Tối ngày 9/1, Bộ Công Thương có thông tin với báo chí chính thức về Dự thảo Nghị định, Dự thảo Tờ trình về việc sửa đổi bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu. |
Theo cơ quan này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trong đó giao Bộ Công Thương xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong tháng 01 năm 2023, bảo đảm tiến độ, chất lượng, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định.
Ngày 27/12/2022, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã họp và thảo luận một số nội dung sửa đổi các Nghị định nêu trên. Trên cơ sở ý kiến thảo luận, thống nhất của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Bộ Công Thương đã có báo cáo phân tích từng nội dung dự kiến sửa đổi, đưa ra các phương án sửa đổi cho từng nội dung, đồng thời phân tích ưu nhược điểm của từng phương án một cách khách quan.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Bộ Công Thương đã thay mặt Ban soạn thảo, Tổ biên tập lựa chọn các phương án dự kiến sửa đổi và đưa ra lấy ý kiến các đơn vị có liên quan.
Đối với nội dung phân công trách nhiệm điều hành giá xăng dầu, trong quá trình thu thập ý kiến các bên liên quan đã có 3 phương án được đưa ra, trong đó có phương án giao đầu mối thực hiện việc rà soát các chi phí và tính toán, điều hành giá xăng dầu cho Bộ Tài chính theo phân tích tại Dự thảo Tờ trình để đưa ra lấy ý kiến nhằm có thêm ý kiến góp ý, phản biện cho đề xuất này.
"Nội dung lựa chọn tại Dự thảo Nghị định và Dự thảo Tờ trình gửi xin ý kiến chưa phải là phương án lựa chọn cuối cùng của Bộ Công Thương để trình Chính phủ xem xét quyết định", Bộ Công Thương cho biết.
Sau khi có ý kiến góp ý của các đơn vị có liên quan và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý và đề xuất phương án lựa chọn phù hợp nhất, trình Chính phủ xem xét quyết định.
Trước đó, một điểm đáng chú ý tại dự thảo về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương lấy ý kiến kể trên là cơ quan này đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính.
Như vậy, không lâu sau khi Bộ Tài chính đề nghị chuyển đầu mối điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương, Bộ Công Thương lại nêu đề xuất ngược lại - chuyển về Bộ Tài chính để đúng chuyên môn, nhiệm vụ.
Bộ Công Thương cho rằng, xăng dầu là mặt hàng do nhiều bộ, ngành cùng quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được phân giao. Chẳng hạn, Bộ Công an quản lý về phòng chống cháy nổ xăng dầu, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu, còn quản lý nguồn cung và giá là Bộ Công Thương và Tài chính đảm trách...
Nếu giữ nguyên các quy định hiện nay về điều hành, quản lý với xăng dầu sẽ đúng với phân công nhiệm vụ của các Bộ từ nhiều năm qua. Tức là, trong điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn xác định các chi phí và công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở. Nhưng khi có vấn đề phát sinh, như thời điểm thị trường thiếu hụt nguồn cung cuối năm 2022, sự phối hợp giữa các bộ, ngành xử lý vấn đề trong điều hành chưa được chặt chẽ, lúng túng.
Vì thế, Bộ Công Thương đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.
L. Thúy