Số liệu thống kê mới đây từ Tổng cục Hải quan cho thấy việc nhập khẩu (NK) của nhóm hàng cơ khí máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong 10 tháng đầu năm 2019 đã đạt tới 30,03 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. NK nhiều nhất là các máy móc thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc: đạt 11,98 tỷ USD, tăng đến 27,2%.
Điểm nghẽn thị trường
Riêng về NK ô tô, trong 10 tháng qua đã có tổng cộng 123.484 xe hơi nguyên chiếc các loại về Việt Nam với trị giá hơn 2,7 tỷ USD. Trong đó, 80% lượng ô tô nguyên chiếc NK từ Indonesia và Thái Lan.
Có thể thấy, những số liệu NK nêu trên là một thách thức lớn với ngành cơ khí nội địa vốn dĩ vẫn còn nhiều mặt yếu kém và các điểm nghẽn.
Theo nhận định của ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), một trong những điểm nghẽn về thị trường của ngành cơ khí nội địa là hàng năm Việt Nam NK từ nước ngoài hàng chục tỷ USD trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận là từ những dữ liệu về NK trong nhiều năm qua cho thấy dư địa thị trường để phát triển các ngành cơ khí sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư trong nước là rất tiềm năng.
Đơn cử, theo báo cáo của đơn vị có liên doanh với Honda Việt Nam, doanh thu năm 2018 của Honda Việt Nam là xấp xỉ 5 tỷ USD. Con số này cho thấy thị trường nội địa của cơ khí chế tạo linh kiện cho ngành ô tô, xe máy Việt Nam có dung lượng rất lớn.
Trong khi đó, sau 20 năm đã qua, các doanh nghiệp (DN) cơ khí nội địa của Việt Nam vẫn chưa làm được động cơ xe máy có chất lượng tốt để phát triển sản phẩm này đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Chia sẻ tại hội thảo về thực trạng khó khăn của ngành cơ khí Việt Nam trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu và sản phẩm công nghiệp Việt Nam (Vinamac Expo 2019) diễn ra ở Tp.HCM ngày 27/11, ông Long cho rằng bất kỳ ngành sản xuất nào mà không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, trước hết là thị trường nội địa, đều không thể phát triển được. Việt Nam chưa có những biện pháp phù hợp để bảo vệ, khai thác thị trường nội địa cho phát triển ngành.
![]() |
Sản phẩm của cơ khí nội địa hầu như mất thị trường trong nước |
Thiếu sự phối hợp
Theo Chủ tịch VAMI, nhiều năm qua, ngành cơ khí nội địa không có được thị phần của dung lượng thị trường từ các dự án năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, xây dựng giao thông cầu đường, cảng biển, hệ thống thuỷ lợi, phát triển nông, lâm, hải sản, dịch vụ bưu chính viễn thông... - vốn là thị trường đóng vai trò quan trọng cho các sản phẩm cơ khí.
Cần phải nhìn rõ mặt hạn chế là Việt Nam hiện chỉ có khoảng 20.000 DN cơ khí nội địa (không tính DN có vốn đầu tư nước ngoài), thế nhưng những DN có lượng nhân công từ 500 lao động trở lên còn rất ít (chỉ khoảng 100 DN), còn lại đa phần là DN cơ khí có quy mô nhỏ.
Những đánh giá hiện nay từ các tổ chức nghiên cứu cho thấy tuy là ngành giữ vai trò hạ tầng kỹ thuật cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và an ninh quốc phòng, nhưng ngành công nghiệp cơ khí nội địa của Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 30% nhu cầu thị trường trong nước.
Riêng về cơ khí nông nghiệp - vốn đang có nhu cầu rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản của Việt Nam, theo Ts. Phan Hiếu Hiền (công ty TNHH cơ khí Bùi Văn Ngọ), với phần động cơ máy kéo hiện nay hoàn toàn là NK.
Ngoài ra, có một số loại máy nông nghiệp do những người thợ cơ khí ở nông thôn tự chế ra, đó cũng là một điểm yếu. Tuy những người thợ này có kinh nghiệm trên đồng ruộng, nhưng sản lượng máy móc họ làm ra còn khiêm tốn, không thể đáp ứng cho nhu cầu lớn.
Ngược lại, theo ông Hiền, các nhà máy cơ khí ở Trung ương có đầy đủ máy móc thiết bị nhưng “không làm được gì nhiều”. Nguyên nhân là bởi, khác với những người thợ ở nông thôn, những kỹ sư trong các nhà máy này còn “ở trong phòng máy lạnh”, thiếu tính thực tế ngoài đồng ruộng, nên sản phẩm cơ khí làm ra khó đáp ứng được thị trường.
“Rõ ràng là cơ khí nông nghiệp nội địa còn thiếu sự phối hợp của hai nhánh. Nhánh thứ nhất là nhánh ngoài đồng, nhánh thứ hai là nhánh trong nhà. Vì đang thiếu phối hợp nên ngoài sản phẩm cơ khí cung cấp cho sản xuất lúa gạo thì chúng ta còn thiếu rất nhiều sản phẩm cơ khí cho các loại nông sản khác”, Ts. Phan Hiếu Hiền lưu ý.
Để ngành cơ khí nội địa của Việt Nam có thể chế tạo được các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế mở như hiện nay, giới chuyên gia khuyến nghị Nhà nước cần có chương trình, quy hoạch, lựa chọn một số sản phẩm, phân ngành cơ khí mà Việt Nam có thế mạnh về thị trường và năng lực sản xuất.
Còn trên thực tế, quản lý nhà nước đối với công nghiệp cơ khí được cho là còn những điểm nghẽn từ các yếu tố vĩ mô, chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt là các chính sách của Nhà nước từ quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp, kinh tế, dịch vụ chậm được ban hành, đầu tư công chưa hợp lý… Vì vậy, sản phẩm của cơ khí Việt hầu như mất thị trường trong nước, ngày càng khó cạnh tranh ở thị trường nội địa và nước ngoài.
Thế Vinh