Theo thông tin từ Bộ Công Thương, lũy kế 11 tháng 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 300 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 330 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2020. Tuy nhiên, năm 2021 cũng là năm cực kỳ khó khăn với các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam trước những tác động gây đứt gãy chuỗi sản xuất bởi dịch COVID-19.
Sự vào cuộc của khu vực HTX
Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu 2021 do Bộ Công Thương vừa tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho hay khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) thời gian qua đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện cả nước có trên 26.000 HTX, hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hơn 17.000 HTX nông nghiệp.
Đặc biệt, nhiều HTX đã đẩy mạnh chế biến, liên kết với doanh nghiệp (DN) để hình thành chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Nhiều sản phẩm của HTX đã xuất khẩu đạt giá trị cao. XK sản phẩm hàng hoá của khu vực KTTT, HTX có xu hướng tăng lên.
Để đạt được điều này, việc đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hoạt động giao thương trực tiếp bị gián đoạn bởi COVID-19. Theo đó, Liên minh HTX Việt Nam đã trực tiếp tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến.
Đơn cử, Liên minh HTX Việt Nam chủ trì tổ chức 26 chương trình hỗ trợ khu vực KTTT, HTX tham dự hội chợ tại nhiều nước như Trung Quốc, Italia... Tổ chức các hội chợ giao thương trực tuyến giữa các địa phương với sự tham gia của 3.000 HTX. Thực hiện 7 đề án xúc tiến thương mại với kinh phí hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng...
Điều này đã giúp các HTX đạt được hiệu quả trong việc chinh phục thị trường nước ngoài như 7.000 HTX xây dựng chỉ dẫn địa lý, trên 1.300 HTX gắn với chuỗi giá trị, gần 1.500 HTX thành lập DN trực thuộc đẩy mạnh XK; hơn 60% HTX ngoài tiêu thụ bán buôn, bán lẻ mở rộng tiêu thụ qua các kênh bán lẻ trực tiếp và trực tuyến hiện đại....
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng nhìn nhận hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều tồn tại, hạn chế yếu kém chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Điều này do nhiều nguyên nhân như chất lượng nhân lực, tài chính, quy mô hoạt động, năng lực dự báo tổ chức sản xuất thị trường XK... còn hạn chế.
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn, cung cấp dịch vụ hỗ trợ HTX phát triển hàng hóa tập trung trên quy mô lớn, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận vốn vay xây dựng chuỗi giá trị gắn với sản phẩm an toàn. Tổ chức thị trường phù hợp với khu ực KTTT, HTX đẩy mạnh kiểm soát chất lượng.
Theo đó, lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam đề xuất Bộ Công Thương và các bộ ngành cần hỗ trợ quan tâm nhiều hơn tới khu vực KTTT, HTX để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phục vụ XK. Đồng thời, Bộ Công Thương bố trí nguồn lực hàng năm từ các chương trình khuyến công quốc gia, xúc tiến thương mại... để Liên minh HTX Viêt Nam cùng thực hiện đề án đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.
Hỗ trợ đã có nhưng còn vướng cơ chế
Về phía DN, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay hiện nay đang có gần 3.000 DN trong ngành gỗ tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ trên toàn cầu. Nếu như 15 năm trước, chúng ta loay hoay câu chuyện bao giờ ngành gỗ XK đạt kim ngạch 1 tỷ USD, thì năm nay XK gỗ sẽ đạt 14 - 15 tỷ USD.
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh qua môi trường số. |
Trở lại câu chuyện xúc tiến XK, ông Hoài cho rằng, các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cần quan tâm nhiều hơn nữa về phát triển sản phẩm gắn với tăng trưởng xanh, đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam.
Đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần đào tạo nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, chăm chút hình ảnh của mình, cũng như đảm bảo mỗi một mẩu gỗ đưa vào chế biến đều được khai thác hợp pháp.
Trên thực tế, năng lực số của HTX, DN còn hạn chế nên việc tham gia xúc tiến thương mại trên môi trường số còn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, quá trình phục hồi kinh tế thế giới sẽ gắn liền với các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Gần đây, nghiên cứu đà phục hồi kinh tế các nước cho thấy sẽ chịu 3 nhóm rủi ro chính là dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cạnh tranh địa chính trị diễn ra phức tạp và rủi ro ổn định kinh tế vĩ mô khi giá cả tăng mạnh.
