Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn cho hạ tầng BĐS công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài (Ảnh: TL) |
Lý giải cho sự phát triển nhanh chóng của phân khúc BĐS công nghiệp Việt Nam, Savills cho rằng có 6 điểm chính thúc đẩy: Tầng lớp trung lưu và khu vực tư nhân năng động đang phát triển mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh bền vững, chính trị ổn định. Chính phủ tiếp tục duy trì các khoản chi tiêu để ngăn chặn dịch bệnh. Đẩy mạnh chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và ngăn chặn sự đóng băng thị trường trường BĐS. Các hiệp định thương mại song phương và đa phương hứa hẹn cải thiện khả năng tiếp cận thị trường khi đất nước phục hồi sau dịch. Ngoài ra, Việt Nam có vị thế tốt để phục hồi và phát triển thịnh vượng sau COVID-19, ví dụ: COVID-19 đẩy nhanh làn sóng di dời khỏi Trung Quốc.
Tiến Sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam đánh giá, chủ trương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ và mở rộng các BĐS công nghiệp để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam là một yếu tố tích cực.
Bên cạnh đó, những chuyển biến theo tình hình kinh tế thế giới cũng như chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng là một điểm cộng cho chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.
Nhận định về về tiềm năng của BĐS công nghiệp trong những tháng tiếp theo của năm 2021, các chuyên gia của Savills đều nhấn mạnh vào yếu tố dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Đáng chú ý nhất là các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan; Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản; và Lenovo từ Hồng Kông đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Savills đã liệt kê một số lý do chính cho làn sóng dịch chuyển mạnh ra khỏi Trung Quốc tới các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cụ thể:
Các công ty đa quốc gia sản xuất những mặt hàng công nghệ hay tiêu dùng phải chịu áp lực cắt giảm chi phí; Các công ty có vốn FDI không chỉ thành lập nhà máy mới ở Việt Nam mà còn có động lực lớn hơn để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng địa phương; Sau khi đại dịch lắng xuống, lạm phát tiền lương có xu hướng tăng, khiến nhà sản xuất rời Trung Quốc đến Đông Nam Á.
Ông John Campbell, Quản lý Bộ phận BĐS công nghiệp Savills cho rằng, xu hướng các sản phẩm công nghệ cao dự kiến sẽ tăng mạnh từ năm 2021, và nhu cầu gia tăng từ những người mua sắm quan tâm nhiều hơn đến chi phí, các sản phẩm cấp thấp dự kiến sẽ tăng trưởng tốt trong vòng 2 năm tới.
Bên cạnh đó, BĐS công nghiệp tại Việt Nam trong vấn đề liên kết với chuỗi cung ứng, liên kết các vấn đề kho bãi, giao thông mới chỉ ở giai đoạn đầu, chính vì vậy cần có những chiến lược đúng đắn và cụ thể hơn trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia vào phân khúc bất động sản này.
Tiến Sĩ Khương chia sẻ, hiện nay Chính phủ đang ưu tiên các ngành nghề tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao vì đây là những ngành mang tính thời đại, do đó vấn đề về nhân lực, lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào BĐS công nghiệp tại Việt Nam cũng là một bài toán cần quan tâm.
Để giải quyết bài toán đó, cần sự vào cuộc của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, như đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi, kho vận cũng như là các chuỗi cung ứng trên tinh thần hợp tác công tư.
Hơn nữa, các nhà vận hành chuỗi cung ứng chuyên nghiệp sẽ là yếu tố rất quan trọng vì khi các chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu thì chúng ta cũng cần các công ty có tầm cỡ để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư BĐS công nghiệp.
Ngoài ra, thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu cũng là bài toán cần phải cân nhắc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc thông quan hàng hoá cũng như xuất khẩu hàng hoá sẽ giúp giảm thiểu được chi phí, tạo lợi thế để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.
Phương Trang