Đa số ý kiến đều cho rằng giải pháp trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh vừa phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, vừa bị ảnh hưởng bởi biến động trên thị trường thế giới hiện nay, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn
Trao đổi với VnBusiness, các chuyên gia cho rằng, quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường vừa được Quốc hội thông qua rất kịp thời trong bối cảnh sức khỏe của doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong giai đoạn này đang ốm yếu, cần hồi phục. Hơn nữa, giải pháp này cũng khả thi khi Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 rất khả quan.
Quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường vừa được Quốc hội thông qua rất kịp thời trong bối cảnh sức khỏe của doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong giai đoạn này đang ốm yếu, cần hồi phục |
Ông Hoàng Anh Tuấn (Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian này, gia đình tôi phải thắt chặt chi tiêu do xăng dầu tăng giá. Khi có thông tin thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này sẽ giảm 50% còn 2.000 đồng/lit, tôi hy vọng giá xăng trong kỳ điều hành sắp tới sẽ giảm và kéo giá các mặt hàng tiêu dùng, giá lương thực, thực phẩm đi xuống để cuộc sống của người dân ổn định”.
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu không chỉ có ý nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, mà còn góp phần giảm bớt tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng mạnh lên các chương trình phục hồi kinh tế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho hay: "Chúng tôi cho rằng, mức giảm tăng lên có thể giúp hoạt động kinh doanh tốt lên. Từ đó, người dân và doanh nghiệp lại nộp thuế vào ngân sách. Việt Nam cũng là một quốc gia xuất khẩu dầu thô nên bản thân nguồn thu tăng thêm từ việc giá xăng dầu tăng rất lớn".
Đối với các doanh nghiệp vận tải, việc giảm thuế cũng hỗ trợ phần nào khó khăn của họ. Hơn nữa, vận tải cũng là đầu vào của nhiều lĩnh vực khác, từ công nghiệp, thương mại đến du lịch.
"Với mức hỗ trợ này sẽ giảm chi phí xăng dầu được 600 nghìn đồng, góp phần giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn, đời sống của người lái xe cũng đỡ vất vả hơn", ông Dương Trí Thanh, Phó Tổng giám đốc G7 Taxi cho hay.
Đại diện VCCI đánh giá, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu không chỉ có ý nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, mà còn góp phần giảm bớt tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng mạnh lên các chương trình phục hồi kinh tế.
Cần giải pháp dài hơn
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tuy phương án trên là tích cực, nhưng việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần kéo dài, bởi việc giảm thuế chỉ kéo dài đến hết năm nay, trong khi giá xăng dầu liên tục biến động.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, hiện nay tổng thuế, phí trong 1 lít xăng dầu lên đến hơn 10.000 đồng, nên mức giảm 2.000 đồng chưa thấm tháp vào đâu. Vì vậy, cơ quan quản lý cần tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong giá thành xăng dầu. Đồng thời, chuyên gia này đề xuất cần có chiến lược xăng dầu, phải tổ chức lại nguồn cung, tăng cường dự trữ để chủ động về dài hạn.
Theo đại diện các cơ quan của Quốc hội, trong dài hạn, có thể cân nhắc giảm các sắc thuế khác như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… Đồng thời, nghiên cứu khả năng bổ sung công cụ cho Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bằng hiện vật, nhằm đa dạng hóa các công cụ điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn thị trường.
Tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, góp ý về dự án Nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, trong dài hạn, nên sử dụng các công cụ như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… để điều hành giá xăng dầu
Đề xuất việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới, Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc khả năng điều hành giảm thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) của mặt hàng xăng như một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục có biến động. Mức giảm thuế này sẽ được tính toán trên cơ sở đánh giá tình hình nhập khẩu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc, Singapore... và biến động giá thế giới.
Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý, kịp thời kiểm tra và có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước sử dụng đúng quy định đối với lượng xăng dầu dự trữ thương mại của doanh nghiệp.
Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị, ngoài việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền, Chính phủ cần nghiên cứu khả năng bổ sung công cụ cho Quỹ bằng hiện vật (xăng dầu) để đa dạng hóa các công cụ có thể sử dụng tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.
Thanh Hoa