Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc là miền đất hứa cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, sự bùng phát của virus corona có nguy cơ kéo dài chuỗi sụt giảm của doanh số bán xe, làm trật bánh sản xuất khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị tê liệt.
Theo dự báo của S&P Global Ratings, tổng sản lượng các hãng xe toàn châu Á sẽ giảm khoảng 15% trong quý I/2020. Các hãng xe/tập đoàn có nhà máy sản xuất đặt tại Vũ Hán – tâm điểm dịch Corona, hoàn toàn bị đóng băng bao gồm GM, Nissan, Renault, Honda và PSA.
Khó hẹn ngày trở lại
Theo thông báo ngày 11/2 của Toyota được Reuters dẫn lại cho biết, tập đoàn này có 12 nhà máy sản xuất xe và linh kiện tại Trung Quốc do họ đồng xây dựng và quản lý với tập đoàn FAW và GAC Motor và toàn bộ số cơ sở này sẽ đóng cửa tới ít nhất 17/2.
Tuy nhiên, Toyota cũng chia sẻ thêm rằng, xét trên tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Trung Quốc, Toyota không thể chắc chắn việc có mở của nhà máy được đúng thời hạn hay không.
Thực tế, ban đầu Toyota chỉ định đình chỉ sản xuất tới hết 10/2 nhưng buộc phải kéo dài thêm 1 tuần vì corona vẫn đang hoành hành tại khu vực tỉnh Hồ Bắc – nơi không chỉ Toyota mà hàng loạt tập đoàn toàn cầu lớn khác có nhà máy địa phương.
Trước đó, Hyundai và Kia đều đã đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc, riêng Hyundai còn ngưng luôn hoạt động sản xuất tại Hàn Quốc do không đủ linh kiện xuất khẩu từ Trung Quốc sang. Suzuki thì đang cân nhắc dời hẳn nhà máy Trung Quốc sang các khu vực khác, trong đó có Đông Nam Á. FCA tuyên bố sẽ phải đóng cửa nhà máy châu Âu từ 2 - 4 tuần cũng vì nguyên nhân giống Hyundai.
Tesla thậm chí đã cho đóng cửa nhà máy tại Thượng Hải và chưa công bố thời điểm tái khởi động dây chuyền sản xuất ở đây. Bên cạnh những hãng xe chưa hẹn ngày sẽ sản xuất trở lại, vẫn có những hãng sắp mở cửa hoạt động lại (theo thông báo).
Trong đó, Nissan cho khởi động lại sản xuất tại Trung Quốc trong liên doanh với Dongfeng từ ngày 10/2. Trong khi đó, nhà máy tại tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán, sẽ hoạt động trở lại sau ngày 14/2.
Còn Honda xác nhận sẽ khởi động lại 3 nhà máy tại Vũ Hán nằm trong liên doanh với Dongfeng Motor Group từ ngày 13/2; PSA Peugeot Citroen cho biết 3 nhà máy của hãng tại Vũ Hán ít nhất sẽ vẫn đóng cửa cho đến ngày 14/2; BMW cho biết đến ngày 17/2, nhà máy của hãng ở Thẩm Dương mới hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu đã là 43.098, trong đó số ca tử vong đã vượt ngưỡng 1.000 (1.018) với khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là Vũ Hán. Số ca tử vong tính riêng tại Trung Quốc đã lên tới 1.016. Dự báo theo tình hình leo thang của bệnh dịch, nhiều ý kiến cho rằng các hãng xe khó có thể mở cửa nhà máy lại đúng hạn.
Nhìn vào diễn biến này có thể thấy, trong ngắn hạn thị trường ô tô có thể gặp khó khăn về nguồn cung dẫn đến việc giá xe ô tô sẽ tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh doanh đang gặp hạn như hiện nay thì xu hướng giảm cầu cũng là điều dễ xảy ra.
Dịch virus corona đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp ô tô |
Giá xe sẽ ra sao?
Tại thị trường ô tô Việt Nam, tính đến hiện tại, giá xe ô tô vẫn đang trong xu hướng giảm bởi sau Tết Nguyên đán là “điểm rơi” của thị trường. Do đó, ngay khi bước sang tháng 2, hàng loạt chương trình khuyến mại đã được các hãng tung ra.
Đầu tiên phải kể đến Ford Việt Nam với chương trình giảm 75 triệu đồng cho mẫu SUV-Explorer nhập khẩu từ Mỹ; Everest với phiên bản Ambiante cũng được giảm 50 triệu đồng. Ngoài ra, Ford Việt Nam còn giảm 50 triệu đồng cho phiên bản Ranger XLT 4x4 số sàn và mẫu EcoSport Trend, với mức giảm 35 triệu đồng so với tháng trước.
Tương tự, Nissan Việt Nam cũng giảm giá các mẫu xe hạng B như Sunny được giảm 20 triệu đồng, mẫu SUV Terra được giảm từ 35 - 50 triệu đồng và còn được tặng thêm nhiều phụ kiện
Trong khi đó, mẫu xe bán tải Navara được giảm 20 - 40 triệu đồng thẳng vào giá bán xe, trong khi phiên bản Navara A-IVI có mức giảm cao hơn từ 30 - 40 triệu đồng. Đó là chưa kể mẫu X-Trail lắp ráp trong nước được giảm 25 triệu đồng cho các phiên bản cao cấp nhất là SL và SV.
Trong ngắn hạn, thị trường ô tô có thể gặp khó khăn về nguồn cung dẫn đến việc giá xe ô tô sẽ tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh doanh đang gặp hạn như hiện nay thì xu hướng giảm cầu cũng là điều dễ xảy ra. |
Cũng không nằm ngoài cuộc chơi, Toyota Việt Nam vừa có chính sách ưu đãi (một phần) phí trước bạ cho toàn bộ các phiên bản hiện có của mẫu xe Altis với giá trị lên tới 55 triệu đồng. Bên cạnh đó, các mẫu Innova rẻ nhất là E và G cũng được ưu đãi một phần phí trước bạ trong tháng 2/2020 ở mức 55 - 65 triệu đồng. Tương tự, Fortuner phiên bản dùng động cơ diesel 2.4L, bao gồm phiên bản MT và AT được hỗ trợ một phần phí trước bạ, từ 45 - 85 triệu đồng.
Ngoài ra, giá bán các mẫu sedan hạng B của hãng này tại thị trường Việt Nam cũng được các đại lý phân phối giảm từ 15-25 triệu đồng, nhằm tạo đà doanh số bán hàng ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2020.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số dòng xe của Mercedes lại đang có giá bán tăng so với mức giá trước Tết. Mức tăng thấp nhất là mẫu Mercedes C300 AMG điều chỉnh tăng 32 triệu đồng.
Trong khi đó, Mercedes E300 AMG đang có giá thị trường là 2,9 tỷ đồng, tăng hơn 80 triệu đồng so với trước Tết. Riêng mẫu xe Mercedes-AMG G63 là mẫu được điều chỉnh giá với mức tăng cao nhất, lên đến 210 triệu đồng. Hiện, Mercedes-AMG G63 có giá bán ra là 10,829 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là diễn biến giá của hiện tại, điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà máy vẫn chưa thể hoạt động lại, nguồn nguyên liệu tiếp tục gặp khó?
Vân Linh