Mạng di động Beeline chính thức tuyên bố “bỏ cuộc chơi”, rút khỏi thị trường viễn thông di động ở Việt Nam trong vòng 6 tháng tới. Sự ra đi sau những nỗ lực bất thành có lẽ là cái kết không mấy tốt đẹp đã được dự báo trước, khi mà tham gia cạnh tranh trên thị trường này, Beeline chỉ có được những gói cước giá rẻ.
Bình luận về sự kiện đình đám đang gây xôn xao trong làng viễn thông, ông Hoàng Ngọc Diệp - chuyên gia viễn thông cao cấp, cho rằng: “Việc Beeline tuyên bố rút khỏi Việt Nam sẽ ảnh hưởng không tốt cho thị trường viễn thông di động của Việt Nam. Bởi nhà đầu tư của Beeline là VimpelCom - vốn là hãng viễn thông có tiếng trên toàn cầu. Do đó, việc họ rút khỏi thị trường sẽ tạo nên tiền lệ không tốt trong cái nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài về lĩnh vực này khi cho rằng thị trường viễn thông Việt Nam không phải là địa chỉ hấp dẫn để đầu tư”.
Hụt hơi… với giá rẻ
Thông cáo báo chí được phát đi chiều ngày 23/4 cho biết Tập đoàn VimpelCom sẽ bán lại cổ phần của Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu (Gtel Mobile) - nhà cung cấp mạng di động Beeline tại Việt Nam.
Theo đó, toàn bộ 49% cổ phần của VimpelCom trong Gtel Mobile sẽ được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Truyền dẫn và dịch vụ hạ tầng GTEL - công ty con của Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (Gtel), với mức giá 45 triệu USD. Cũng trong thông cáo này, VimpelCom cho biết sẽ chấm dứt sử dụng thương hiệu di động Beeline - vốn thuộc quyền sở hữu của nhà mạng này, sau 6 tháng chuyển giao.
Ra đời vào tháng 7/2009 bởi liên doanh Gtel Mobile do Gtel và VimpelCom sáng lập, Beeline trở thành nhà mạng di động thứ bảy tại Việt Nam. Tính đến quý I năm nay, nhà mạng này đã đạt được 3,8 triệu thuê bao, chiếm 3% thị phần tại thị trường di động Việt Nam (theo hãng nghiên cứu Wireless Intelligence Data).
Tổng giám đốc của Beeline Việt Nam - ông Alexey Blyumin, từng cho biết sẽ “không tham gia vào bất kỳ một cuộc chiến giá nào trên thị trường viễn thông của Việt Nam và cũng không mong muốn trở thành nhà mạng rẻ nhất”. Tuy nhiên, cho đến nay, có lẽ điều ấn tượng nhất về nhà mạng này phần nhiều vẫn là những gói cước giá rẻ gây sốc.
Ra đời với những ưu đãi không giới hạn “gọi quên ngày tháng”, nhưng đến tháng 3/2010, gói cước Big Zero bị “khai tử”, và hãng này lại tiếp tục cho ra mắt gói cước Big&Kool, với mức cước được xem là rẻ nhất trên thị trường tại thời điểm đó: 900 đồng/phút áp dụng cho tất cả các cuộc gọi. Cuối năm ngoái, nhà mạng này lại tiếp tục gây sốc khi tung ra 2 gói cước Tỷ phú “siêu khủng”, tặng 1 tỷ đồng khi gọi nội mạng.
Có vẻ như những gì mà Beeline đã làm lại khá mâu thuẫn với tuyên bố chiến lược kinh doanh của hãng là trở thành nhà mạng hấp dẫn nhất và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh thị trường viễn thông di động Việt Nam, ông Diệp lại cho rằng không có gì khó hiểu khi Beeline tung ra những gói cước giá rẻ: “Khi các nhà mạng lớn có vốn 100% của Nhà nước đã có sẵn mọi hạ tầng, công nghệ, nên được quyền đầu tư, được quyền cạnh tranh giá rẻ, thì nhất định các nhà mạng nhỏ hơn, dù là tư nhân hay nước ngoài cũng bị ép phải tham gia cạnh tranh giá rẻ. Và như vậy, càng đầu tư, càng mở rộng thì càng thua lỗ. Cạnh tranh giá rẻ và chỉ giới hạn ở mức các dịch vụ cơ bản, thì nhất định nhà khai thác nào cũng sẽ lỗ”, ông Diệp cho biết.
Thực tế, gói cước BigZero đã “ngốn” không ít tiền của Beeline vì gọi 20 phút mà chỉ thu tiền được 1 phút. Hay với gói cước Tỷ phú, việc cho phép gọi nội mạng với trị giá 1 tỷ đồng trong vòng 10 năm cũng được xem là “quá sức”. Bởi với các mạng nhỏ, vừa phải chịu sức ép về chi phí đầu tư lớn, vừa chịu những rủi ro khi cạnh tranh như sáp nhập hay thậm chí phá sản có thể diễn ra. Đến nay, cái kết của Beeline cũng phần nào chứng minh được điều đó.
