Nói về công tác XTTM, đại diện một DN mới đây thẳng thắn nêu quan điểm: Việt Nam có lẽ phải học cách làm XTTM như của Trung Quốc, một năm họ chỉ tổ chức hai hội chợ xuất khẩu nhưng mỗi lần thu về tới vài chục tỷ.
“Việt Nam có một nhóm DN đã từng tham gia hội chợ này, khi đó khách nhiều lắm, khách bán buôn còn chen lấn nhau để mua buôn nhưng tự nhiên cắt cả việc đó. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp tiền của nếu được tham gia hội chợ như vậy”, vị này nói.
Cấp kinh phí thấp
Đối với hội chợ xuất khẩu được tổ chức tại Việt Nam, đại diện DN này cho biết không hào hứng tham gia vì hội chợ xuất khẩu nhưng rất ít khách quốc tế tới tham quan, mua bán. Vị đại diện DN này nói: “Tôi đã tham dự và đi khảo sát một hội chợ xuất khẩu quốc tế vừa diễn ra. Kết quả ghi nhận số DN Việt Nam tham gia hội chợ chỉ chiếm 1/4, còn lại hầu hết là các DN nước ngoài”.
Trong khi đó, phần lớn các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như da giày, dệt may… gần như không có tại hội chợ trong khi hầu hết khách hàng đến mua sắm tại hội chợ là người Việt Nam. “Vậy thử hỏi làm sao chúng ta XTXK được hàng hóa thông qua hội chợ này. Thậm chí hội chợ xuất khẩu đang có nguy cơ biến thành nhập khẩu”, vị này lo ngại.
Đây không phải lần đầu tiên DN phàn nàn về công tác XTTM thời gian qua. Trước đó, các DN cho rằng nhiều hội thảo, chương trình kết nối giao thương cung cấp thông tin rất chung chung, nhiều khi không sâu sát với DN nên chưa đủ, chưa đúng với kỳ vọng của DN.
Theo báo cáo XTTM 2016, đánh giá XTTM Việt Nam giai đoạn 2015 – 2016, cho thấy hoạt động XTTM đã được triển khai nhiều, đồng bộ hơn, nhưng vẫn ít đổi mới và thiếu chiến lược XTTM chung ở cấp quốc gia để đáp ứng được các nhu cầu của DN. Cụ thể, vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chương trình XTTM quốc gia với Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Các cơ sở XTTM địa phương cũng như ở trong và ngoài nước vẫn chưa thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp hoạt động với nhau. Các hoạt động XTTM vẫn thiếu những hoạt động nghiên cứu thị trường và tham vấn DN để đáp ứng đúng yêu cầu của DN. Trong khi đó, các hoạt động quảng bá thương hiệu, đặc biệt tại thị trường trong nước, chưa thực sự hiệu quả. Hoạt động quảng bá thương hiệu vẫn mang tính phong trào (như các tuần lễ hàng Việt), không được thực hiện một cách thường xuyên và đều đặn với sự chủ động phối hợp từ phía các đơn vị bán lẻ như chuỗi siêu thị, chợ đầu mối….
Cùng với đó, báo cáo cho rằng hạ tầng XTTM (đầu tư cơ sở vật chất) còn thiếu và yếu, quy mô chưa tương xứng với yêu cầu XTTM, nhất là các sự kiện thương mại cấp quốc gia và quốc tế. Hoạt động XTTM chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của DN do thiếu kinh phí hoạt động, đồng thời cơ sở hạ tầng phục vụ công tác XTTM còn yếu kém.
Báo cáo này nêu ví dụ: Kinh phí hàng năm dành cho chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam trong hai năm vừa qua tính trên kim ngạch xuất khẩu chưa đến 0,003%. So với mức trung bình của thế giới là 0,11% (theo nghiên cứu của Word Bank), con số này chỉ tương đương 1/30 và bằng 1/4 so với Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan.
Về cơ sở hạ tầng, đơn cử như tại Tp.HCM, địa bàn được coi là có hoạt động hội chợ triển lãm thương mại và hội nghị sôi động nhất cả nước, nhưng không dễ tìm nổi một địa điểm để tổ chức hội nghị có sức chứa hơn 1.000 người.
Hoặc ở Hà Nội, khu triển lãm Giảng Võ được xem là nơi có cơ sở hạ tầng tốt nhất để tổ chức các sự kiện lớn, nhưng từ khi chuyển đổi mục đích sử dụng vẫn chưa có một khu triển lãm quy mô tương ứng để thay thế.
Xúc tiến thương mại không đơn thuần chỉ tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ là xong
Khoe mẽ với ai
Bên cạnh đó, các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, thương mại nhằm mang lại nhiều giá trị cho DN nhưng nội dung chưa phong phú và thiếu bám sát thực tiễn. Các DN cho biết, họ muốn nội dung tập huấn đa dạng hơn, giúp giải quyết nhiều vấn đề khác nhau mà DN xuất khẩu có thể gặp phải, như lập kế hoạch xuất khẩu, thiết kế bao bì sản phẩm và marketing sản phẩm.
