Chính phủ Việt Nam đã xác định ngành công nghiệp bán dẫn là then chốt cho tăng trưởng trong tương lai. Việt Nam hiện là trung tâm quan trọng về thử nghiệm và đóng gói chip, với các công ty lớn như Intel và Amkor đã thiết lập các nhà máy tại đây.
Nghiên cứu của Dynam Capital, công ty quản lý quỹ của VietNam Holding Limited cho thấy, vào năm 2021, chất bán dẫn chiếm 19% giá trị xuất khẩu công nghệ của Việt Nam, tăng từ 11% vào năm 2011. Dù thị phần toàn cầu vẫn nhỏ, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chất bán dẫn cao nhất thế giới từ 2011-2021, đạt 37,6% hàng năm.
Năm 2023, xuất khẩu thiết bị bán dẫn của Việt Nam đạt 7,53 tỷ USD, trong đó hơn một nửa xuất sang Hoa Kỳ, tiếp theo là Trung Quốc và Canada. Tuy nhiên, việc thử nghiệm và đóng gói chỉ chiếm một phần nhỏ trong chuỗi giá trị bán dẫn, nên Việt Nam vẫn chưa thể tận hưởng lợi nhuận lớn từ ngành này.
Phần lớn chi phí đầu tư từ các công ty sản xuất chip là dành cho sản xuất wafer, một quy trình do TSMC và Samsung thống trị. Các nhà máy chế tạo chất bán dẫn, hay còn gọi là 'fabs', rất tốn kém, với chi phí lên tới hàng tỷ USD. Ví dụ, nhà máy TSMC đang xây dựng tại Arizona có giá 40 tỷ USD.
Vì chi phí quá cao, Việt Nam đặt mục tiêu mở rộng đầu tư vào thử nghiệm và đóng gói, và tiến tới giai đoạn thiết kế sinh lời. Mục tiêu này nhằm giải quyết thách thức lớn nhất của ngành bán dẫn Việt Nam: nguồn nhân lực. “Lực lượng lao động có tay nghề cao là xương sống của bất kỳ ngành công nghiệp bán dẫn thành công nào,” một đại diện của Tập đoàn FPT cho biết. Mặc dù Việt Nam có nguồn nhân lực CNTT trẻ và tài năng, nhưng thiếu hụt nhân sự bán dẫn có tay nghề cao vẫn luôn là bài toán đau đầu không chỉ với doanh nghiệp mà của cả chính phủ.
'Chìa khoá vàng' mở cánh cửa toàn cầu
Phát triển ở Việt Nam đã gần 10 năm, VIETA Solutions Việt Nam - công ty con của ETA Semiconductor có trụ sở chính tại Thượng Hải, Trung Quốc lúc nào cũng muốn mở rộng quy mô. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Giám đốc Lê Thành Nam, công ty gặp phải vướng mắc lớn nhất ở khâu tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là vị trí kỹ sư thiết kế do yêu cầu phải có nhân lực giỏi.
Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. |
Không ít doanh nghiệp cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Theo ông Vũ Duy Việt, Giám đốc Trung tâm R&D của Infineon Việt Nam (thuộc tập đoàn bán dẫn có trụ sở tại Đức), nút thắt cơ bản mà các công ty đầu tư nước ngoài gặp phải khi mới tới Việt Nam là việc xây dựng đội ngũ nòng cốt ban đầu. Đội ngũ này cần những người có 15 – 20 năm kinh nghiệm nhưng số lượng nhân lực như thế này tại Việt Nam cực kỳ hạn chế.
Theo ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam, những tập đoàn lớn trên thế giới đến Việt Nam mở văn phòng, xây dựng nhà máy không phải vì đây là nơi họ kiếm được tiền mà vì họ muốn tận dụng lực lượng lao động của chúng ta: “Tuy Việt Nam có nhiều công ty hiện diện, tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn thế giới nhưng bản chất cái chúng ta có thể đóng góp được là con người, chứ chưa phải là thị trường”.
Ông Yên phân tích, để làm một con chip cần sự tham gia của rất nhiều công ty, quốc gia. Đây là một ngành cần toàn cầu hoá một cách triệt để, không một cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào có thể làm được tất cả công đoạn. Việt Nam có cơ hội trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị này nhưng chúng ta phải chuẩn bị từ rất sớm và nếu không có sẵn nhân lực ở thời điểm hiện tại thì chúng ta sẽ không thể nắm bắt được cơ hội.
Theo tổng hợp, đến năm 2030 thế giới thiếu hơn 500.000 người làm chip, lãnh đạo doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nhận định: “Đây mới chính là cơ hội của Việt Nam vì chúng ta chẳng có gì khác ngoài con người. Chúng ta cần phải nắm bắt”.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ VINASA cho rằng, “cửa” sáng nhất để Việt Nam tham gia được vào chuỗi bán dẫn toàn cầu là nguồn nhân lực. Tuy nhiên ông Quang khuyến cáo khi xây dựng chương trình đào tạo, cần xác định mục tiêu đào tạo ra những người lao động toàn cầu chứ không phải đào tạo riêng cho Việt Nam.
