Gõ từ khoá “Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn” trên Google cho tới 3.580.000 kết quả. Tuy nhiên, ngay trên trang 1 của công cụ tìm kiếm đã cho thấy đầy rẫy thông tin tiêu cực liên quan đến nhà máy này, như chuyện hết tiền, thua lỗ, không chắc còn sản xuất, thất bại trong đầu tư, nút thắt, bù giá hàng chục nghìn tỷ đồng…
“Trăm dâu đổ đầu”… Nghi Sơn
Nhất là ngay trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc Hội ngày 16/3 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên quanh chuyện cung ứng xăng dầu, một loạt tít bài do báo chí đăng tải, tường thuật trực tiếp đã được Google cập nhật, như: “Tăng cường nhập khẩu xăng dầu, không trông chờ Nghi Sơn”, “Chỉ dừng nhập khẩu xăng khi lọc dầu Nghi Sơn đảm bảo nguồn cung”, “Bộ trưởng Bộ Công Thương: Khó khăn chủ yếu của nhà máy Nghi Sơn là tài chính”, “Nhìn thẳng, nói thật vấn đề gốc rễ của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn”, “Giá xăng dầu tăng thấp hơn giá thế giới, nguồn cung quý 2 không tính Nghi Sơn”...
Để làm chủ nguồn cung, thời gian tới sẽ cần tăng thêm khoan dầu, khai thác dầu thô khi hiện tại mới đáp ứng 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu trong nước. |
Còn trong báo cáo của Bộ Công Thương về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có cho biết hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5/2022, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.
Riêng 2 tháng đầu năm nay, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất.
Sang tháng 3/2022, nhà máy này vẫn tiếp tục giảm công suất, dẫn đến lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng xăng dầu từ sản xuất trong nước tiếp tục giảm. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.
Cho nên, tại phiên chất vấn của Quốc hội, khi có đại biểu quốc hội muốn hiểu rõ vai trò của các nhà máy lọc dầu trong nước trong việc đảm bảo nguồn cung như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ví von vai trò của nhà máy lọc dầu trong nước hiện nay là một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước.
Bởi lẽ, Việt Nam hiện nay chỉ 2 nhà máy lọc dầu: Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm.
Hai nhà máy này cung cấp khoảng 70-75% nhu cầu xăng, dầu trong nước (trong đó nguồn từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 35-40%, nguồn từ Nhà máy lọc dầu Bình Sơn chiếm khoảng 35%). Vì thế, những thông tin tiêu cực của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không chỉ là ẩn số mà còn là “nút thắt” lớn để giải bài toán về nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay.
Chờ xây thêm nhà máy lọc dầu
Trong khi đó, báo cáo mới đây của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có lưu ý rủi ro đến từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn do PVN là bên góp vốn (chiếm 25,1% tỷ lệ góp vốn), có trách nhiệm bao tiêu xăng dầu theo các phụ lục (FPOA), nhưng không có quyền chi phối điều hành sản xuất kinh doanh tại nhà máy này.
Thấy rõ những bất cập từ việc chỉ có 2 nhà máy lọc dầu cùng những khúc mắc từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, khi giải trình thêm trước Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có cho biết, sẽ xây thêm nhà máy lọc dầu quy mô 10 triệu m3 để làm chủ nguồn cung. Bởi lẽ, nhu cầu xăng dầu cả nước là 20 - 21 triệu m3/năm, trong khi Dung Quất, Nghi Sơn mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu thị trường.
Phó thủ tướng khẳng định tinh thần dứt khoát phải làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước và theo quy hoạch sẽ có nhà máy lọc dầu với quy mô sản xuất 10 triệu m3 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, hiện PVN đã triển khai, cố gắng trong 10 tháng sẽ xong thủ tục đầu tư. Nếu có thêm 10 triệu m3, cộng 13 triệu m3 hiện nay mỗi năm chúng ta sẽ có 23 triệu m3 xăng dầu, đủ nhu cầu trong nước. Đồng thời sẽ tăng thêm khoan dầu, khai thác dầu thô khi hiện tại mới đáp ứng 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu.
Như vậy, có thể thấy để giải được “ẩn số” từ các nhà máy lọc dầu trong nước thì điều cần phải làm là đầu tư thêm nhà máy lọc dầu mới.
Tuy nhiên, việc đầu tư thêm nhà máy lọc dầu vẫn còn cần thêm thời gian với tầm nhìn dài hạn, cũng như cần tháo gỡ các vướng mắc về mặt chính sách, tránh lặp lại các bất lợi cho thị trường và cho Nhà nước khi ưu đãi đầu tư ở lĩnh vực này.
Còn trước mắt vẫn cần phải gỡ được “nút thắt” từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn càng sớm càng tốt nhằm phần nào đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Để làm được chuyện này, Bộ Công Thương có đề xuất Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên chỉ đạo PVN làm việc cụ thể với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về kế hoạch sản xuất để công bố rõ kế hoạch cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cho Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo từng tháng. Điều đó nhằm giúp các thương nhân đầu mối có kế hoạch đặt mua hàng từ nguồn nhập khẩu sớm, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường trong nước thời gian tới.
Thanh Loan