Ông Diệp cho rằng thị trường viễn thông di động của Việt Nam đang tạo ra một tiền lệ không tốt khi các nhà mạng, đặc biệt là những “ông lớn” như Vina - Mobi, Viettel đều chạy đua trong cạnh tranh giá rẻ. Trong đó, phương thức cạnh tranh điển hình là chiếm lĩnh thị phần thuê bao trả trước, đưa ra những dịch vụ rất cơ bản cho người tiêu dùng cá nhân. Vì vậy, ông Diệp đưa ra lời cảnh báo: “Những cách cạnh tranh như vậy sẽ không những không đóng góp gì thêm cho sự phát triển chung của ngành viễn thông và công nghệ thông tin, mà còn làm cho các nhà mạng từ từ kiệt quệ”.
Thị trường độc quyền?
Nhìn lại thị trường viễn thông di động ở Việt Nam, cuộc cạnh tranh dường như đang chỉ dành cho 3 “ông lớn” đã xác lập thế chân kiềng khá vững chắc: Vinaphone - MobiFone - Viettel. Đây đều là những doanh nghiệp có 100% vốn sở hữu của Nhà nước, chiếm lĩnh đến gần 90% thị phần di động (riêng Vina - Mobi là gần 60% thị phần). Do vậy, về bản chất, theo các chuyên gia, thị trường viễn thông di động của Việt Nam mang tính độc quyền.
“Những cách cạnh tranh và phát triển trong thời gian qua của 3 mạng lớn là không bài bản và khá tiêu cực. Họ ỷ lại vào Nhà nước, đầu tư vô tội vạ, cạnh tranh giá rẻ và chỉ tập trung vào người tiêu dùng cá nhân. Với những khoản đầu tư kếch sù này, nếu tập trung vào những hoạt động hỗ trợ các ngành khác thì đã mang lại lợi ích nhiều hơn cho nền kinh tế và nâng cao nguồn thu…”, một chuyên gia phân tích.
Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI (Anh), chỉ số môi trường kinh doanh ngành viễn thông của Việt Nam trong năm 2011 không có nhiều thay đổi so với khu vực. Theo đó, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 17, cao hơn Sri Lanka nhưng lại thấp hơn Thái Lan và Campuchia. Đặc biệt, chỉ số thu nhập bình quân trên mỗi thuê bao (ARPU) của Việt Nam cũng đang giảm nhanh trong thời gian qua (năm 2010 là 5 USD), do các nhà mạng chạy đua giảm giá bằng khuyến mãi, chủ yếu phụ thuộc vào các thuê bao trả trước, làm cho thị trường tiến tới ngưỡng bão hòa. BMI dự báo đến năm 2015, ARPU có thể giảm sâu còn 3,51 USD.
Trước khi Beeline “bỏ cuộc chơi” thì FPT cũng chính thức rút vốn khỏi thương vụ kinh doanh mạng di động với EVNTelecom. S-Fone vốn được xem là “làn gió mới” cho thị trường viễn thông, cũng đang dần lụi tàn khi mới đây đã chính thức cho “khai tử” CDMA để chuyển sang công nghệ 3G. Còn với Vietnamobile - đang ở vị trí thứ tư hiện nay, mặc dù đang rất nỗ lực để vươn lên vị trí thứ ba nhưng sẽ là thách thức không nhỏ về chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng.
Cũng theo ông Diệp, trong khi các nhà mạng đua nhau cung cấp dịch vụ di động cho cá nhân thì việc triển khai các gói dịch vụ cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước… lại đang bị bỏ ngỏ. Do đó, việc hợp nhất hai nhà mạng Vina - Mobi, theo ông Diệp, sẽ tạo ra một mạng lớn đủ mạnh, từ tần số tới hạ tầng, từ hệ thống quản lý đến các mô hình kinh doanh để ngành viễn thông mở ra các loại dịch vụ cao cấp, đảm bảo chất lượng cũng như đưa ra nền tảng mạng ảo cho di động (MVNE) để hỗ trợ hoạt động cho nhà cung cấp nhỏ (MVNOs).
“Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng cần phải đảm bảo triệt để áp dụng các giải pháp minh bạch và quản lý để tạo điều kiện cho các MVNOs được tham gia vào thị trường. Bởi đây là một trong những hướng làm giảm thiểu tính “độc quyền” cũng như tạo điều kiện “cạnh tranh”. Việc sáp nhập không hiệu quả thì ngành viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam sẽ cứ tiếp tục loay hoay với những hoạt động kinh doanh cơ bản, cạnh tranh giá rẻ, và khó có thể tạo sự hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân một cách minh bạch và hiệu quả được. Và nếu vậy, thì một “trái mìn thất thoát, lãng phí” nổ chậm sẽ là chuyện không thể nào tránh khỏi trong vòng vài năm tới!”, ông Diệp cảnh báo.
Cẩm An