Mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định, thủ tục hành chính. Văn bản nêu rõ sau gần 5 năm thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ những bất cập cần được xem xét.
Nên bỏ quỹ bình ổn?
Theo đó, bất cập đầu tiên là việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) được thực hiện theo quy định tại Nghị định 83. Trên thực tế, Vinpa cho rằng việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu khiến người tiêu dùng (NTD) chịu thiệt hơn được lợi vì bản chất là NTD đang ứng trước cho Quỹ. Bên cạnh đó, việc sử dụng Quỹ BOG mang đậm tính can thiệp hành chính làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.
Vì vậy, Vinpa kiến nghị bỏ Quỹ BOG để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ BOG, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp (DN) đầu mối.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho biết kiến nghị này đã từng được đưa ra từ nhiều năm nay. Quan điểm cá nhân ông ngay từ đầu là không nên hình thành quỹ này, bởi nó tồn tại rất vô nghĩa, "vô thưởng vô phạt".
Nhiều năm qua, Quỹ BOG được chi tiêu ra sao, lãi suất gửi ngân hàng bao nhiêu, số dư kết từng tháng, từng kỳ không minh bạch. "Quỹ bình ổn là phi thị trường nên cần phải bỏ, người quản lý thay vì dùng quỹ để điều tiết giá cần phải giải quyết tốt bài toán cung – cầu, lưu thông thông suốt, tổ chức hệ thống phân phối hiệu quả", ông Phú nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định, thời gian vừa qua, việc sử dụng Quỹ BOG đang rất lạm dụng, hậu quả là giá xăng dầu tăng phi mã trong những kỳ điều hành gần đây.
Ở một góc độ khác, PGs.Ts. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), lại cho rằng trong bối cảnh giá xăng dầu đang được định giá cơ sở thì không thể không có quỹ bình ổn. Nhà nước quản lý giá phải có công cụ trong tay để khi giá thế giới lên cao phải dựa vào đó để xả quỹ BOG, không cho tăng cao. Tuy nhiên, vấn đề gây bức xúc mấu chốt là trích và sử dụng quỹ chưa hợp lý. Cụ thể, DN bán xăng E5 không có thu từ quỹ nhưng lại trích số lớn nên DN không mặn mà, muốn bỏ bán là vì vậy.
Ông Long nhấn mạnh, việc sử dụng Quỹ BOG ra sao cần được nhà điều hành tính toán hợp lý để tránh giật cục, không lạm dụng quá nhiều quỹ và xem nó như chiếc "đũa thần" như trong thời gian qua.
Về phía nhà điều hành, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, một lần nữa khẳng định vai trò của Quỹ BOG. Theo ông, Quỹ BOG giá xăng dầu được dùng để chi sử dụng trong các dịp lễ tết, các khoảng thời gian nhạy cảm… mà giá xăng dầu thế giới tăng cao sẽ lấy ra bù vào.
Ông Hải chia sẻ: "Có thể thấy vừa rồi giá xăng dầu vẫn tăng nhiều nhưng nếu không sử dụng Quỹ sẽ còn tăng nhiều hơn nữa. Việc sử dụng Quỹ giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của ba bên người dân, DN kinh doanh xăng dầu và Nhà nước.
Chuyên gia kiến nghị bỏ lợi nhuận định mức trong kinh doanh xăng dầu |
Còn nhiều tranh cãi
Bên cạnh Quỹ BOG, các quy định quản lý xăng dầu cũng còn tồn tại nhiều bất cập. Về giá cơ sở, Vinpa mới đây đã kiến nghị khi nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Nghị định 83 cần xem xét bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay mà chỉ là tiêu chí để DN tham khảo trước khi quyết định giá bán lẻ. Việc để DN được quyền quyết định giá không chỉ đúng với bản chất của nền kinh tế thị trường mà còn mang đến nhiều lợi ích cho NTD. Khi các DN cạnh tranh về giá sẽ có giá bán khác nhau giữa các thương nhân và chất lượng dịch vụ để thu hút NTD.
"Kiến nghị Bộ Tài chính cần sửa đổi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá 2012 nên để các DN đăng ký và quyết định giá, Bộ Tài chính có thể hậu kiểm nếu cần thiết", Vinpa đề xuất.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Vinpa, lấy ví dụ tại Hàn Quốc, sau khi Chính phủ tự do hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu đã tạo dựng được một thị trường cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ của pháp luật, giá xăng dầu bán lẻ đã tiệm cận giá thế giới. Đây là mô hình mà Việt Nam nên học tập.
