Chiều ngày 30/3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2022. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin về nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới.
Nhập khẩu xăng dầu bị đội chi phí. Cụ thể, ông Tuấn cho rằng việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa đảm bảo nguồn cung nên đã dẫn đến thiếu hụt xăng dầu. Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo PVN, Nghi Sơn báo cáo tái khởi động sản xuất, đảm bảo giao hàng cho thương nhân đầu mối. Hiện nay, về cơ bản Nghi Sơn khởi động trở lại, nhưng Vụ Thị trường trong nước vẫn chưa nhận được báo cáo về sản lượng giao cho thương nhân đầu mối quý II tới.
Nguồn cung xăng dầu trong quý II sẽ phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. |
Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã yêu cầu thương nhân đầu mối đẩy mạnh nhập khẩu xăng dầu trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay việc nhập khẩu không thể ngày một, ngày hai là hàng về. Hai năm COVID-19 vừa qua, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chỉ nhập khẩu sản phẩm mà Nghi Sơn chưa đáp ứng được. Vì vậy, việc đàm phán nhập khẩu xăng dầu rất khó khăn, tốn thêm chi phí cho doanh nghiệp nhất là chi phí vận tải, vận chuyển.
Liên quan tới nguồn cung xăng dầu trong quý II, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ không tính tới lượng xăng dầu do nhà máy Nghi Sơn cung cấp. Bộ Công Thương đã giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối có kinh nghiệm, tiềm năng nhập khẩu xăng dầu để bù vào thiếu hụt của lọc dầu Nghi Sơn trong quý II.
Đầu tuần tới, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Nghi Sơn để bàn bạc kỹ xem nhà máy này cung cấp được bao nhiêu theo từng tháng, còn lại doanh nghiệp đầu mối phải chủ động nhập khẩu. Vì trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, việc mua xăng dầu không dễ, chưa kể phải xem mua ở đâu để rẻ vì còn liên quan tới chính sách thuế.
Còn điều hành giá, theo quy định 10 ngày một lần. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng có một điều chắc chắn là trong kỳ điều hành xăng dầu ngày 1/4 tới, thuế môi trường của xăng dầu giảm 50% sẽ hỗ trợ việc điều hành giá.
"Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh theo hướng có lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng", ông Hải nhấn mạnh.
Nhiều dự án được ký hợp đồng mua bán điện nhưng chưa vận hành thương mại. Bên cạnh điều hành giá xăng dầu, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) trả lời về kết luận việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà và trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Ông Hùng cho biết thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió. Riêng điện mặt trời có Quyết định 11, Quyết định 13, Thông tư 18 hướng dẫn triển khai điện mặt trời trên phạm vi toàn quốc. Sau khi có chính sách hướng dẫn, doanh nghiệp tham gia đầu tư rất nhiều dự án điện mặt trời.
Ông Hùng cho rằng chủ trương phát triển điện mặt trời là đúng nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm dần nguồn năng lượng từ hóa thạch, đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, thời gian ban hành các quyết định hướng dẫn có hiệu lực rất ngắn nên có xảy ra một số vi phạm với dự án điện mặt trời trên mặt đất, dẫn đến quá tải cục bộ ở một số địa phương.
Trước các vấn đề đã xảy ra, ngày 9/2/2021, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các tỉnh và EVN để kiểm tra rà soát một số dự án điện mặt trời. Theo đó, Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra điện mặt trời ở 10 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đoàn kiểm tra thứ 2 bị dừng. Do vậy, Bộ Công Thương có thông báo kết luận chính thức sau khi đoàn kiểm tra thứ 1 kết thúc điều tra.
Do không có nhiều thời gian, mỗi địa phương chỉ có 4 ngày, tại mỗi tỉnh chỉ kiểm tra xác suất một số dự án và chỉ kiểm tra điện mặt trời trên mái nhà là chính, tuy nhiên ông Hùng cho biết vẫn phát hiện hiện tượng quá tải lưới truyền tải, một số dự án bị sự cố gây quá tải đường dây...
Theo ông Hùng, tại thời điểm kiểm tra cũng phát hiện một số dự án được ký hợp đồng mua bán điện nhưng chưa vận hành thương mại. Đơn cử như ở Ninh Thuận, 17 dự án được ký hợp đồng nhưng có dự án đến thời điểm kiểm tra mới lắp được 1/2 số lượng tấm pin, nguyên nhân là do chưa mua sắm lắp đặt được thiết bị.
Đồng thời, một số nhà đầu tư giải thích nguyên nhân là do tấm pin bị bão, thiên tai nên chưa kịp lắp được như ở Ninh Thuận. Hay Gia Lai, đoàn kiểm tra phát hiện thiếu nhiều tấm pin, nguyên nhân là do lỗi nhà sản xuất nên khiến tấm pin hư hỏng. "Chúng tôi chỉ biết ghi nhận hiện trạng vậy", ông Hùng cho biết.
Còn về trách nhiệm, ông Hùng cho rằng thời gian thực hiện các Quyết định về phát triển điện mặt trời còn ngắn nên dẫn tới nhiều sai phạm. Theo đó, sắp tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bên liên quan để đưa ra bài học kinh nghiệm.
Bổ sung thêm vấn đề trách nhiệm, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng trong thực hiện quy hoạch, phát triển năng lượng tái tạo còn tồn tại bất cập. Nhiều cơ quan có thẩm quyền vào kiểm tra, có kết luận.
"Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc thực hiện theo đúng kết luận để khắc phục các sai sót, tập thể hay cá nhân nào vi phạm, chúng tôi sẽ nghiêm túc xử lý", ông Hải nhấn mạnh.
Thy Lê