Theo đó, bà Minh cho rằng hoạt động chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại cần tiến hành nhanh và hiệu quả hơn. Thời gian qua, Việt Nam đã có chuyển đổi số nhưng mới là khởi đầu. Để đẩy mạnh quá trình này phải có cơ chế, cụ thể hóa biện pháp để thực hiện tốt chuyển đối số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Đó là cập nhật, chia sẻ dữ liệu tiến tới hệ thống hóa là yếu tố tiên quyết; tạo động lực cho đổi mới.
Đặc biệt, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh tới kết nối với chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác liên quan đến thương mại (xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến). Thêm vào đó, cần xúc tiến thương mại ở thị trường cửa ngõ, xúc tiến thương mại gắn với từng thị trường cụ thể, đơn cử như khai thác thị trường Halal ở Pakistan sẽ là cửa ngõ đến khu vực Trung Á.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể mức hỗ trợ để DN được hưởng ưu đãi khi xúc tiến thương mại trên môi trường số. "Hiện nay, chính sách đã có nhưng chưa có thông tư hướng dẫn nên DN không nhận được hỗ trợ trên thực tế", ông cho hay.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, hoạt động xúc tiến XK hiện tại vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong số đó là năng lực cung ứng sản phẩm của DN nhỏ và vừa còn yếu. Đây là khó khăn lớn cho các DN nhỏ và vừa khi xúc tiến thương mại tới đây sẽ chuyển dịch phần lớn sang kênh trực tuyến.
Đồng thời, cũng như phản ánh của HTX và DN, ông Phú cho biết cơ chế tài chính hỗ trợ DN xúc tiến XK đã có nhưng thực tế luôn đi nhanh hơn chính sách nên cũng khiến xúc tiến thương mại chậm nhịp hơn yêu cầu thực tiến.
Về năm 2022, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết sẽ chú trọng vào các chương trình trung - dài hạn với những mặt hàng XK trọng điểm, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ông Trần Quốc Khánh Thứ trưởng Bộ Công Thương Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức xúc tiến thương mại, phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu ban hành kịp thời cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng công nghệ thông tin, kết nối khách hàng online, tham gia triển lãm trên môi trường số. Hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều không gian để tiếp tục thay đổi, thích ứng linh hoạt, phù hợp năng lực tham gia của cộng đồng DN. Bà Trần Phương Lan Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội Hà Nội có 3.000 DN XK, từ năm 2016-2020, quy mô XK tăng 1,4 lần với các sản phẩm lợi thế là nông sản, dệt may, giày dép, gốm sứ. Thời gian tới, TP. Hà Nội mong muốn được sự hỗ trợ của các bộ ngành, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để đẩy mạnh XK, trong đó cập nhật thường xuyên thị trường quốc tế để thích nghi với hoàn cảnh mới, tháo gỡ khó khăn vướng mắc XK, hạ tầng logistics; kêu gọi các tập đoàn đầu tư nước ngoài đầu tư quy mô lớn vào khu công nghiệp với hàm lượng giá trị công nghệ cao. Đặc biệt, xúc tiến XK bằng hình thức trực tuyến thông qua việc sớm ban hành cơ chế chính sách xúc tiến thương mại trong chuyển đổi số để các địa phương kịp thời triển khai thực hiện trong năm 2022. Ông Nguyễn Hoài Nam Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (VASEP) Hai năm bị tác động bởi COVID-19 là quãng thời gian khó khăn với DN thủy sản. Ngành thủy sản có đặc thù là khách hàng phải nếm thử, đánh giá chất lượng rồi mới mua hàng, vì vậy khi không được tham gia các hội chợ trực tiếp sẽ là thiệt thòi cho các DN. Giá trị thương mại tại hội chợ lớn lên tới hàng tỷ USD. Trong bối cảnh đó, ngành thủy sản mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ DN được tham gia vào các hội chợ truyền thống, đồng thời đẩy mạnh tiếp cận các thị trường tiềm năng như Nga, Mexico, Trung Đông, ASEAN... thông qua nền tảng số. |
Nhật Linh