lên đến 1,7 tỷ USD, mỗi tháng chậm tiến độ sẽ khiến đơn vị này mất hàng triệu USD tiền lãi phải trả cho các tổ chức tín dụng.
Thy Lê