Nhận định chung về chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam, Ts. Đinh Trọng Thắng, Trưởng Ban Chính sách đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng ưu đãi thuế cao tương ứng với thất thu ngân sách.
Nhiều kết quả khảo sát doanh nghiệp (DN) cũng cho thấy các yếu tố quan trọng nhất mà các nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện đầu tư xếp theo thứ tự là: sự ổn định về kinh tế và chính trị, chi phí lao động, chính sách thuế, khung pháp lý và chất lượng kết cấu hạ tầng.
Ưu đãi chưa tương xứng hiệu quả
Nghiên cứu cụ thể về trường hợp của tỉnh Bắc Giang, báo cáo của CIEM cho biết, tính đến tháng 6/2018 có 1.482 dự án đầu tư còn hiệu lực. Năm 2010, giá trị nộp ngân sách nhà nước từ các dự án đầu tư đạt 547 tỷ đồng (bằng 24,4% tổng thu ngân sách trên địa bàn). Năm 2017, giá trị nộp ngân sách từ các dự án đầu tư đạt 1.569,3 tỷ đồng (bằng 24,8% tổng thu ngân sách).
Tuy nhiên, thu hút đầu tư ở Bắc Giang vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, các ưu đãi tạo ra môi trường kinh doanh tương đối không bình đẳng. 56% DN FDI được nhận ưu đãi và khuyến khích đầu tư, trong khi với DN tư nhân trong nước chỉ là 25%.
Đồng thời, DN quy mô lớn được nhận ưu đãi nhiều hơn DN nhỏ. Điều này tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng, chưa khuyến khích được DN nội địa nói chung, DN của tỉnh nói riêng và khu vực HTX.
Về lĩnh vực, tỷ trọng thu hút đầu tư vào nông nghiệp thấp. Vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào công nghiệp và dịch vụ. Trình độ công nghệ của các dự án đầu tư thứ cấp thu hút ở mức trung bình, chủ yếu thực hiện ở công đoạn sản xuất và gia công, không đòi hỏi máy móc và thiết bị hiện đại.
Về nguyên liệu, các dự án chủ yếu sử dụng nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, mua trong nước với số lượng nhỏ.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến tháng 4/2018, Bắc Giang đã phát hiện, xử lý 74 vụ gây ô nhiễm môi trường, đề xuất xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2,7 tỷ đồng. Trong khi đó, đóng góp cho ngân sách nhà nước của Bắc Giang so với tỉnh lân cận và mặt bằng chung cả nước còn thấp.
Đánh giá về mục tiêu đặt ra trong chính sách thu hút đầu tư của Bắc Giang, đại diện nhóm nghiêm cứu, ông Thắng cho biết mục tiêu tìm kiếm các nhà đầu tư lớn, có uy tín để tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư chưa thành công.
Thực tế hiện nay, quy mô các dự án còn nhỏ. Các dự án trong nước chủ yếu là các dự án có quy mô nhỏ dưới 20 tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng số các dự án trong nước; gần 50% các dự án FDI có quy mô vốn dưới 2 triệu USD.
Các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, sử dụng công nghệ lạc hậu.
Đáng chú ý là về chi phí ưu đãi thuế. Với DN trong nước, chi phí ưu đãi thuế bằng 48,2 tỷ đồng, tương đương với 24,6% tổng số thuế phải nộp. Trong khi đó, với DN nước ngoài, chi phí ưu đãi thuế bằng 545,9 tỷ đồng, tương đương với 71,7% tổng số thuế phải nộp.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng dường như Việt Nam quá "sính ngoại", luôn cố gắng ưu đãi hết mức cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi ít quan tâm tới hỗ trợ DN trong nước.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào khối ngoại, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, cán cân thương mại do khối ngoại quyết định.
"Giả sử một ngày nào đó, Samsung chuyển nhà máy sang Ấn Độ…, Việt Nam sẽ giải quyết bài toán ổn định kinh tế vĩ mô thế nào? Hậu quả chắc chắn sẽ không hề nhỏ", ông Hòe nêu vấn đề.
Nhìn lại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, ông Hòe đánh giá những ưu đãi dành cho các DN trong nước hết sức chung chung. DN không biết mình sẽ được hưởng những ưu đãi nào khi tiếp cận đất đai, điện, quảng cáo sản phẩm… Đó là lý do khiến DN Việt không thể "lớn", những cái gì "ngon nhất" đang dành cho khối ngoại hưởng.