Tuy nhiên, trước đề xuất để DN được quyền quyết định giá, ông Vũ Vinh Phú lại kịch liệt phản đối, vì cho rằng nếu điều này xảy ra sẽ đi ngược lại với lợi ích của NTD. Hiện nay, xăng dầu vẫn là ngành còn độc quyền (Petrolimex đang chiếm trên 40% thị phần), mà còn độc quyền thì không có cạnh tranh, dẫn tới minh bạch không đầy đủ. Do vậy, Nhà nước bắt buộc phải cầm trịch giá, vấn đề là điều hành sao cho hợp lý.
Theo ông Phú, trước đây Việt Nam không có nhà máy lọc dầu nhưng hiện nay, hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất đã đáp ứng được 70- 80% nhu cầu xăng dầu trong nước, tại sao không sản xuất để dự trữ, cân đối thị trường xăng dầu trong nước khi giá cả biến động mà cứ phụ thuộc vào giá của nước ngoài – lên nhanh mà giảm chậm?
Mặt khác, ông Phú cũng đề xuất bỏ lợi nhuận định mức của kinh doanh xăng dầu, DN phải chấp nhận quy luật lời ăn lỗ chịu, không thể tồn tại chính sách bán 1 lít xăng dầu là đương nhiên lãi 300 đồng.
Trước đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng từng đặt vấn đề ngành xăng dầu sử dụng nguyên liệu trong nước mà tính giá thế giới là không ổn; DN chủ yếu sử dụng xăng dầu sản xuất trong nước, hạn chế bên ngoài mà lại tính giá bán lẻ 100% theo giá thế giới là chuyện khó hiểu. Do vậy, Bộ Công Thương cần tính toán đưa ra lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích cho NTD và DN.
Ông Hòa khẳng định cách thức điều hành xăng dầu trong nước vẫn còn rất nhiều bất cập, nhất là việc điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ đang gây ra những khó khăn nhất định cho các DN vận tải, phát triển du lịch, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế chung của cả nước.
Liên quan tới tần suất điều chỉnh giá (thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá), Vinpa cho rằng với quy định này, giá bán lẻ trong nước sẽ khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới trong bối cảnh những yếu tố tác động lên giá dầu như kinh tế, địa chính trị, tôn giáo liên tục diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay.
Vì vậy, Vinpa đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 10 ngày để giá bán trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều hành giá.
Trong khi đó, ông Phú kiến nghị nên điều chỉnh bình quân 5 ngày/lần, thay vì chu kỳ 15 ngày như hiện nay.
Theo Ts. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nên rút ngắn thời gian của chu kỳ điều hành giá xăng dầu. Thị trường xăng dầu nên có phản ứng ngay trong vòng 48 giờ, không nên để chờ đến 15 ngày như hiện nay sẽ quá lâu. Trong 15 ngày của kỳ điều hành, thị trường xăng dầu thế giới có biết bao nhiêu diễn biến khác nhau, trong khi thị trường trong nước không kịp phản ứng khiến việc điều hành giá bị động, không theo sát được diễn biến của giá thế giới.
Lê Thúy
Ts. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng CIEM Thị trường xăng dầu hiện nay thiếu tính cạnh tranh. Cần xem xét cho phép giá xăng dầu cạnh tranh trong một biên độ nhất định, tránh tình trạng tất cả tổng công ty, tổng đại lý, các cửa hàng đều có giá bán như nhau, điều này không thể thúc đẩy cạnh tranh. Ts. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế Cần xem lại giá xăng dầu trong nước. Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được 80% nhu cầu xăng dầu. Nên căn cứ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước không thể hoàn toàn theo giá xăng dầu nhập khẩu nữa. Khi chúng ta tự chủ đến 80%, không thể căn cứ vào giá nhập khẩu để điều hành như khi chúng ta nhập khẩu gần như toàn bộ. Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước(Bộ Công Thương) Về cơ bản, Nghị định 83 đã phản ánh đúng tinh thần kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét lại một số nội dung nhằm cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN. |