Trên thực tế, năm 2016, Bộ Công Thương đã phê duyệt và thực hiện 182 đề án XTTM với tổng kinh phí 90 tỷ đồng. Đối với nhóm hàng nông – thủy sản có 23 đề án với kinh phí 32 tỷ đồng, chủ yếu là tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế ở các nước và tổ chức hội chợ triển lãm trong nước có sự tham gia của các DN nước ngoài.
Vì vậy, theo PGs.Ts. Nguyễn Văn Nam, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thực tế những năm qua cho thấy ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp, trong khi hoạt động XTTM không ngừng mở rộng, ngày càng đòi hỏi chi tiêu nhiều hơn.
Theo ông Nam, XTXK là hoạt động mang lại lợi ích trực tiếp cho DN xuất khẩu hàng hóa, nên DN phải là chủ thể hàng đầu tổ chức và quản lý hoạt động XTXK, phải dành kinh phí cho hoạt động XTXK. Tuy đã có một số lớn DN cấp kinh phí tổ chức XTXK nhưng hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, còn nhiều DN ỷ lại, trông chờ vào ngân sách nhà nước cũng như vào sự trợ giúp của các tổ chức XTTM ngoài DN.
“Cần có nhận thức mới và cả những quy định mới huy động kinh phí cho hoạt động XTXK hàng hóa. Ngân sách nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ, định hướng cho hoạt động XTXK. Nguồn kinh phí chủ yếu phải là DN, các hiệp hội ngành hàng. DN bỏ kinh phí ra phải tính đến kết quả và hiệu quả của hoạt động XTTM, phải có kết quả cụ thể, mang lại lợi ích và lợi nhuận kinh doanh. Đây cũng là con đường để đổi mới hoạt động XTXK, làm cho hoạt động XTXK sôi động mà hiệu quả”, ông Nam nói.
Cùng với đó, ông Nam cũng cho rằng hoạt động XTTM cần phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cả vĩ mô lẫn vi mô, từ ngành hàng rộng đến từng mặt hàng cụ thể. Cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động XTTM ở nhiều khâu, nhiều cấp từ DN, hiệp hội DN cho đến bộ, ngành quản lý, từ địa phương đến trung ương; phải đổi mới, nâng cao năng lực XTTM từ chuyên môn nghiệp vụ đến tài chính kinh tế; cần phối hợp tổ chức XTTM giữa các cấp, các ngành, nhất là tập hợp các DN cùng ngành nghề.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng hóa với giá trị gần 200 tỷ USD nên vai trò XTTM rất quan trọng. Trước đây, XTTM của Việt Nam tập trung vào hai khâu: “khoe mình” cho họ biết mình là ai và “khoe với ai” cho mình biết họ.
Nhưng hiện nay, XTTM phải biết kết nối để học hỏi, kết nối với người lớn hơn, người mạnh, người giỏi. Đồng thời, DN chỉ là một phần trong toàn bộ chuỗi giá trị và mạng sản xuất nên khi “khoe mình”, các DN còn phải cho họ biết DN chơi với ai, ai là đối tác của DN. Đó là thương hiệu và giá trị gia tăng của hàng hóa Việt, dịch vụ Việt.
Ông Thành hy vọng hoạt động XTTM thời gian tới cần thiết thực, hiệu quả. Muốn như vậy, bên cạnh cải thiện nguồn lực, cần kết nối với DN đối tác nước ngoài, những đối tác mà DN muốn “khoe”, muốn học.
Lê Thúy
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương Cần phải thay đổi cách làm XTTM, bởi vì Cục XTTM được thành lập từ khi kim ngạch xuất khẩu chỉ 10 tỷ USD, nhưng nay đã lên tới 176 tỷ USD mà chúng ta vẫn làm xúc tiến như thời 10 tỷ USD rõ ràng cho thấy sự mâu thuẫn và không thể hiện tầm nhìn của quốc gia. Do đó, thay vì yêu cầu Bộ Tài chính tăng thêm kinh phí, hãy nên nhìn lại cách làm, không phải cung cấp cho DN tiền mặt mà phải cung cấp cho họ kỹ năng. Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại DN Việt Nam được ưu ái hơn DN nước ngoài nhiều, trên thực tế gần như tất cả. Các DN được hưởng lợi từ hoạt động xúc tiến ở nước ngoài đều là DN Việt Nam. Các DN thủy sản, dệt may, điện tử, da giày, nông sản… những nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô đều tham gia hoạt động XTTM. PGs.Ts. Nguyễn Văn Nam - Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh Ngày nay, thế giới bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, bước vào kỷ nguyên số, mọi hoạt động kinh tế, thương mại đều đứng trước những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi DN và hoạt động XTXK phải ứng dụng khoa học, công nghệ mới, phải làm chủ công nghệ mới để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức. Sử dụng công nghệ thông tin, mạng Internet giúp XTXK vừa mở rộng thị trường vừa tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích to lớn. |