Theo Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, các địa phương dường như đang tư duy năm ngoái thu hút FDI đạt 7 tỷ USD, năm nay tăng lên 8 tỷ USD là mừng lắm, chứ ít quan tâm tới dự án FDI đó mang lại bao nhiêu giá trị cho Việt Nam, có tạo ra chuỗi liên kết với DN nội địa hay không.
![]() |
Khối ngoại nhận được nhiều ưu đãi nhưng tạo ra giá trị gia tăng chưa tương xứng |
Thiết kế lại chính sách
Vậy, đâu là nguyên nhân? Ông Thắng cho rằng vấn đề nằm ở thiết kế chính sách chưa nhất quán giữa các mục tiêu; chính sách đưa ra cho toàn bộ các tỉnh thành, chưa dựa trên lợi thế cạnh tranh, đặc thù của mỗi địa phương. Chưa kể, chính sách ưu đãi phức tạp, chồng chéo, nằm rải rác ở nhiều văn bản luật pháp khác nhau (Luật Đầu tư, Luật Thuế…)
Vì vậy, ông Thắng đề xuất, xác định các ngành ưu tiên, mục tiêu nhằm định hướng thu hút đầu tư một cách chủ động, chỉ ưu đãi, khuyến khích đầu tư FDI ở lĩnh vực Việt Nam thực sự cần và không làm được.
Chuyển từ ưu đãi dựa trên quy mô và tổng lợi nhuận sang ưu đãi dựa trên hiệu quả và giá trị gia tăng. Giảm ưu đãi dư thừa vì ưu đãi thuế có tác dụng không rõ rệt lên thu hút đầu tư bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh và chất lượng hạ tầng.
Đồng thời, có dữ liệu từ quá trình theo dõi thực hiện chính sách là đầu vào cho việc đánh giá lợi ích và chi phí lợi ích của chính sách trước khi thực hiện chính sách. Minh bạch hóa các ưu đãi, thủ tục được nhận ưu đãi, minh bạch hóa số tiền liên quan đến nghĩa vụ thuế, đất đai mà DN phải làm và số tiền ưu đãi DN được nhận.
Theo PGs.Ts. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), một số hình thức ưu đãi thuế trở thành kẽ hở để DN lợi dụng, trốn thuế cũng như tạo ra gánh nặng cho ngân sách.
Đồng thời, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam tương đối phức tạp do phạm vi ưu đãi (ưu đãi theo lĩnh vực và ưu đãi theo địa bàn, quy mô vốn) được quy định trong Luật Đầu tư 2014 là khá rộng.
Cụ thể, có 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 27 lĩnh vực được hưởng ưu đãi đặc biệt khi đầu tư, trong đó có ưu đãi về thuế. Có hơn 300 loại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi thuế với các hình thức khác nhau.
Ông Cường đề xuất, cần nghiên cứu giảm việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế, thay vào đó là đơn giản hóa thủ tục, quy trình thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ts. Nguyễn Hoàng Hà, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT), cho hay không phải mọi quốc gia ASEAN đều có Luật Đầu tư. Ví dụ, Singapore – nước thành công nhất trong việc thu hút FDI lại không có Luật Đầu tư.
Với Việt Nam, theo Ts. Thắng cần xác định lại vị trí FDI trong nền kinh tế trong bối cảnh mới, giảm bớt sự phụ thuộc lớn vào khối ngoại; tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn là ưu đãi cho ngành cụ thể.
Lê Thúy
PGs.Ts. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính Cần thực hiện phân tích chi phí – lợi ích của ưu đãi thuế một cách thận trọng và mang tính dài hạn trước khi ban hành và sau khi thực hiện. Đó là tính toán chi phí ngân sách với miễn giảm thuế, tránh hiện tượng địa phương "xé rào" ưu đãi thuế. Ts. Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright Một số ngành sản xuất, chế tạo nhận ưu đãi nhiều như mía đường, lắp ráp sản xuất ô tô chưa tạo ra kết quả tương xứng với kỳ vọng. Dù đã được chọn và "trải thảm đỏ" nhưng một số DN FDI dường như chỉ tận dụng chính sách ưu đãi là chính chứ chưa tạo giá trị gia tăng cao hay nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Ts. Đinh Trọng Thắng - Trưởng Ban Chính sách đầu tư, CIEM Thu hút FDI theo cách chủ động dựa trên điểm mạnh, điểm yếu của địa phương bằng cách nâng cao tính hấp dẫn của địa phương trong mắt các nhà đầu tư muốn thu hút. Chuyển từ thu hút bằng lợi thế sẵn có sang xây dựng lợi thế theo nhu cầu thu hút đầu tư, bằng cách tạo ra những lợi thế về lao động, hạ tầng, môi trường trường kinh doanh tương ứng và phù hợp. |