“Nếu đào tạo chỉ cho Việt Nam thì bất kể con số nào cũng sẽ dư thừa. Đào tạo theo tiêu chuẩn toàn cầu thì đương nhiên tiêu chuẩn đầu ra bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng phải thiết kế theo hướng toàn cầu”.
Để không còn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt trong khu vực. Nvidia, Microsoft và Google đã công bố các khoản đầu tư hàng tỷ USD vào AI và chip tại Indonesia và Malaysia trong năm qua, trong khi Việt Nam chưa có các khoản đầu tư lớn như vậy.
Các nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ cũng đang cố gắng giành thêm thị phần trong ngành bán dẫn, đặc biệt là qua Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022, hỗ trợ việc chế tạo chip.
Trong bối cảnh này, tháng 6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế chip và 35.000 kỹ sư trong các lĩnh vực sản xuất, đóng gói, và thử nghiệm.
Bộ này cũng đang soạn thảo Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, cung cấp hỗ trợ lên đến 30% chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) để thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao. Điều này cũng bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và phí thuê đất.
Mặc dù sáng kiến này cần thời gian để triển khai, Việt Nam vẫn có những thế mạnh như hệ thống giáo dục tập trung vào STEM mạnh mẽ và chi phí lao động thấp hơn. Kỹ sư Việt Nam có thể tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử, và từ đó từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.
Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Võ Xuân Hoài nhận định, hệ thống các cơ sở đào tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước đủ khả năng để đào tạo số kỹ sư như mục tiêu của Đề án. Theo khảo sát của Bộ KH&ĐT, với khả năng cung cấp nhân lực của các trường đại học và cơ sở đào tạo của Việt Nam, hoàn toàn có thể cung cấp được 50.000 kỹ sư chất lượng cao trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Trao đổi với Vnbusiness, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần chuẩn bị nhân lực cho ngành bán dẫn trong bài toán ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn đang có chương trình đào tạo như thế nào thì làm tốt chương trình đó. Nhưng trong dài hạn cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo trình độ cao hơn như PhD, Master… để chuẩn bị cho thời gian tới các trung tâm R&D của doanh nghiệp về Việt Nam.
"Các trường đại học hiện chỉ tập trung dạy những bài toán dễ mà không dạy bài khó. Người lao động chỉ có thể làm việc ngay sau khi ra trường mà không thể làm lâu dài hay tiến xa, dẫn đến hiện tượng thất nghiệp, nghỉ hưu ở tuổi 35 do không thể cạnh tranh”, ông Trình phân tích.
Bên cạnh đó, vị hiệu trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của hợp tác nhà trường – doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo: "Nhà trường tìm hiểu rất sâu về nhu cầu nhân lực, thay đổi lại từ quản trị, chương trình đào tạo đến cách thức giảng dạy, đánh giá. Các doanh nghiệp đồng hành với nhà trường rất nhiều. Hàng năm nhà trường nhận được kinh phí hỗ trợ từ doanh nghiệp cho bài toán quản trị, đào tạo, nghiên cứu lên tới vài chục tỷ đồng. Những doanh nghiệp lớn như Samsung thậm chí đến làm việc, đặt hàng nhà trường dạy một số môn học để sinh viên ra trường có thể hoà nhập, làm việc ngay”. Ông Trình đánh giá đây là hướng tiếp cận rất thiết thực cho phát triển nguồn nhân lực và mong chính sách kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp có thể lan toả tới nhiều trường đại học trên cả nước.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT Có 3 thách thức lớn trong đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là phải đào tạo số lượng lớn, thời gian đào tạo ngắn bởi trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có cơ hội trong 3 năm là tối đa. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực này buộc phải “nhảy” vào cuộc chơi toàn cầu. Nghĩa là phải đào tạo chuẩn quốc tế để có thể làm việc và học tập ở nước ngoài. Ông Lê Minh Quốc, Giám đốc Kỹ thuật MK Smart, thành viên MK Group Việc đầu tiên phải làm là phát huy nội lực, kết hợp giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và cả “nhà dân”. Chính người dân sẽ bỏ tiền cho con em họ đi học. Làm sao để khuyến khích nguồn lực trong dân sẵn sàng? Ngoài ra, cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, để nhóm này tồn tại, phát triển lớn mạnh. Như vậy chúng ta sẽ tự tạo cơ hội, tự tạo ra thị trường. Tận dụng nội lực từ 100 triệu dân trong nước, từ đây bán dẫn Việt Nam có thể đi ra thế giới. Ông Trần Đắc Trung, Phó Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Để thu hút đầu tư ngành bán dẫn, phát triển nhân lực là yếu tố then chốt. Muốn làm việc này cần làm tốt việc kết nối ba “nhà” gồm: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Thời gian tới, khu CNC sẽ xây dựng danh mục các dự án hạ tầng xã hội cần thiết để thu hút, đáp ứng nhu cầu làm việc và học tập của chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên, doanh nghiệp. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VKIST, NIC... Các đơn vị này sẽ tham gia vào việc kết nối, đào tạo nhân lực bán dẫn đáp ứng nhu cầu thực tế. |
Đỗ Kiều